Thầy cô muốn được nghe góp ý như thế nào?

09/11/2018 08:37
Bình Thanh
(GDVN) - Nói xấu thầy cô là vi phạm đạo đức, vậy học sinh bức xúc khi không vừa lòng với thầy cô của mình các em sẽ phải làm gì?

LTS: Làm thế nào để học sinh có thể góp ý chân thành với chính thầy cô của mình?

Câu trả lời sẽ được nhà giáo Bình Thanh trả lời trong bài viết sau đây.

Toà soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.

Câu chuyện những học sinh Thanh Hóa bị kỉ luật vì dám nói xấu giáo viên trên mạng đã nhận được sự quan tâm của khá nhiều người.

Dù việc làm của các em không nhận được sự đồng tình của dư luận nhưng khá nhiều người cảm thông cho rằng “không bỗng dưng học sinh lại nói xấu thầy cô. Nếu mình không xấu ai có thể nói được?”

Bởi thế trong chuyện này, nhiều thầy cô giáo cũng cần phải nhìn nhận lại mình.

Nói xấu thầy cô là vi phạm đạo đức, vậy học sinh bức xúc khi không vừa lòng với thầy cô của mình các em sẽ phải làm gì?

Muốn góp ý thầy cô, học sinh phải làm gì? Ảnh minh hoạ: https://www.giaoduc.edu.vn
Muốn góp ý thầy cô, học sinh phải làm gì? Ảnh minh hoạ: https://www.giaoduc.edu.vn

Nói thẳng khuyết điểm của thầy cô được không?

Thầy Dũng, chủ nhiệm lớp 10A ở một trường trung học phổ thông, là người khá nóng tính và nghiêm khắc với học sinh.

Những nội quy nhà trường đề ra, thầy luôn bắt trò thực hiện một cách nghiêm túc. Ai vi phạm dù cố tình hay vô ý đều bị phạt thẳng tay.

Trong lớp, có cậu học trò tên Đức thường xuyên hút thuốc lá (dù em hút trong giờ ra chơi, giờ chưa vào lớp).

Hầu như tuần nào Đức cũng bị thầy nhắc nhở trong tiết sinh hoạt lớp.

Nhiều lần vi phạm quá nên có hôm Đức bị thầy đuổi ra khỏi lớp yêu cầu viết bản kiểm điểm, bản cam kết có chữ kí của gia đình.

Hôm ấy như thường lệ, khi nhìn thấy Đức có tên trong sổ trực tuần của giám thị “hút thuốc trong giờ ra chơi” thầy Dũng đã không giữ nổi bình tĩnh mà chửi mắng em và đuổi Đức ra khỏi lớp.

Thầy cô muốn được nghe góp ý như thế nào? ảnh 2Quan điểm của thầy Khang về việc học sinh "xúc phạm" giáo viên trên Facebook

Đức không chịu bước ra, thầy Dũng gay gắt “nếu phụ huynh không lên gặp tôi thì cứ đến giờ tôi dạy nếu có anh sẽ không có tôi”.

Bất ngờ Đức phản ứng “bước ra khỏi lớp này không chỉ mình em mà còn có thêm người nữa, chính là…”.

Thầy giáo chờ đợi lắng nghe, còn học trò (nhiều em đã biết Đức muốn nói đến ai) tỏ ra hoảng hốt.

Thầy giáo dục “anh nói tôi xem! Tôi còn khá nhiều việc cần giải quyết”. Nghe thế, Đức buông một tiếng chắc nịch “là thầy đấy ạ”.

Thầy giáo quá bất ngờ và sửng sốt. Một thoáng lúng túng hiện nhanh trên khuôn mặt.

Nhưng rất nhanh thầy tiếp tục lớn tiếng “học trò mà ăn nói hỗi hào với thầy thế hả? Em bước ra khỏi lớp cho tôi!”.

Đức chậm rãi nói rằng “em mắc lỗi vì hút thuốc trong giờ ra chơi, nhưng chính thầy còn hút nhiều hơn em nữa.

Quy định ngôi trường không khói thuốc em nghĩ không dành cho riêng học sinh mà giáo viên cũng phải thực hiện”.

Điều này thì ai cũng biết nhưng đám học trò chỉ dám thì thào to nhỏ với nhau chứ ai dám to gan mà nói thẳng với thầy như Đức?

Nghe Đức nói thế, giọng thầy chùng xuống “em cần xem lại thái độ của mình. Tôi sẽ làm việc riêng với cha mẹ của em”.

Thế là tiết sinh hoạt lớp hôm ấy, học sinh nói mình đã không còn bị “tra tấn” bằng những lời trách móc khá nặng nề của thầy chủ nhiệm như trước.

Đức bỗng nổi tiếng khắp trường. Và cũng từ hôm ấy chẳng ai còn nhìn thấy thầy Dũng hút thuốc nữa.

Nếu bức xúc với thầy cô học sinh sẽ phải làm gì?

Thầy cô muốn được nghe góp ý như thế nào? ảnh 3Không có lửa sao có khói, cấm học sinh nói xấu thầy cô được không?

Học trò nói xấu thầy cô là lúc các em mang theo nỗi bức xúc, đôi khi là những uất ức mà không biết phải làm gì, không thể giải tỏa cùng ai.

Chuyện các em bức xúc với thầy cô có thể các em đúng khi một số thầy cô hành xử chưa chuẩn mực.

Có thể các em sai khi vội vàng quy kết thầy cô trong khi mình chưa hiểu rõ nguồn cơn. Chính vì vậy, các em cần có nơi để giải tỏa những khúc mắc.

Vậy kênh thông tin nào sẽ giúp các em làm điều này?

Hiện nay, ở một số trường đã có thùng thư góp ý với chủ đề là “điều em muốn nói”.

Có trường lại lập ngay một trang mạng nội bộ cho học sinh tự do góp ý.

Hằng ngày có người phụ trách theo dõi và tập hợp tất cả những ý kiến của học sinh để trình lên Ban giám hiệu xem xét.

Có không ít trường học đã phát huy cách làm này khá hiệu quả.

Nếu những góp ý liên quan đến giáo viên nào sẽ được hiệu trưởng mời trực tiếp thầy cô ấy lên làm việc.

Những thắc mắc mang tính chung sẽ được giải đáp cho học sinh toàn trường cùng nghe.

Một số giáo viên phụ trách mảng ghi nhận sự góp ý của học sinh nói rằng có không ít em đã chẳng ngại ngần gì mà không “bóc phốt” thầy cô của mình.

Lại có cả những góp ý khá thẳng thắn nhưng tế nhị. Thế là những giáo viên được góp ý sẽ được đọc những lời góp ý về mình (dĩ nhiên không biết tác giả là ai).

Nhờ cách làm này, một số phản ánh của học sinh, của phụ huynh đã được thầy cô ghi nhận và được chấn chỉnh kịp thời.

Bình Thanh