LTS: Chia sẻ những khó khăn, bất cập của giáo viên cùng các em học sinh trong việc phải tham gia quá nhiều phong trào rồi hội họp mà nhà trường và các địa phương tổ chức vào dịp cận Tết, thầy giáo Nhật Duy đã bày tỏ quan điểm về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Sau một năm, thầy và trò các nhà trường đã vất vả với giảng dạy, học tập cùng vô vàn các cuộc thi, các phong trào mà trường, ngành, địa phương phát động.
Nhưng, khi cận ngày nghỉ Tết và trong những ngày nghỉ Tết thì giáo viên và học sinh vẫn miệt mài tham gia và dự nhiều các phong trào, nhiều cuộc họp.
Có những phong trào chỉ tổ chức lấy…phong trào vậy mà giáo viên và học sinh vẫn cứ phải tham gia.
Giáo viên và học sinh vẫn miệt mài với các phong trào và hội họp (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa từ mncukhoi.longbien.edu.vn). |
Thôi thì các cấp, các ngành hãy để giáo viên và học sinh được nghỉ ngơi trọn vẹn mấy ngày Tết để qua năm lại tiếp tục bước vào giai đoạn nước rút của năm học với muôn vàn những kì thi đang chờ đợi ở phía trước.
Như đã thành thường lệ, cứ dịp cận Tết là các giáo viên, học sinh của nhà trường lại tất bật với vô vàn những phong trào.
Chỗ thì nhà trường phát động, chỗ thì Đoàn-Đội của trường, của xã, của huyện, chỗ thì Công đoàn trường, Công đoàn ngành, Công đoàn huyện, chỗ thì địa phương dồn dập mở ra để hưởng ứng chào mừng Xuân mới.
Nói thật, đa phần giáo viên và học sinh đã mệt mỏi lắm rồi nên cũng chẳng mấy người thiết tha khi tham gia nhưng rồi cũng đành miễn cưỡng để tham dự các phong trào cho đúng quy định vì đã được phân công.
Đối với học sinh tiểu học thì tham gia diễn đàn Thắp sáng ước mơ, sinh hoạt Đội, học sinh cấp 2, 3 thì tổ chức văn hóa, văn nghệ, thể thao, cắm trại, lao động…
Thầy cô giáo thì cũng bận bịu với các phong trào của trường, ngành, địa phương như thi hát Karaoke, thi gói bánh, tổ chức văn nghệ, trò chơi dân gian, gian hàng ẩm thực, giao lưu với các đơn vị, dẫn học sinh đi thăm viếng chỗ này, chỗ kia…
Cứ thế, thầy và trò vẫn cứ miệt mài với các phong trào của các cấp. Bởi, tất cả các phong trào đều hướng tới vui Xuân nên cấp nào phát động cũng nêu mục đích, ý nghĩa vô cùng cần thiết để “tạo sân chơi”, “ tạo không khí thoải mái”, “ vui đón Tết lành mạnh”.
Họp nhiều là căn bệnh nặng không phải chỉ có ở ngành giáo dục |
Chính vì vậy, phong trào nào phát động của cấp trên thì nhà trường cũng đều phải tham gia. Và, dĩ nhiên là giáo viên, học sinh cũng phải tích cực hưởng ứng theo kế hoạch.
Không chỉ phong trào được các cấp phát động rầm rộ mà hội họp cũng được các nhà trường tranh thủ tổ chức bởi đây là dịp có thời gian rảnh rỗi.
Phần lớn các địa phương cho học sinh nghỉ học từ 10 ngày đến 14 ngày nhưng đó là…học sinh. Còn đối với giáo viên thì một số ban giám hiệu yêu cầu chỉ được nghỉ 6 ngày, từ 29 đến hết ngày mồng 4 Tết.
Vì thế, nhà trường cũng tranh thủ họp hành và phân công giáo viên vào trực Tết…cho vui.
Các trường học thì chỉ có mấy phòng hiệu bộ, phòng công nghệ thông tin và phòng thiết bị là có các phương tiện, máy móc nhưng được khóa cẩn thận mấy lần khóa.
Các phòng học thì chỉ có vài bộ bàn ghế nhưng ban giám hiệu vẫn phân công mỗi ngày 1 tổ chuyên môn vào trực. Dù trường có bảo vệ nhưng những ngày nghỉ đều có một số giáo viên vào trực Tết.
Không hiểu sao mà nhiều ban giám hiệu lại cứ thích hành giáo viên đến thế. Nhiều giáo viên xa trường đến trực cả ngày ngồi vất vưởng ở trường. Thậm chí, buổi trưa phải nhịn đói vì ngày Tết thì căng tin họ không bán hàng, quán xá xung quanh cũng không bán đồ ăn.
Không chỉ họp hành ở trường mà ở nơi cư trú cũng được tổ chức họp hành liên miên. Ngày cuối năm cũng sinh ra nhiều phong trào, nhiều kế hoạch nên lúc thì tổ phố, lúc thì khu phố mời họp để vận động phong trào này, phong trào nọ.
Thành thử, những cuộc họp dân cũng chỉ là phụ mà vấn đề chính là vận động, quyên góp hỗ trợ nhưng lại tổ chức dài lê thê, mất thời gian đến vô cùng.
Ngày Tết, ngành giáo dục cũng như bao ngành nghề khác đều hướng tới một cái Tết an toàn, tiết kiệm và lành mạnh. Lãnh đạo ngành, địa phương cũng muốn giáo viên và học sinh vui vẻ đón Tết nhưng có lẽ các cấp lãnh đạo cũng cần cân nhắc kĩ các phong trào mà mình phát động, tổ chức.
Các em học sinh thì có nhiều em ham vui bởi các em chưa phải lo toan gì nhiều. Nhưng, giáo viên thì đa phần họ là những trụ cột của gia đình.
Ngày Tết cũng phải chợ búa, sắm sửa, dọn dẹp nhà cửa. Cũng phải chạy sang bên nội, bên ngoại, người thân, cũng phải đến nhiều chỗ cần gặp gỡ.
Vì thế, việc đơn giản hóa các phong trào và tránh chồng chéo lên nhau là cần thiết.
Nó không chỉ giảm tải được thời gian cho giáo viên, học sinh mà đỡ tốn kém tiền ngân sách của ngành, của địa phương.
Việc quan trọng nhất của ngành, ban giám hiệu, công đoàn nhà trường là thăm hỏi, tặng quà, động viên các công đoàn viên trong đơn vị và các em học sinh khó khăn về kinh tế.
Cần tuyên truyền, nhắc nhở các em học sinh đón Tết lành mạnh, tránh xa vào các tệ nạn xã hội, các cuộc vui chơi, đua đòi vô bổ để hạn chế tối đa các sự việc không mong muốn xảy ra, thế là đủ lắm rồi.
Các cấp của ngành giáo dục cũng như các đoàn thể ở địa phương cũng không cần nhất thiết phải tổ chức nhiều phong trào để lấy thành tích mà chọn lọc những phong trào nào cần thiết, có tính giáo dục và giải trí cao, ít kinh phí cả tổ chức.
Đặc biệt là tránh tình trạng cấp trên, cấp dưới, ngành này, ngành kia đều tổ chức nhưng lại cùng một nội dung.
Ngày Tết là dịp để thầy và trò nghỉ ngơi nên đừng bắt họ phải chạy sô với nhiều phong trào, hội họp vô bổ.