Thầy cô giáo đã làm đề cương cho kiểm tra như thế nào?

07/11/2018 07:07
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Nghe có đề cương rồi, lớp, học sinh nào cũng phấn khởi, mừng vui. Giao ngay cho cán sự lớp đi photo, phát cho mỗi bạn một, vài tờ hoặc một tập nhỏ.

LTS: Việc làm đề cương ôn tập cho học sinh đã trở nên phổ biến ở nhà trường. Trong bài viết này, thầy giáo Sông Trà chia sẻ kỹ hơn về công tác làm đề cương của thầy cô.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Lâu nay, các tổ, nhóm chuyên môn ở trường phổ thông đã quá quen thuộc với nhiệm vụ phân công thầy, cô giáo trong tổ, nhóm ra đề kiểm tra chung từ 1 tiết trở lên, giới hạn bài, nội dung (gọi là đề cương ôn tập) và phát cho học sinh ở các khối, lớp để chuẩn bị kiểm tra.

Các thầy, cô giáo bộ môn biết cách để ra mức độ đề cương, số lượng câu hỏi phù hợp với tình hình, chất lượng của học sinh từng khối, lớp, từng năm học.

Bởi các thầy cô giáo giảng dạy trực tiếp ở trên lớp nên hiểu biết rất rõ về thực lực của học sinh từng lớp, từng năm.

Nghe có đề cương rồi, lớp, học sinh nào cũng phấn khởi, mừng vui. Giao ngay cho cán sự lớp đi photo, phát cho mỗi bạn một, vài tờ hoặc một tập nhỏ.

Nhiều học sinh phổ thông của chúng ta lâu nay hình thành thói quen, hễ đến khi có đề cương, đến cận ngày kiểm tra 1 tiết, kiểm tra học kỳ, thi cử mới lao đầu vào học, ôn bài cả ngày lẫn đêm.

Việc chuẩn bị đề cương ôn tập đã trở nên phổ biến ở nhiều trường học. Ảnh minh họa: TTXVN
Việc chuẩn bị đề cương ôn tập đã trở nên phổ biến ở nhiều trường học. Ảnh minh họa: TTXVN

Các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông thường dành một số tiết cho việc dạy- học ôn tập theo đề cương ở tại lớp.

Trước hết, các giáo viên kiểm tra việc soạn, chuẩn bị của học sinh như thế nào sau một thời gian đã giao đề cương.

Tiến hành ôn tập, hệ thống, khái quát, chốt lại các dạng bài tập cơ bản, các đơn vị kiến thức trọng tâm.

Thầy, cô giáo nào kỹ lưỡng, chăm chút chu đáo cho học sinh của mình trong thời gian ôn tập này thường có kết quả khá, tốt qua điểm kiểm tra từ bảng thống kê, so sánh của nhà trường.

Giáo viên dạy khối, lớp nào mà được tổ trưởng, ban giám hiệu phân công ra đề kiểm tra học kỳ khối, lớp ấy thì học sinh sẽ được hưởng nhiều lợi thế, ôn tập ít, điểm số lại cao vì giáo viên chốt, ôn tập rất sát với đề kiểm tra.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính công bằng, khách quan giữa các khối, lớp, các giáo viên, tổ chuyên môn, ban giám hiệu hay phân công chéo, thầy cô giáo dạy khối, lớp này ra đề kiểm tra khối, lớp khác và ngược lại.

Thầy cô giáo đã làm đề cương cho kiểm tra như thế nào? ảnh 2Kiểm tra học kì - học sinh “rất khó” bị điểm yếu!

Giáo viên cứ dựa vào đề cương ôn tập ở các khối, lớp đã được bàn bạc, thống nhất ở tổ chuyên môn mà ra, không được phép ra những đơn vị kiến thức - kỹ năng bên ngoài.

Đối với các đơn vị trường học nhỏ, số lớp ít, giáo viên bộ môn chỉ có 1 hoặc 2 người thì việc trao đổi chuyên môn nói chung, việc ra đề cương, ra đề kiểm tra nói riêng, thật khó đảm bảo được sự công tâm, khách quan, đối chiếu với lớp, giáo viên khác để trau dồi, nâng cao năng lực của người thầy.

Nếu đề kiểm tra 1 tiết, kiểm tra học kỳ, đề thi thử do Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo đảm nhiệm (tổ chức kiểm tra, thi chung nhằm đánh giá chất lượng, mặt bằng tổng thể trên địa bàn) thì Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ có hướng dẫn chung, chứ không có đề cương ôn tập các bộ môn như ở trường.

Trong hoàn cảnh này, thầy, cô giáo và học sinh chỉ còn cách dạy - học đầy đủ, không được phép bỏ bất cứ bài, kiến thức nào.                   

Nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan, ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực trong kiểm tra, thi cử, dạy học thêm, nhiều trường phổ thông đã tiến hành tổ chức kiểm tra chung, từ bài 1 tiết trở lên, các bài kiểm tra cuối học kỳ càng được chú trọng.

Phân phòng thi theo a, b, c, đánh số báo danh, đánh mã bài, rọc phách… làm y như quy trình thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi trung học phổ thông quốc gia.

Người dạy và người học phải nỗ lực, cố gắng rất lớn. Học trò không còn tư tưởng dựa dẫm, ỷ lại, chủ quan vào thầy, cô giáo chốt nội dung, đề cương và ra đề kiểm tra, đề thi mà có thể dự đoán trước được.

Thầy cô giáo chẳng thể tùy tiện trong việc ra đề kiểm tra ở mức độ khó, dễ và thoải mái, dễ dàng trong chấm, ghi điểm cho học sinh, sinh viên của chính mình.

SÔNG TRÀ