Tại Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, lãnh đạo ủy ban nhân dân các tỉnh vùng Tây Nguyên đã chia sẻ về tình hình phát triển giáo dục của địa phương.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Nhiều địa phương thiếu giáo viên, khó khăn về cơ sở vật chất
Chia sẻ tại Hội nghị, bà H’Yim Kđoh – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho biết, kết quả phát triển giáo dục địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng để khắp các thôn, buôn, nhằm đảm bảo duy trì và huy động tối đa số học sinh tới trường, tất cả các xã vùng sâu vùng xa đã có trường tiểu học, trung học cơ sở.
Tuy nhiên, ngành giáo dục vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: chất lượng giáo dục tỉnh Đắk Lắk mặc dù đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung của cả nước vẫn còn thấp; việc đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học được chú trọng nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa; tình trạng thiếu giáo viên, thừa thiếu giáo viên cục bộ, thiếu giáo viên dạy các môn tích hợp, tin học, ngoại ngữ chưa thể khắc phục kịp thời; số lượng biên chế ngành giáo dục được giao hàng năm của tỉnh Đắk Lắk chưa đảm bảo để bố trí đủ biên chế cho giáo dục...
Chia sẻ về tình hình giáo dục tại Đắk Nông, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cho biết, quy mô giáo dục tăng trưởng mạnh, mạng lưới cơ sở giáo dục được mở rộng, bố trí hợp lý; cơ sở vật chất trường học được đầu tư; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển mạnh cả về số lượng, cơ cấu và trình độ; chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông chia sẻ tại Hội Nghị. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của tỉnh Đắk Nông hiện nay là số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập đang thiếu nhiều so với định mức quy định, chưa đáp ứng việc triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thực hiện Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025.
Hiện nay, tổng số giáo viên thiếu trong toàn ngành là 606 người, tổng số nhân viên thiếu trong toàn ngành là 421 người. Trong đội ngũ hiện nay, vẫn còn một bộ phận giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019.
Bên cạnh đó, hệ số, tỷ suất đầu tư cơ sở vật chất; cơ cấu tài chính tuy có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn chậm, chưa phù hợp; chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, nhất là ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Khó khăn nữa là sự chênh lệch chất lượng giáo dục giữa các vùng dân cư, các dân tộc còn khá lớn.
Chia sẻ về những khó khăn, thách thức của giáo dục địa phương, bà Y Ngọc – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân tỉnh Kon Tum cho biết, hiện toàn tỉnh thiếu 973 giáo viên, gồm 446 giáo viên mầm non, 385 giáo viên tiểu học, 142 giáo viên trung học cơ sở. Ngoài ra thiếu nguồn dự tuyển một số môn như tiếng Anh, Tin học , các môn nghệ thuật.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở một số cơ sở giáo dục còn thiếu, chưa đồng bộ so với yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Giáo dục vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng còn nhiều hạn chế, tỉ lệ chuyên cần chưa bền vững.
Cần quan tâm đào tạo giáo viên ngay tại chỗ
Trao đổi tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc Hầu A Lềnh chia sẻ với những khó khăn về giáo dục ở khu vực đặc thù như Tây Nguyên.
Với sự nỗ lực, cố gắng của chính quyền các cấp, sự tham mưu tích cực của ngành giáo dục, sự vào cuộc của các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh và toàn xã hội, giáo dục vùng Tây Nguyên đã gặt hái được nhiều thành quả.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc Hầu A Lềnh chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Bên cạnh đó, khu vực này cũng có những khó khăn riêng, giáo dục dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên cũng có nhiều khác biệt.
Về mặt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giai đoạn này có những mục tiêu cụ thể, thể hiện trong Nghị quyết của Bộ Chính trị, trong các Nghị quyết của Quốc hội.
Trong Nghị quyết của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ cũng đã nêu mục tiêu quan trọng, đó là xây dựng vùng Tây Nguyên thành một trong những vùng trọng tâm, trọng điểm về phát triển giáo dục chất lượng cao.
Riêng giáo dục dân tộc thiểu số, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chia sẻ: Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang cùng với các bộ ngành đang tháo gỡ khó khăn cho vấn đề phân vùng học sinh dân tộc thiểu số ở những địa phương đạt chuẩn nông thôn mới không được thụ hưởng chính sách. Vấn đề dạy chữ cho người dân tộc thiểu số để bảo tồn chữ viết còn gặp nhiều khó khăn về đội ngũ, tài liệu giáo trình, ý thức học sinh và phụ huynh. Dạy chữ viết thì phải chuẩn hóa chữ viết, đội ngũ giáo viên phải đủ trình độ, chế độ cho giáo viên và chương trình chuẩn hóa… Tất cả vấn đề này đặt ra những nghiên cứu thấu đáo phải bàn kỹ trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, việc đào tạo chuyên sâu trong đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên còn thấp so với các vùng khác. Vấn đề tạo điều kiện cho người dân tộc thiểu số được tham gia đào tạo tạo nguồn cán bộ rất quan trọng để phát triển nguồn nhân lực tại chỗ chất lượng vững chắc. Đa dạng hóa về mặt cơ cấu vì đối với giáo viên người dân tộc thiểu số vì vùng Tây Nguyên có nhiều thành phần dân tộc.
Các tỉnh Tây Nguyên cần quan tâm đào tạo giáo viên ngay tại chỗ để lấp đầy những nơi thiếu giáo viên. Đào tạo nghề phù hợp với từng dân tộc thiểu số ở từng địa phương, cán bộ tham gia hệ thống chính trị đảm bảo tỷ lệ phù hợp tỉ lệ dân số ở từng địa phương. Đó là nhiệm vụ đặt ra cho ngành giáo dục đào tạo các tỉnh Tây Nguyên.
Ủy ban Dân tộc cùng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc góp ý sửa đổi chính sách giáo dục phù hợp tình hình thực tế từng giai đoạn.