LTS: Quan tâm đến việc tập huấn giáo viên thực hiện chương trình mới, cô giáo Phan Tuyết cho rằng cần thay đổi cách tập huấn hiện nay, tránh "tam sao thất bản".
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được công bố. Vấn đề được quan tâm nhất hiện nay chính là việc bồi dưỡng, tập huấn giáo viên để có đủ nội lực thực hiện tốt chương trình mới.
Cứ mỗi lần thay sách, giáo viên chúng tôi lại được cử đi tập huấn mươi ngày.
Đây là lần tập huấn cuối cùng trước khi áp dụng chương trình mới trong giảng dạy tại trường.
Công tác tập huấn giáo viên cần mang tính hiệu quả. (Ảnh minh họa: hongbang.edu.vn) |
Trước đó, chuyên viên cấp sở, cấp phòng được cử ra trung ương tập huấn. Về địa phương họ sẽ tập huấn lại cho Ban giám hiệu và một bộ phận giáo viên cốt cán.
Giáo viên là người thực hiện nhưng không trực tiếp được nghe chuyên gia báo cáo mà phải nghe lại hai ba tầng tập huấn khác nhau.
Chuyện “tam sao thất bản” là không tránh khỏi. Chưa nói đến những tình huống phát sinh trong thực tế mà chỉ những thầy cô đang giảng dạy mới có thể lường hết được.
Những câu hỏi lúc này mới được đặt ra, không phải vấn đề gì các báo cáo viên cũng có thể trả lời được. Thế là giáo viên lại tự mò mẫm để giảng dạy.
Điều này không chỉ gây áp lực, sự mệt mỏi cho giáo viên mà chính học sinh cũng bị thiệt thòi khi luôn được đưa ra làm “chuột bạch”.
Thay đổi lớn về tập huấn giáo viên trong chương trình mới
Trong một cuộc họp về công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giảng dạy theo chương trình mới, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo:
Cần chuẩn bị các dạng thức, sản phẩm tài liệu phải phù hợp, trong đó sản phẩm dạng trực quan sinh động thông qua các video clip hướng dẫn.
Tận dụng tối đa công nghệ thông tin vào phương pháp bồi dưỡng để xóa bỏ dần phương pháp tập huấn truyền thống, tập trung về cùng một địa điểm, vừa tốn kém, lãng phí lại không hiệu quả.
Thừa, thiếu giáo viên được giải quyết thế nào trong chương trình mới? |
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Phải khắc phục triệt để tình trạng “điểm danh, ghi tên” trong tập huấn, bồi dưỡng giáo viên bằng cách đổi mới nội dung, phương pháp, chú trọng khâu kiểm tra đánh giá.
Có như vậy, giáo viên mới gắn quyền lợi và trách nhiệm vào các khóa tập huấn”.
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, kiểu tập huấn giáo viên đại diện đi tập huấn rồi về truyền lại kiến thức, phương pháp dạy, hình thức tổ chức cho các giáo viên đại trà theo từng cấp dẫn đến việc nội dung được học, được đào tạo thường bị “tam sao thất bản”, gây tốn kém mà không hiệu quả.
Theo đó, việc đào tạo giáo viên kiểu này sẽ chấm dứt. Việc tập huấn giáo viên dạy chương trình mới sẽ được tiến hành theo kiểu “chúng tôi tiến hành bồi dưỡng tập trong cho đội ngũ giáo viên cốt cán ở trung ương được chọn lọc theo chuẩn nghề nghiệp và các tiêu chí cần thiết, các bài dạy được cung cấp trực tiếp theo dạng số hóa.
Cùng với đó sẽ là bồi dưỡng đại trà, cuốn chiếu ở địa phương thông qua quản lý trên mạng internet”.
Nghĩa là giáo viên sẽ được học qua mạng internet với các gói bài giảng trên mạng. Điều thuận lợi nhất là giáo viên có thể kết nối bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu.
Không phải qua trung gian tập huấn sẽ hiệu quả hơn nhiều
Thông qua các gói bài giảng trên mạng, giáo viên sẽ trực tiếp xem và nghe không chỉ một lần mà nhiều lần nếu cần.
Điều thuận lợi nữa là thời gian không bị gò bó, cứng ngắt. Nhiều giáo viên có chút băn khoăn “nếu thầy cô có điều gì muốn trao đổi, muốn phản biện hoặc muốn nêu yêu cầu sẽ được đáp ứng thế nào?
Chắc chắn sẽ có khá nhiều những câu hỏi cần làm rõ vấn đề.
Kiểu tập huấn trực tiếp giữa người làm chương trình với người thực thi chương trình thế này là vô cùng hữu ích.
Hy vọng với việc làm đổi mới trong cách tập huấn giáo viên lần này, không chỉ người làm chương trình sẽ tiếp nhận được những mặt ưu và những tồn tại để có kế hoạch khắc phục, mà chính các thầy cô giáo cũng sẽ học tập được rất nhiều kiến thức và kĩ năng trong giảng dạy của mình.