Những bận bịu, hồi hộp, bâng khuâng chờ đợi, vui mừng của những ngày Tết đã chính thức khép lại để nhường chỗ cho những công việc, những lo toan phía trước.
Những người về quê đón Tết lại rục rịch kéo về thành phố, về nơi làm việc của mình. Những sân bay, bến tàu, bến xe lại bắt đầu đông nghịt dòng người đi, tiễn chân nhau.
Thế nhưng, hình như Tết vẫn còn đọng lại trong lòng nhiều người khi mà trên đường, từng dòng người vẫn tiến về các điểm tham quan, lễ hội, chùa chiền…thêm nhiều ngày sau nữa.
Sau Tết, những dòng người nườm nượp vui xuân. (Ảnh minh họa: baobinhdinh.com.vn) |
Năm nay, bắt đầu từ ngày 11/2 (tức ngày mùng 7 tháng giêng) các cơ quan, công sở, trường học, các doanh nghiệp…đều bắt đầu hoạt động trở lại.
Nhưng, thói quen từ nhiều năm nay là thời điểm những ngày đầu năm vẫn còn “hơi hướng” của Tết nên nhiều người vẫn muốn níu kéo lại không khí Tết.
Một số công, viên chức vẫn chưa bước vào tâm thế làm việc, học trò dù đến trường thì vẫn còn cảm giác lâng lâng của Tết.
Nhiều người, trong đó có cả cán bộ công, viên chức vẫn mải mê với việc đi chùa, cúng giải hạn hay la cà bên bàn trà, quán cà phê, tiệc nhậu, những trò đỏ đen…sau khi đến “trình mặt” ở đơn vị.
Tư tưởng người Việt ta từ xưa đến nay vẫn có thói quen “Tháng giêng là tháng ăn chơi” nên khi hết Tết rồi thì vẫn lưu luyến.
Nhất là ở quê, một số gia đình vì dịp Tết bận rộn suốt ngày đón tiếp anh em, bè bạn, người thân đến nhà mình nên chưa có dịp đến nhà một số bà con, anh em ở xa. Vì vậy, qua Tết rồi mới rảnh rang đến thăm thú, chúc mừng nhau.
Nhiều khi đi trên đường, chúng ta vẫn bắt gặp những gia đình chở nhau đi chơi “hậu Tết”.
Những bàn tiệc, những mâm cỗ vẫn được dọn ra như bình thường như những ngày Tết.
Nhiều vùng quê, có những gia đình còn kéo dài lai rai Tết đến rằm tháng giêng hàng năm.
Cứ gia đình này "mời đi", gia đình khác "mời lại" để thêm dịp được hàn huyên bên nhau.
Điều mà chúng ta thường biết rõ nhất là sau mỗi chuyến đi-đến nhà nhau như vậy thì đa phần họ đều "ghi lại" những khoảnh khắc vui tươi ấy để đưa lên các trang mạng xã hội…
Những ngôi chùa trong tháng giêng là dịp mà du khách đến viếng thăm nhiều nhất. Từng dòng người, xe nhộn nhịp đổ về.
Những ngôi chùa lớn, được xem là linh thiêng thì dòng người chen lấn nhau đi từ điểm cách chùa đến hàng km. Xe cộ phải gửi từ rất xa mới có thể đi bộ vào chùa được.
Những mâm lễ, vàng hương, đồ mã, cúng bái, xem quẻ, mua xăm…khiến cho nhà chùa quá tải. Tất nhiên, trong dòng người đó có cả công-viên chức nhà nước mà năm nào chúng ta cũng nghe, cũng thấy.
Những chiếu bạc của một số anh nam giới cũng được tổ chức nhiều hơn. Nhiều điểm đánh bạc thâu đêm khiến cho nhiều người tán gia bại sản.
Một số gia đình phải sống trong cảnh “cơm không lành, canh chẳng ngọt” vì có người cờ bạc. Rồi nạn đá gà, lắc tài xỉu cũng đâu có ít, chốn thôn quê yên bình cũng bỗng nhiên náo nhiệt suốt những ngày dài…
Nỗi buồn nhiều nhất là đối với những thầy cô giáo ở những vùng khó khăn- nơi có tỉ lệ bỏ học hàng năm cao thì những buổi học đầu tiên của năm mới thường vất vả nhiều hơn cả.
Nhiều học sinh vẫn mải mê với việc chơi Tết. Những em học sinh lớn thì tụ hợp với bạn bè rồi tổ chức đi chơi xa. Những em học sinh nhỏ thì vẫn còn đi chơi với gia đình.
Năm nào cũng vậy, những ngày đầu năm thì thầy cô giáo chủ nhiệm lớp thường nhận được các cuộc điện thoại của phụ huynh xin phép nghỉ học cho con em mình.
Một khi phụ huynh đã xin nghỉ 1-2 buổi học và trình bày lý do rồi thì cũng đành phải đồng ý cho học sinh nghỉ, chỉ biết nhắc nhở khéo với phụ huynh là nhanh chóng cho các em trở lại trường kẻo mất bài học.
Nhưng, dù sao những em như vậy vẫn còn may chán. Bởi, sau Tết là tình trạng học sinh bỏ học tăng lên đột biến.
Nhiều em thậm chí đã bỏ địa phương để theo cha mẹ đi làm ăn ở phương xa nên mỗi khi điện thoại thường là phụ huynh ít khi nghe máy.
Thế nhưng, giáo viên vẫn phải đến nhà để xác nhận học sinh bỏ địa phương.
Theo quy định thì giáo viên chủ nhiệm phải xin chứng nhận của người thân, người lân cận và chính quyền thôn, ấp mới hoàn chỉnh thủ tục để các em học sinh…bỏ học.
Cực lắm, nhưng nếu học trò trở lại lớp thì thầy cô cũng vui lòng nhưng nhiều khi đi lại nhiều lần mà vẫn "mất học trò" thì nỗi vất vả còn được nhân lên gấp nhiều lần.
Ngay cả những công trình xây dựng những ngày đầu năm này thì các chủ thầu cũng phải nghỉ theo thợ của mình. Dù làm việc phổ thông nhưng chẳng có ai lại chịu ra công trình trước ngày mùng 10 Tết.
Tâm lý Tết cứ len lỏi vào suy nghĩ của nhiều người nên đa phần phải giữa tháng giêng thì các công trình mới thực sự trở lại làm việc đông đủ, bình thường.
Năng suất lao động kém, hiệu quả công việc không cao trong những ngày đầu năm là điều chúng ta thường thấy ở khắp mọi nơi trên đất nước ta.
Một số người đứng đầu đơn vị, một số trụ cột gia đình chưa làm gương, chưa thực sự bắt tay vào công việc thì chuyện nhân viên hay những thành viên trong gia đình vẫn còn “ham chơi” cũng là chuyện rất bình thường.
Thôi, vui thì cũng đã vui rồi, Tết thì cũng đã hết rồi nên mọi người hãy cùng bắt tay vào công việc của mình. Phải làm mới có tích lũy để Tết năm sau mình…chơi tiếp.
Điều quan trọng là mỗi người chúng ta cần tạo nên một thói quen tốt cho bản thân, gia đình và đơn vị của mình đang công tác, đang làm việc.
Đó không chỉ là một thói quen tốt mà vấn đề cốt lõi là chúng ta tránh xa được những tục lệ, nhưng thói hư, tật xấu trong những ngày của “tháng ăn chơi”.