Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin về việc gia đình ông Vũ Hữu Tròn sinh năm 1947, trú tại thôn Thanh Bình, xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa phản ánh về việc một số cán bộ chính quyền địa phương trong nhiều năm liền "trù dập" và có dấu hiệu tham ô khi không thực hiện đầy đủ chế độ liệt sĩ cho gia đình ông.
Gia đình ông Vũ Hữu Tròn vẫn chưa được Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết đơn khiếu nại. Ảnh Hà Minh |
Ngay sau đó, ngày 26/08/2015 UBND tỉnh Thanh Hóa có Văn bản số 8636/UBND –TD chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia xem xét giải quyết khiếu nại của ông Vũ Hữu Tròn theo quy định của pháp luật, có văn bản trả lời công dân và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
Đến ngày 07/9/2015, UBND huyện Tĩnh Gia có Văn bản số 1370/UBND-LĐTBXH báo cáo kết quả giải quyết đơn khiếu nại của ông Vũ Hữu Tròn đến Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
Tuy nhiên, gia đình ông Tròn không đồng ý với nội dung giải quyết đơn thư của UBND huyện Tĩnh Gia và có đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
Sau văn bản chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xác minh thì Chủ tịch UBND tỉnh chưa có thêm một động thái nào giải quyết vụ việc. |
Đến ngày 01/10/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 10039/UBND-TD gửi Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội với nội dung:
"UBND tỉnh nhận được đơn của ông Vũ Hữu Tròn đề nghị giải quyết chế độ, chính sách đối với thân nhân gia đình liệt sỹ, UBND huyện Tĩnh Gia có Công văn số 1370/UBND-LĐTBXH trả lời nhưng ông không đồng ý.
Sau khi xem xét, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu nội dung đơn, căn cứ quy định của pháp luật, có văn bản trả lời công dân và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa".
Sau khi nhận được chỉ đạo, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa có buổi làm việc với gia đình ông Tròn. Tuy nhiên, ông Tròn cho biết: “Buổi làm việc không có kết quả vì Sở Lao động, Thương binh và Xã hội không trả lời được các thắc mắc của gia đình và có ý bao che cho cấp dưới, xuề xòa muốn qua loa xong chuyện; vì thế gia đình cũng không ký vào biên bản làm việc…”.
ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cần sớm xử lý dứt điểm đơn khiếu nại của gia đình kiết sĩ |
Suốt từ khi có công văn chỉ đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội ngày 01/10/2015 đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng không hề có thêm một “động thái” nào để giải quyết đơn khiếu nại của công dân. Hiện nay, hơn 4 tháng trôi qua nhưng gia đình ông Tròn vẫn chưa nhận được bất cứ thông báo, quyết định giải quyết đơn khiếu nại nào từ Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, với sự “im lặng” bất thường của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa rõ ràng đã có dấu hiệu vi phạm Luật Khiếu nại .
Cụ thể, Luật sư Kiệm phân tích:
Sau khi công dân gửi đơn:
Bước 1: UBND tỉnh Thanh Hóa phải tiếp nhận khiếu nại, kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại (cụ thể ở đây là công dân khiếu nại thông báo kết quả giải quyết đơn của UBND huyện Tĩnh Gia ngày 07/9/2015) .
Đối với đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Tiếp công dân của tỉnh tiếp nhận, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ cho cơ quan đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, thực hiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức kiểm tra, rà soát lại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật bị khiếu nại.
Nếu quyết định, hành vi bị khiếu nại là trái pháp luật thì cơ quan tham mưu phải kịp thời báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh sửa chữa, khắc phục. Trường hợp người khiếu nại đồng tình với kết quả khắc phục quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật thì kết thúc vụ việc mà không phải thụ lý. Trường hợp người khiếu nại không đồng tình thì thực hiện thủ tục thụ lý theo quy định. Trường hợp qua rà soát không phát hiện quyết định, hành vi bị khiếu nại là trái pháp luật thì thực hiện thủ tục thụ lý theo quy định.
Bước 2: Thụ lý, giao nhiệm vụ xác minh khiếu nại
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn thuộc thẩm quyền, Ban tiếp công dân của tỉnh hoặc Văn phòng UBND tỉnh, hoặc Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thụ lý giải quyết và giao nhiệm vụ xác minh theo quy định.
Bước 3: Xác minh nội dung khiếu nại
Trong thời hạn thẩm tra, xác minh do Chủ tịch UBND tỉnh giao, cơ quan xác minh có trách nhiệm:
+ Tiến hành việc xác minh nội dung khiếu nại theo quy định tại Điều 29 Luật khiếu nại, Mục 2, chương II của Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính.
+ Báo cáo kết quả xác minh khiếu nại với đầy đủ nội dung theo quy định.
Bước 4: Tổ chức tiếp xúc đối thoại theo quy định của Luật khiếu nại và Luật tiếp công dân.
Trường hợp phải tổ chức đối thoại theo quy định thì đại diện cơ quan giải quyết trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với người khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại, thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc gặp gỡ, đối thoại.
Khi đối thoại, đại diện cơ quan có thẩm quyền nêu rõ nội dung cần đối thoại; kết quả xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền phát biểu ý kiến, đưa ra những bằng chứng liên quan đến vụ việc khiếu nại và yêu cầu của mình.
Việc đối thoại được lập thành biên bản; biên bản ghi rõ ý kiến của những người tham gia; kết quả đối thoại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tham gia; trường hợp người tham gia đối thoại không ký, điểm chỉ xác nhận thì phải ghi rõ lý do, biên bản này được lưu vào hồ sơ vụ việc khiếu nại. Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.
Bước 5: Ban hành và gửi quyết định giải quyết khiếu nại.
Cần làm rõ vụ UBND xã bị tố "trù dập", "ăn" 13 năm lương gia đình liệt sĩ? Gia đình liệt sĩ tiếp tục cầu cứu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa |
Chánh Văn phòng UBND tỉnh tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, Bộ quản lý chuyên ngành, Thanh tra Chính phủ, Trụ sở Tiếp công dân Trung ương đặt tại Hà Nội, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến, Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh và Thanh tra tỉnh.
Như vậy, trong vụ đơn khiếu nại của gia đình ông Vũ Hữu Tròn, thẩm quyền thuộc Chủ tịch UBND tỉnh nhưng Chủ tịch UBND tỉnh mới chỉ dừng lại ở việc giao cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xác minh đơn. Hiện đã hơn 4 tháng trôi qua nhưng Chủ tịch UBND tỉnh vẫn chưa thực hiện bước 4 (tổ chức đối thoại), bước 5 (Ban hành và gửi quyết định giải quyết khiếu nại) là có dấu hiệu chưa làm tròn trách nhiệm, vi phạm Luật Khiếu nại.
Dư luận cho rằng, đối với gia đình Liệt sĩ mà ông Nguyễn Đình Xứng còn "quên" giải quyết, cố tình "ngâm đơn" thì không biết những người dân khác sẽ như thế nào?
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.