Thanh Hoá thực hiện chuyển đổi số hiệu quả rõ nét, thực chất

23/11/2023 08:44
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm 2023, tỉnh Thanh Hoá chú trọng xây dựng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu số nhằm tạo nền móng vững chắc để địa phương vươn lên mạnh mẽ.

Chuyển biến rõ, thực chất

Thanh Hóa là một trong những địa phương sớm ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; xây dựng bộ tiêu chí mô hình chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã và giao chỉ tiêu hoàn thành chuyển đổi số cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã đến năm 2025.

Cụ thể hoá nhiệm vụ trên, thời gian qua, tỉnh đã ban hành 01 Nghị quyết; 03 Chỉ thị; 31 Quyết định; 25 Kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo khác.

Nếu năm 2022 là năm tỉnh Thanh Hoá tập trung triển khai các hoạt động nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số thì đến năm 2023, tỉnh tập trung cao thực hiện giải pháp phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh trên cả ba trụ cột gồm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Trong đó, trọng tâm là thực hiện xây dựng chính quyền số để tạo đà và định hướng, dẫn dắt, quản lý, hỗ trợ kinh tế số và xã hội số phát triển. Theo đó, đến hết quý 3/2023, chuyển đổi số tỉnh đạt một số kết quả rõ nét, thực chất.

Tỉnh Thanh Hoá thực hiện đồng bộ các giải pháp, triển khai có hiệu quả chuyển đổi số (Ảnh: CTV)

Tỉnh Thanh Hoá thực hiện đồng bộ các giải pháp, triển khai có hiệu quả chuyển đổi số (Ảnh: CTV)

Đầu tiên là nhận thức về chuyển đổi số của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân có những chuyển biến tích cực.

Hạ tầng số được cải thiện, tổng số trạm thu, phát sóng thông tin di động (trạm BTS) trên toàn tỉnh là 9.399 trạm; tỷ lệ sử dụng chung cột ăng ten giữa các doanh nghiệp viễn thông đạt 7,6%.

Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới gần 800km cáp mạng ngoại vi; cải tạo chỉnh trang gần 150 km cáp. Tổng số thuê bao trên toàn mạng ước đạt 2.400.000 thuê bao bằng 102,13% so với cùng kỳ, đạt mật độ 65,4 thuê bao/100 dân.

Việc xây dựng kho dữ liệu dùng chung và kết nối dữ liệu, cung cấp dịch vụ công trực tuyến tới người dân, doanh nghiệp làm cơ sở thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số được tỉnh triển khai mạnh mẽ.

Điển hình là Cổng Dữ liệu mở của tỉnh (https://opendata.thanhhoa.gov.vn) được đưa vào triển khai, sử dụng với 195 cơ sở dữ liệu mở của 15 lĩnh vực nhằm chia sẻ, công khai dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành; hệ thống một cửa điện tử tỉnh Thanh Hóa với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khai thác sử dụng từ ngày 20/02/2023 giúp người dân không phải khai báo lại thông tin cá nhân và giảm thời gian thực hiện các dịch vụ công…

Tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản trên hệ thống là 2.939.433 lượt văn bản; tỷ lệ ký số cơ quan đạt 98,5. Cổng dịch vụ công của tỉnh và Hệ thống một cửa điện tử cấp huyện, cấp xã (https://dichvucong.thanhhoa.gov.vn) hiện tại có hơn 85.000 tài khoản người dân, doanh nghiệp với hơn 27.662.427 lượt truy cập.

Năm 2023, tỉnh Thanh Hoá chú trọng xây dựng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu số nhằm tạo nền móng vững chắc để địa phương vươn lên mạnh mẽ (Ảnh: CTV)

Năm 2023, tỉnh Thanh Hoá chú trọng xây dựng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu số nhằm tạo nền móng vững chắc để địa phương vươn lên mạnh mẽ (Ảnh: CTV)

Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử cung cấp 890 dịch vụ công trực tuyến một phần và 872 dịch vụ công trực tuyến toàn trình…

Về phát triển doanh nghiệp công nghệ số, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 100 doanh nghiệp số; đến năm 2030, có ít nhất 150 doanh nghiệp số với lộ trình, nhiệm vụ thực hiện để đạt mục tiêu trên.

Đã đưa 152 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và 11.361 sản phẩm đặc trưng của các huyện lên sàn thương mại điện tử postmart.vn và các sàn thương mại điện tử; cung cấp hơn 105.815 tem truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ trên 854.000 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các dịch vụ thiết yếu.

Nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu

Tại từng địa phương, đơn vị, chuyển đổi số được triển khai hết sức khẩn trương, quyết liệt, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu với nhiều mô hình, cách làm mới, sáng tạo mang lại hiệu ứng tích cực như, mô hình: “03 Không”: không phải khai báo thông tin, thành phần hồ sơ nhiều lần khi sử dụng dịch vụ công; thanh toán không dùng tiền mặt trong một số dịch vụ thiết yếu; người dân, doanh nghiệp không cần phải tiếp xúc trực tiếp với chính quyền.

“Chợ không dùng tiền mặt”: tại thành phố Thanh Hóa, huyện Quảng Xương, Ngọc Lặc, Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Triệu Sơn. Mô hình “Thôn thông minh”: huyện Hoằng Hóa, huyện Yên Định, ... tạo lập mã QR-code giới thiệu về lịch sử, văn hóa của địa phương.

“Khám chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử và ứng dụng VNeID”: triển khai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 678/678 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.

Qua đó, tạo liên kết vững chắc giữa chính quyền và người dân; giúp công tác quản lý điều hành của các địa phương, đơn vị thông suốt, hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, từng bước hình thành xã hội số, công dân số, thúc đẩy phát triển kinh tế số của địa phương.

Thanh Hoá đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2025 (Ảnh: CTV)

Thanh Hoá đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2025 (Ảnh: CTV)

Kế hoạch phát triển doanh nghiệp số tỉnh Thanh Hóa được Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành đã xác định mục tiêu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có ít nhất 100 doanh nghiệp công nghệ số, trong đó ít nhất có 10 doanh nghiệp công nghệ số tham gia phát triển sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin trọng điểm phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng được ứng dụng thực tế tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Để đạt kết quả trên, lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số. Trong đó, chủ động và tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ số tìm hiểu, đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa…

Để hiện thực mục tiêu trên, tỉnh Thanh Hoá mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu các nhà đầu tư thế hệ mới trong cách mạng công nghiệp 4.0 vào đầu tư, tạo tiền đề phát triển các lĩnh vực công nghệ quan trọng như 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo...;

Đồng thời xây dựng Trung tâm lưu trữ dữ liệu, hạ tầng đám mây của Khu vực (Digital Hub) tại Thanh Hóa và hình thành vùng động lực công nghiệp ICT, công nghệ số; giới thiệu các doanh nghiệp có sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam xuất sắc triển khai thí điểm tại tỉnh Thanh Hóa để từ đó nhân rộng ra các địa phương, đặc biệt là các sản phẩm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế, thế mạnh.

LÃ TIẾN