Nằm trong chuỗi chương trình Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam vinh dự được về thăm Trường trung học phổ thông Mỹ Văn.
Ngôi trường đang từng bước thay da đổi thịt
Trường trung học phổ thông Mỹ Văn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ được thành lập tháng 5/2000. Trường có địa bàn tuyển sinh gồm 10 xã thượng của huyện Tam Nông.
Là một huyện bán trung du miền núi, huyện Tam Nông nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Phú Thọ, nơi đây điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Ngày đầu thành lập nhà trường chỉ có 3 dãy nhà cấp 4 với 7 lớp 330 học sinh (5 lớp công lập, 2 lớp bán công), tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên là 14.
Sau 19 năm xây dựng và phát triển, hiện nay nhà trường có 5 dãy nhà tầng với đầy đủ các phòng làm việc, phòng học khang trang; có các phòng học bộ môn, phòng thiết bị thí nghiệm…đảm bảo tốt cho việc dạy và học cho gần 1 nghìn học sinh của trường.
Sau 19 năm xây dựng và phát triển, hiện nay nhà trường có 5 dãy nhà tầng với đầy đủ các phòng làm việc, phòng học khang trang. Ảnh: Công Tiến |
Từ ngôi trường này đã có hàng nghìn học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trên cả nước… với rất nhiều lượt học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia.
Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường là một tập thể đoàn kết, thống nhất cả trong tư tưởng và hành động.
Nhà trường liên tục nhiều năm được công nhận danh hiệu tập thể lao động tiên tiến, tập thể lao động xuất sắc, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tặng Bằng khen.
Thầy Tạ Duy Kiên Bí - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Mỹ Văn cho biết:
“Để đạt được thành công đó nhà trường luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ; của Sở giáo dục và Đào tạo Phú Thọ; của Huyện uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Tam Nông.
Trong những năm qua nhà trường tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động và các phong trào thi đua của ngành; tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong dạy và học; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá.
Không học đại học con đi du học hoặc xuất khẩu lao động có được không thầy? |
Nhà trường luôn chú trọng rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh qua các giờ lên lớp và các hoạt động ngoại khóa; luôn phối hợp chặt chẽ cùng Ban đại diện cha mẹ học sinh để có biện pháp quản lý giáo dục học sinh”.
Mọi hoạt động nhà trường đảm bảo tính dân chủ, công khai, công bằng, vì vậy đã đem lại một không khí thực sự dân chủ và đoàn kết, phát huy được sức mạnh tập thể, tạo động lực trong xây dựng và phát triển góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Phát huy truyền thống 19 năm xây dựng và phát triển, trong những năm tới Trường trung học phổ thông Mỹ Văn tiếp tục đổi mới công tác quản lý, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục.
Biến đất đồi cằn cỗi thành điền trang xanh mướt
Để đảm bảo công việc giảng dạy kiến thức cho học sinh được tốt nhiều thầy cô giáo đã không quản ngại khó khăn ở lại khu nhà ở tập thể của trường.
Khu nhà tập thể của thầy cô giáo chỉ là những dãy nhà cấp 4 bờ rô xi măng “đơn sơ” nằm ngay sau khu lớp học đang được xây mới.
Vườn rau xanh mướt trên đất đồi cằn cỗi của những thầy cô nhà ở xa phải ở lại nhà tập thể cấp 4 bờ rô xi măng “đơn sơ”. Ảnh: Công Tiến |
Xung quanh khu nhà tập thể giáo viên là những khu vực được quy hoạch rất khoa học để tăng gia như khu vực nuôi gà, vườn rau xanh mướt ngút ngàn với đầy đủ chủng loại khiến tôi cứ ngỡ như mình đang lạc vào một nông trại nào đó.
Nông trại ấy của chính những thầy cô Trường trung học phổ thông Mỹ Văn thân yêu, chính thầy cô đang từng ngày không quản ngại khắc phục cuộc sống khó khăn giúp đào tạo những thế hệ tương lai của đất nước.
Đối với các thầy, cô giáo, có lẽ được nhìn thấy các em học sinh khôn lớn trưởng thành sẽ luôn là niềm vui và hạnh phúc lớn lao nhất.
Sau những giờ giảng ở trên lớp các thầy cô lại làm bạn với vườn rau, con gà cũng vì là tăng gia sản xuất thêm để phục vụ cuộc sống của chính bản thân và gia đình, một phần cũng là tiết kiệm chi phí vì đồng lương giáo viên có hạn.
Chính lòng yêu nghề, yêu trò đã giúp các thầy cô trụ lại ở những vùng núi xa xôi và còn nhiều khó khăn.
Đồng lương giáo viên eo hẹp, nhiều thầy cô ở khu nội trú tăng gia thêm sau những giờ trên lớp. Ảnh: Công Tiến |
Cuộc sống của thầy cô có thể vất vả và thiếu thốn nhưng sự tiến bộ, trưởng thành của học sinh luôn là động lực để thầy cô vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
Các thầy, cô không ngại khó chỉ mong hàng ngày truyền đạt được thật nhiều kiến thức cho các em học sinh thân yêu nay mai có đầy đủ hành trang tri thức vào đời.