Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã kêu gọi tiến hành tổng tuyển cử vào tháng 2 để giải quyết bế tắc chính trị, nhưng những người biểu tình đã tuyên bố sẽ ngăn chặn các cuộc bỏ phiếu, mà họ sợ sẽ chỉ giúp kéo dài sự thống trị chính trị của gia đình tỷ phú của bà Thủ tướng.
Những người biểu tình tuyên bố sẽ chiếm thủ đô Bangkok từ ngày 13 tháng 1 cho đến khi họ giành chiến thắng trong trận chiến lật đổ chính phủ. Họ đã lên kế hoạch chặn giao thông xung quanh thành phố, ngăn các quan chức đi làm và cắt điện, nước của các tòa nhà chính phủ.
Cảnh sát chống bạo động Thái Lan. |
Chính phủ Bangkok đang huy động 14.880 cảnh sát và binh lính để đối phó với các cuộc biểu tình của quần chúng, phát ngôn viên cảnh sát quốc gia Piya Uthayo cho biết trong một cuộc họp báo trên truyền hình.
"Mục tiêu của chúng tôi là để ngăn chặn bất kỳ cuộc xung đột hay bạo lực", ông nói thêm.
Cổ phiếu Thái Lan và đồng baht đã giảm mạnh do lo ngại rằng cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc sẽ khiến khách du lịch nước ngoài và đầu tư quốc tế lo sợ không dám đến với Thái Lan.
Chính quyền thành phố Bangkok đã chỉ thị cho 146 trường học đóng cửa vào ngày 13/1.
Các quan chức nói rằng chính phủ đã sẵn sàng tuyên bố tình trạng khẩn cấp nếu cần thiết để đối phó với bất kỳ tình trạng bất ổn, sau nhiều đợt bùng phát bạo lực đường phố.
Các nhà phê bình nói rằng những người biểu tình muốn kích động xung đột mới với hy vọng gây ra một cuộc đảo chính quân sự với lý do lập lại trật tự - một lời buộc tội mà những người biểu tình nhiều lần từ chối.
Cựu Phó thủ tướng Suthep Thaugsuban hôm 8/1 lẽ ra phải trình diện tại tòa án để đối mặt với một bản cáo trạng giết người do chịu trách nhiệm về các trường hợp tử vong trong các cuộc biểu tình, nhưng ông đã yêu cầu hoãn lại vì bận dẫn đầu các cuộc biểu tình hiện nay.
Tuy nhiên, các công tố viên đang tìm kiếm lệnh bắt công Suthep vì không thực hiện theo đề nghị triệu tập, văn phòng Tổng chưởng lý cho biết./.
Nguyễn Hường