Bỏ viên chức suốt đời là một tín hiệu tích cực cho ngành giáo dục

28/11/2019 06:41
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Việc thay đổi từ biên chế suốt đời sang hợp đồng có thời hạn sẽ tạo ra những con người mới, luôn phải tự làm mới mình cho phù hợp với thực tiễn công việc.

Ngày 25/11 vừa qua, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Việc bãi bỏ viên chức suốt đời dù vẫn còn một số ý kiến phân vân nhưng nhìn tổng thể thì đây là một tín hiệu tích cực trong việc hợp đồng và sử dụng viên chức hiện nay. Nhất là đối với những viên chức ngành giáo dục.

Tuy nhiên, để chính sách này thực hiện hiệu quả thì vai trò của hiệu trưởng- người đứng đầu đơn vị trong những năm tới đây cần phải là những con người liêm chính, không đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể thì chính sách bãi bỏ viên chức suốt đời mới thực sự là một chính sách hay.

Bỏ viên chức suốt đời bắt buộc mọi người phải cố gắng hơn trong công việc (Ảnh minh họa: baovinhphuc.com.vn).

Bỏ viên chức suốt đời bắt buộc mọi người phải cố gắng hơn trong công việc

(Ảnh minh họa: baovinhphuc.com.vn).

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vừa được Quốc hội thông qua sẽ không ảnh hưởng nhiều tới những viên chức được tuyển dụng trước ngày Luật có hiệu lực thi hành (01/7/2020).

Chính vì thế, những thầy cô giáo đã và đang làm việc trong ngành giáo dục mà đã ký hợp đồng không xác thời hạn thì vẫn cứ yên tâm công tác và phấn đấu, tránh trường hợp 2 năm “không hoàn thành nhiệm vụ”.

Sau ngày 1/7/2020 khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực thì lúc bấy giờ việc ký hợp đồng làm việc của các viên chức sẽ khắt khe hơn hiện nay.

Chúng ta chờ đợi và tin rằng, Chính phủ và các Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể cho việc thực hiện Luật mới để tránh những tiêu cực và tạo sự công bằng trong việc tuyển dụng, tái ký hợp đồng với các viên chức sau khi đã hết hợp đồng làm việc.

Những tín hiệu tích cực

Lâu nay, chúng ta đã quen với việc biên chế suốt đời hoặc hợp đồng không thời hạn đối với công chức, viên chức nhà nước. Khi chưa vào thì tìm mọi cách để được vào nhưng khi vào rồi lại có một số người an phận bởi cứ làm tàng tàng thì cũng không có ai cắt hợp đồng với mình.

Chính từ suy nghĩ đó nên đã dẫn đến tình trạng hiệu quả công việc của một số người rất thấp và thiếu đi tính sáng tạo, đột phá trong công việc.

Bỏ viên chức suốt đời là một tín hiệu tích cực cho ngành giáo dục ảnh 2Chính thức bãi bỏ chế độ viên chức suốt đời

Khi ký hợp đồng có thời hạn trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng, tất nhiên sẽ tạo ra sự cạnh tranh cần thiết cho mỗi viên chức nói chung và đội ngũ thầy cô giáo hợp đồng nói riêng.

Nếu làm tốt công việc, không vi phạm kỷ luật, đương nhiên người đó sẽ được ký hợp đồng tiếp theo, nếu làm không tốt, không có trách nhiệm với công việc thì không có cơ hội ký hợp đồng lần sau. Cơ hội luôn mở ra và cũng luôn sẵn sàng đóng lại đối với viên chức ngành giáo dục.

Trong bối cảnh mà xã hội phát triển, khoa học công nghệ thay đổi từng ngày đòi hỏi mỗi thầy cô giáo phải thường xuyên cập nhật kiến thức, trau dồi kỹ năng sư phạm của mình cho phù hợp.

Việc thay đổi từ biên chế suốt đời sang hợp đồng có thời hạn sẽ tạo ra những con người mới, luôn phải tự làm mới và thay đổi mình cho phù hợp với thực tiễn công việc.

Nếu không có sự thay đổi đương nhiên thầy cô giáo đã tự đào thải mình và thực tế công việc cũng khó chấp nhận những thầy cô cứ đứng yên một chỗ, lên lớp cứ ca mãi một điệu “dân ca nhạc cổ truyền”.

Đòi hỏi sự liêm khiết, khách quan từ người đứng đầu đơn vị

Bên cạnh những mặt tích cực thì việc bỏ biên chế suốt đời đối với viên chức nói chung và thầy cô giáo nói riêng nếu không làm khéo sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh và thậm chí dẫn đến những tiêu cực trong công việc.

Trong trường sẽ hình thành những nhóm, những phe để cùng bảo vệ quan điểm của nhau, bảo vệ quyền lợi, công việc của nhau và tìm cách trù dập một số người nếu những người đó không cùng chính kiến, không biết nịnh nọt, vâng lời…

Việc mất đoàn kết nội bộ, phe phái trong trường học hiện nay đã và đang tồn tại ở nhiều trường học khi mà quyền lực, quyền lợi bị xung đột với nhau.

Bỏ viên chức suốt đời là một tín hiệu tích cực cho ngành giáo dục ảnh 3Bỏ viên chức suốt đời không có nghĩa là hết thời hạn hợp đồng thì tùy tiện đuổi

Vì thế, khi chuyển sang chính sách bãi bỏ biên chế suốt đời đòi hỏi phải có những người đứng đầu đơn vị phải anh minh và biết xây dựng được khối đoàn kết nội bộ trong đơn vị mình quản lý.

Người đứng đầu đơn vị phải là những người giỏi chuyên môn, đức độ và lấy lẽ phải, đặt sự phát triển của đơn vị lên trên và biết hướng tập thể làm việc hiệu quả. Người đứng đầu đơn vị phải khách quan, công tâm trong việc đánh giá, xếp loại, xét thi đua cuối năm để tránh tình trạng phe phái, lợi ích đối với từng cá nhân trong nhà trường.

Những người có chuyên môn tốt, làm việc có trách nhiệm với trường, với nghề và có đạo đức trong sáng thì ký hợp đồng tiếp. Những người chưa có trách nhiệm với công việc thì có thể không ký hợp đồng lao động tiếp theo.

Muốn được như vậy, muốn có người đứng đầu đơn vị tốt thì các địa phương cần tiến hành đồng loạt thi tuyển đội ngũ cán bộ, quản lý các nhà trường. Các thành viên trong Ban giám hiệu cũng cần được đánh giá khách quan qua từng nhiệm kỳ.

Người nào độc đoán, cục bộ, bất minh trong quản lý nhân sự, tài chính thì không được thi tuyển, bổ nhiệm ở các nhiệm kỳ sau.

Một khi trên dưới một lòng, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường xem trường học là nơi để tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục  thì chất lượng giáo dục sẽ đi lên.

Những thầy cô giáo, những cán bộ quản lý có đủ đức, tài thì được trọng dụng, những người hạn chế về một số mặt, ngại phấn đấu, tu dưỡng thì sẽ không tái ký hợp đồng nữa.

Vì thế, chúng tôi cho rằng việc bãi bỏ biên chế viên chức suốt đời trong những năm tới đây là một tiến hiệu tốt để tạo ra sự chuyển biến tích cực cho các đơn vị nhà trường. Chính sách này sẽ tạo ra động lực thực sự để mọi người phấn đấu và cống hiến tốt hơn.

NGUYỄN CAO