Bước vào năm học 2021 – 2022, giáo viên và học sinh Hải Phòng khởi đầu bằng lễ khai giảng trực tuyến, những giờ học online cùng những nhiệm vụ học tập khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch bệnh.
Song song với nhiệm vụ đảm bảo sức khoẻ cho học sinh, các thầy, cô giáo còn đứng trước bài toán khó "Làm sao để vừa thích ứng với dịch bệnh vừa nâng cao chất lượng dạy và học?".
Với sự quyết tâm, chủ động và sáng tạo, nhiều thầy cô đã biến khó khăn thành động lực để đổi mới sáng tạo, đưa ra nhiều sáng kiến góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của thành phố.
Không để bản thân ngoài cuộc, thầy giáo Vũ Như Công – giáo viên bộ môn Toán của Trường Trung học cơ sở Trần Phú (quận Kiến An, Hải Phòng) đã đóng góp nhiều sáng kiến giúp học sinh học tập hiệu quả môn toán.
Thầy giáo Công đã cống hiến nhiều sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học môn toán (Ảnh: NVCC) |
Năm học 2018-2019, thầy giáo Công thực hiện đề tài: "Giải pháp giúp học sinh khắc phục những sai sót khi giải toán liên quan đến bội và ước ở lớp 6".
Tiếp tục trong năm học 2019-2020, nhằm hỗ trợ học sinh học trực tuyến, thầy giáo Công đã viết sáng kiến: "Sử dụng sáng tạo phần mềm iSpring Suite 9 trong dạy học toán 9” và được Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng công nhận sáng kiến có hiệu quả áp dụng và ảnh hưởng phạm vi thành phố lĩnh vực giáo dục và đào tạo năm 2020.
Cũng trong năm học 2020 – 2021, thầy giáo Công đóng góp thêm 1 sáng kiến: "Giao bài tập trắc nghiệm và kiểm tra việc hoàn thành bài tập bằng ứng dụng Google Forms".
Sáng kiến được áp dụng đối với học sinh khối lớp 7, khối lớp 8 tại trường Trung học cơ sở Trần Phú và đã mang lại hiệu quả tích cực.
Theo thầy Vũ Như Công, từ trước tới nay, việc áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy môn Toán ở cấp trung học cơ sở được các thầy cô hưởng ứng tích cực, mang lại hiệu quả nhất định trong việc dạy và học.
Tuy nhiên, các thầy cô giáo mới chỉ dừng lại ở việc sử dụng một số ứng dụng giao bài tập về nhà cho học sinh được sử dụng phổ biến như Zalo, Messenger, Email…
Thực tế cho thấy, khi sử dụng các ứng dụng trên để giao bài tập trắc nghiệm gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, đánh giá việc làm bài tập của học sinh khi giáo viên chủ yếu chụp đề bài và gửi cho học sinh dưới dạng file ảnh.
Bên cạnh đó, việc thống kê điểm số, số câu trả lời sai, số câu trả lời đúng của mỗi học sinh hay của cả lớp gặp rất nhiều khó khăn, mất thời gian.
Thầy giáo Vũ Như Công luôn đi đầu trong phong trào đổi mới giáo dục của nhà trường (Ảnh: NVCC) |
“Trong thời gian dạy trực tuyến các thầy cô cũng đã tạo bài tập trắc nghiệm cho học sinh làm trực tuyến trên ứng dụng của Microsoft team nhưng đối với môn toán còn rất ít.
Bên cạnh đó, tôi nhận thấy soạn một đề trắc nghiệm toán trên Microsoft team không dễ dàng như trên Google forms.
Nếu sử dụng tốt các ứng dụng như iSpring Suite 9, Google forms, việc giao bài tập trắc nghiệm và kiểm tra đánh giá việc hoàn thành bài tập sẽ dễ dàng hơn.
Điển hình như khi sử dụng, sáng tạo Google forms trong dạy học toán sẽ tạo ra bộ kiểm tra trắc nghiệm và học sinh có thể tự làm ở trên lớp hay ở nhà.
Học sinh biết được số điểm của mình sau khi thực hiện xong bộ kiểm tra và giáo viên cũng nắm được kết quả làm bài của học sinh.
Đặc biệt, khi sử dụng ứng dụng Google forms trong việc giao bài tập trắc nghiệm , các thầy cô có thể chia sẻ các bài tập trắc nghiệm cho đồng nghiệp của mình.
Qua khảo sát học sinh, tôi thấy rằng các em thích được làm trên máy hơn là chọn đáp án trên giấy vì làm trên máy học sinh có thể biết được điểm số ngay.
Trong bối cảnh dịch bệnh, việc giáo viên có thể giao bài mọi lúc, mọi nơi và học sinh cũng có thể hoàn thành bài tập mọi lúc, mọi nơi nếu có điện thoại di động hay máy tính được kết nối mạng sẽ mang lại hiệu quả học tập cao” thầy giáo Công chia sẻ.
Thầy giáo Công chia sẻ thêm, dịch bệnh mang lại nhiều khó khăn, thách thức cho ngành giáo dục nhưng cũng là cơ hội để các thầy cô sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin để theo kịp thời đại công nghệ số.
Dạy và học, tương tác, trao đổi, giao bài tập trực tuyến không chỉ là một giải pháp tạm thời khi có dịch bệnh mà đang dần trở thành một xu hướng tất yếu trong ngành giáo dục. Đặc biệt phù hợp với việc đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Mỗi tiết học với học sinh sẽ trở nên hấp dẫn hơn, sinh động hơn khi được tiếp cận hình ảnh, video phong phú.
Cụ thể như những bài giảng về hình học không gian trước nay vốn khó hình dung, lý giải đối với học sinh nay sẽ dễ hiểu hơn, tường minh hơn.
Ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại cho học sinh của thầy Công những giờ học vui vẻ, hào hứng và chất lượng kiểm tra được nâng lên rõ rệt (Ảnh: NVCC) |
“Sau khi sử dụng Google forms thực tế các lớp do tôi giảng dạy đều có hiệu quả rõ rệt như học sinh hứng thú với bài tập trắc nghiệm, nắm vững kiến thức cơ bản và có ý thức học tập tốt hơn.
Trong cấu trúc đề kiểm tra đều có 30% là trắc nghiệm khách quan nên kết quả kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ I vừa qua các em đều có nhiều tiến bộ.
Đối với giáo viên, dù lược bớt khâu chấm bài nhưng vẫn nắm bắt bắt điểm số của học sinh hằng ngày và có phương án bổ sung kiến thức kịp thời cho học sinh” thầy giáo Công cho biết.