Những cận Tết này, trong khi sinh viên về quê nghỉ Tết thì nhiều sinh viên ở lại Hà Nội tranh thủ ngày nghỉ dài hiếm hoi để đi làm thêm. Bên cạnh những công việc như dọn dẹp nhà cửa, dịch vụ chuyển đồ, bán hàng... thì một số sinh viên lại muốn làm “ông đồ”.
Tết đến là dịp để nhiều sinh viên yêu thích nghệ thuật thư pháp đã đến phố ông đồ viết chữ cầu may. Ảnh: Ngọc Khánh |
Ở cách viết thư họa, thư pháp gia phải biết kết hợp, sáng tạo các chất liệu như cỏ cây, chim, thú...trong mỗi nét chữ để tạo sự hài hòa, cân đối. Dụng cụ viết thư họa cũng khá đặc biệt, chiếc bút gỗ có 2 hoặc 3 răng để tạo hiệu ứng và đường nét cho bức vẽ.
Đây là năm thứ 3, “ông đồ” sinh viên Nguyễn Huy Hiệp đến Văn Miếu viết thư pháp. Ảnh: Ngọc Khánh |
“Cũng như 2 năm trước, năm nay mình không về quê đón giao thừa mà ở lại đây viết thư pháp. Đây là một sự sáng tạo nghệ thuật nên ngồi ở nơi linh thiêng như Văn Miếu là một điều may mắn với mình. Đến đây, mình được giao lưu với các ông đồ có kinh nghiệm, mình được học hỏi nhiều hơn”, Hiệp chia sẻ.
Chăm chú vào bức vẽ, Hiệp “phiêu” trong mỗi nét chữ, bỏ mặc những đôi bạn trẻ tay trong tay vây quanh. Dường như, những sinh viên đam mê thư pháp như Hiệp, Tết là thời gian quý báu để nâng tay bút và kiếm thêm ít tiền trang trải việc học tập.
3 chữ Phúc - Lộc - Thọ được viết cách điệu theo lối thư họa độc đáo. Ảnh: Ngọc Khánh |
Bên cạnh gian hàng của Hiệp là “ông đồ” Đặng Thanh Nghị. Quê Nghị ở Tuyên Quang, mới tốt nghiệp Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW. Trung thành với thư pháp Việt, Nghị bày tỏ tình yêu với nét đẹp văn hóa truyền thống này. Tìm hiểu thông tin về thư pháp trên mạng internet rồi đến các câu lạc bộ thư pháp để giao lưu, kết bạn. “Lúc đầu học viết, mình rất chán nản vì nét chữ không đẹp nhưng nghĩ đến chữ “nhẫn” mình lại kiên trì học tiếp. Qua 6 tháng rèn luyện, bây giờ mình đã viết tốt hơn”.
Nhờ có thư pháp mà Nghị hiểu hơn về bản thân mình. Ảnh: Ngọc Khánh |
Nghị cho biết, rất nhiều phẩm chất tốt đẹp hội tụ trong thư pháp như sự kiên nhẫn, công tâm, quyết đoán, vị tha...Vì vậy, viết thư pháp là cách để những người trẻ như Hiệp, Nghị tự rèn mình trưởng thành hơn.
“Hơn thua so với chính mình – Hôm nay mình phải hơn mình hôm qua, thư pháp đã dạy cho mình hiểu hơn về triết lý sống ấy”, Nghị chia sẻ bài học quý giá chiêm nghiệm được trong những ngày rèn nét chữ, luyện nết người.
Bố mẹ chính là nguồn động viên cho Nghị theo đuổi nghệ thuật thư pháp. Mặc dù một năm bận rộn với cuộc sống, Tết là dịp để sum họp gia đình nhưng Nghị muốn ở lại để rèn luyện, học hỏi những người đi trước. “Khi biết mình quyết định ở lại viết thư pháp, bố mẹ lúc đầu có ngăn cản nhưng mình giải thích, thuyết phục đây là cơ hội để nâng tay. Sau đó, bố mẹ hiểu và còn cho mình thêm tiền để mua giấy, mực. Mình sẽ ăn Tết muộn bởi vì 1 năm mới có 1 lần phố ông đồ tụ hội”, “ông đồ” Đặng Thanh Nghị nói.
Thư pháp, sự ngẫu hứng thả hồn vào từng nét chữ vốn như cốt cách của kẻ sĩ ở đời. Ảnh: Ngọc Khánh |
Thư pháp, sự ngẫu hứng thả hồn vào từng nét chữ vốn như cốt cách của kẻ sĩ ở đời. Lạ thay, trong những thời khắc giao hòa của đất trời, chất “phiêu” trên nét chữ thư pháp làm cho con người ta đến hiền từ, thanh thản. Mặc cho cuộc sống thị thành xô bồ, gấp gáp, thư pháp Việt không giúp kiếm ra nhiều tiền nhưng ngày càng có nhiều người trẻ quan tâm, kế tục. Có lẽ, những điều mà nét đẹp văn hóa này mang lại còn quý hơn cả tiền! “Hồn dân tộc” vẫn âm thầm chảy trong cuộc sống đời thường, nó không thể mất đi bởi đó là cội rễ của tâm hồn Việt.
“Nhìn những đôi tình nhân vui vẻ đi chơi Tết, mình cũng thèm lắm chứ nhưng mình muốn tận dụng thời gian này để học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm viết thư pháp của người đi trước. Mình là thanh niên nên thích công việc sôi động, nhưng không phải lúc nào sôi động cũng hay”, Nghị bộc bạch.
Có thể bạn quan tâm |
|
Ngọc Khánh