Thầy giáo tổ chức học biển báo giao thông bằng trò chơi cuốn hút các em tiểu học

20/12/2021 15:17
PHẠM LINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Xuất phát từ quan điểm trên, thầy giáo Thắng tích cực tham gia các cuộc thi để trau dồi, học hỏi những phương pháp giảng dạy về an toàn giao thông hiệu quả.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2021, cả nước xảy ra 8.161 vụ tai nạn giao thông gây hậu quả 4.175 người chết và 5.645 người bị thương. Trong đó, trung bình mỗi năm, cả nước có 2.000 trẻ em thiệt mạng vì tai nạn giao thông.

Nhằm nâng cao ý thức về an toàn giao thông, Công ty Honda Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia và Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an tổ chức Hội nghị giao lưu “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ”.

Sau nhiều năm tích cực tham gia hội thi đến năm học 2020 – 2021, thầy giáo Đặng Thanh Thắng (sinh năm 1987, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) đã xuất sắc đoạt giải Nhất chung cuộc với tiết dạy “Biển báo hiệu giao thông đường bộ”.

Theo thầy Thắng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng về số vụ tại nạn giao thông ở lứa tuổi học sinh.

Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là nhận thức của học sinh chưa cao, nhiều em khi tham gia giao thông còn chưa nắm rõ về luật giao thông đường bộ hay kỹ năng tham gia giao thông còn hạn chế.

Đặc biệt, với tâm lý tuổi mới lớn nhiều em nảy sinh những hành động bồng bột, thiếu kiểm soát khi tham gia giao thông như không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, vượt đèn đỏ.

Trước thực trạng trên, việc nâng cao nhận thức, kiến thức về an toàn giao thông đối với lứa tuổi học sinh trở thành vấn đề bức thiết.

Việc nâng cao nhận thức, kiến thức về an toàn giao thông đối sớm tại lứa tuổi tiểu học rất quan trọng (Ảnh: NVCC)

Việc nâng cao nhận thức, kiến thức về an toàn giao thông đối sớm tại lứa tuổi tiểu học rất quan trọng (Ảnh: NVCC)

“Việc học sinh có hành vi vi phạm như lạng lách, đánh võng, gây tai nạn giao thông xuất phát từ việc các em chưa có nhận thức đúng đắn.

Vài phút trước các bạn có thể vi phạm rồi gây tai nạn giao thông nhưng đó chỉ là sự bộc phát chứ trong tiềm thức các bạn không muốn điều ấy xảy ra.

Thời điểm đó, các bạn nhận thức không đứng đắn và cho rằng việc lạng lách, đánh võng là hành động anh hùng, thể hiện bản thân.

Nếu ý thức được việc mình làm sẽ gây ảnh hưởng tới tính mạng của người khác chắc chắn các bạn sẽ không làm” thầy Thắng chia sẻ.

Với nhận định mọi hành vi đều xuất phát từ nhận thức, nhận thức đúng đắn sẽ có hành vi đúng đắn và ngược lại, thầy Thắng luôn tích cực đầu tư giảng dạy, nâng cao kiến thức về an toàn giao thông cho học sinh.

Thầy Thắng cho biết: “Mỗi một cấp học đều có phương pháp giáo dục về an toàn giao thông khác nhau nhưng tôi thấy rằng "Tại sao có quy định trẻ em từ 6 tuổi phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông?"

Điều đó cho thấy ngay từ 6 tuổi các em đã phải chấp hành luật giao thông bằng nhiệm vụ đội mũ bảo hiểm và cần được trang bị kiến thức sớm về an toàn giao thông.

Tham gia hội thi tôi mong muốn đề cao sự an toàn đối với thế hệ mầm non tương lai. Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh việc giáo dục văn hoá giao thông sớm từ cấp tiểu học sẽ mang lại hiệu quả rất cao.

Mọi hành vi đều xuất phát từ nhận thức, nhận thức đứng đắn sẽ có hành vi đúng đắn và ngược lại.

Nếu học sinh ý thức được sự an toàn và văn minh khi tham gia giao thông thì trong tương lai các em sẽ bảo vệ được bản thân cũng như góp phần tạo nên một cộng đồng văn minh.

Không riêng việc tham gia các cuộc thi về an toàn giao thông, trong những tiết dạy hằng ngày tôi cũng lồng ghép kiến thức cho học sinh như tiết giáo dục tập thể, tiếng Việt”.

Thầy giáo Thắng mong muốn tham gia cuộc thi để trau dồi kiến thức, tiếp cận với nhiều phương pháp giảng dạy hay (Ảnh: NVCC)

Thầy giáo Thắng mong muốn tham gia cuộc thi để trau dồi kiến thức, tiếp cận với nhiều phương pháp giảng dạy hay (Ảnh: NVCC)

Để học sinh dễ dàng tiếp cận với kiến thức về giao thông, thầy Thắng chia sẻ thêm: “Trước mỗi tiết học, tôi nghiên cứu kỹ các hoạt động có trong bài học.

Mỗi hoạt động tôi sẽ xây dựng hình thức dạy học phù hợp như tổ chức trò chơi, xử lý tình huống, diễn tiểu phẩm.

Ở lứa tuổi tiểu học, đa số các em thích được trải nghiệm hơn nên tôi hướng đến tổ chức các tiết học vui nhộn, tạo hứng thú học tập cho học sinh”.

Điển hình, trong tiết học “Biển báo giao thông đường bộ” mà thầy Thắng gửi tới hội thi, ngay từ phần khởi động học sinh được tham gia trò chơi “Thỏ tìm nhà”.

Mỗi học sẽ có 1 chiếc mũ có in hình biển báo giao thông, học sinh sẽ tự nhận biết biển của mình thuộc nhóm biển giao thông nào và tìm về nhà của mình.

Tiếp đó, xuyên suốt tiết học, học sinh được thảo luận, trao đổi và đưa ra ý kiến cá nhân để xử lý các tình huống mà thầy giáo đưa ra.

Học sinh hào hứng khi được cạnh tranh giữa các nhóm, được diễn vai các nhân vật trong tình huống giao thông.

Từ đó, học sinh vừa nhận biết được các biển báo giao thông vừa tăng cường các kỹ năng làm việc nhóm, trình bày vấn đề và tự tin, năng nổ hơn.

PHẠM LINH