LTS: Trước thực trạng nhiều cử nhân thất nghiệp khi ra trường, thầy Trần Trí Dũng gợi ý, đề xuất một số giải pháp từ phía nhà trường và sinh viên để khắc phục tình trạng này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Từ bao đời nay, hiếu học luôn là một truyền thống rất đáng quý của người Việt Nam.
Dù ở đâu, làm gì, dù giàu hay nghèo, người Việt đều luôn cố gắng không để con cái mình bị thất học. Truyền thống này đã giúp công tác “xã hội hóa giáo dục” đạt nhiều kết quả đáng kể.
Tuy nhiên, theo thống kê của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, số lao động trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp tăng từ hơn 162.000 năm 2014, lên gần 178.000 người năm 2015.
Như vậy chỉ sau một năm, trung bình hơn 16.000 cử nhân đại học, sau đại học thất nghiệp sau khi ra trường.
Nhiều cử nhân ra trường thất nghiệp hoặc làm trái nghề. (Ảnh: zing.vn) |
Và chưa dừng lại ở đó, con số thống kê của cơ quan này vào tháng 1/2016 còn cho biết một kết quả đáng lo ngại hơn, đó là có tới 225.000 cử nhân thất nghiệp.
Đó còn chưa kể đến số lượng lớn nhóm sinh viên tốt nghiệp phải chọn việc làm trái ngành nghề đã được đào tạo, hoặc phải “giấu bằng” để đi làm các nghề lao động phổ thông.
Đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Nhìn một cách toàn diện, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khu vực tư nhân đang thiếu vốn và khó khăn về thị trường nên phải thu hẹp sản xuất, các doanh nghiệp lớn chỉ tuyển dụng nhỏ giọt chứ không còn là nơi “hút” lao động như trước đây.
Trong khi đó khu vực Nhà nước đã trở nên quá “chật chội” khiến vấn nạn thất nghiệp là bài toán khó.
Nếu một nền kinh tế phát triển, một xã hội lành mạnh thì sẽ luôn đi kèm với tỉ lệ thất nghiệp thấp, đặc biệt là đội ngũ lao động có bằng cấp.
Mặt khác, do phương pháp giáo dục đại học lạc hậu (dạy chay quá nhiều), nặng về lý thuyết, nhẹ về kỹ năng thực hành đã khiến cho đầu ra ở rất nhiều trường đại học không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia ngành giáo dục đã nhận định rằng, nếu không thay đổi phương thức đào tạo, đặc biệt ở cấp đại học, trong tương lai tỉ lệ thất nghiệp ở nhóm thanh niên và lao động có trình độ chuyên môn tiếp tục tăng là điều dễ hiểu.
Bởi đây chính là sự phản ánh khả năng "hấp thụ" thấp của thị trường lao động. Muốn thay đổi, cần phân luồng rõ ràng trong đào tạo.
Trong một góc nhìn về sự họcCó những người không được học hành và đào tạo bài bản nhưng họ vẫn lao động và hoàn thành tốt công việc, thậm chí có những người còn giữ những chức vụ cao. |
Khi mang nhận định này soi vào thực tế, nhiều người tán đồng bởi việc đào tạo nặng về lý thuyết, chưa có sự phân tách và định hướng ngành nghề cho học sinh, sinh viên đã khiến tình trạng “thầy nhiều hơn thợ” ở nước ta ngày càng gia tăng.
Tình trạng này một mặt là do không có cầu trong thị trường lao động, giáo dục đại học không đáp ứng thực tiễn với nhu cầu xã hội.
Các cử nhân, kỹ sư khi ra trường thiếu kỹ năng thực hành và ứng dụng trong hoạt động thực tiễn.
Đó cũng là một hệ quả tất yếu của thực trạng giáo dục đại học chưa đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn với yêu cầu sử dụng nhân lực và chú trọng giáo dục kỹ năng thực hành nghề nghiệp.
Nhìn một cách tổng thể của giáo dục đại học, phương pháp dạy và học chậm đổi mới, chưa thực sự phát huy được tính chủ động, sáng tạo của sinh viên.
Phương pháp và hình thức đánh giá kết quả còn lạc hậu, phương tiện giảng dạy thiếu thốn.
Bên cạnh đó là hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ, phương thức giáo dục; nặng lý thuyết, xem nhẹ thực hành.
Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc.
Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất.
Vì thế, việc đổi mới gắn liền với khả năng cung ứng nhu cầu xã hội, tăng cường kỹ năng thực hành và ứng dụng trong thực tiễn cần thiết đặt ra đối với đào tạo đại học.
Mới đây, tỉnh Nam Định vừa đưa ra dự kiến về điều kiện thi công chức năm 2016.
Theo đó, tại cuộc họp UBND tỉnh Nam Định ngày 11/10/2016, tỉnh này chỉ đạo Sở Nội vụ thực hiện quy chế tuyển công chức năm 2016 (dự định thời gian thi công chức vào tháng 12/2016) với điều kiện các thí sinh dự thi phải có bằng đại học hệ công lập.
Thông báo dự tuyển này ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Trường báo cáo gian dối số cử nhân thất nghiệp sẽ bị hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh |
Trên thực tế, không chỉ riêng tỉnh Nam Định có chủ trương tuyển công chức chỉ đối với sinh viên tốt nghiệp đại học hệ công lập mà nhiều địa phương trong cả nước cũng có quan điểm này.
Chủ trương này đã như một cú huých đối với tình trạng thất nghiệp gia tăng của những lao động có trình độ, đặc biệt là đối với những người tốt nghiệp đại học hệ ngoài công lập.
Vậy đâu là giảỉ pháp cho tình trạng này?
Trước hết, các trường cần chấm dứt tình trạng "học chay" để chuyển sang mô hình đại học nghề nghiệp ứng dụng, hay còn gọi là đại học ứng dụng.
Theo đó, thời gian học lý thuyết chỉ là 30% và thời gian thực hành tăng lên đến 70%.
Ở đây, coi sự chấp nhận của thị trường lao động đối với người học là tiêu chí quan trọng để đánh giá uy tín, chất lượng của cơ sở giáo dục đại học, và là căn cứ để định hướng phát triển các cơ sở giáo dục, đào tạo và ngành nghề đào tạo.
Từ đó, cần thiết đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục đại học.
Theo đó, đổi mới giáo dục đại học phải đảm bảo sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn và có kỹ năng thực hành thành thạo, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo.
Việc đổi mới phương pháp đào tạo trình độ trình độ đại học phải coi trọng việc nâng cao năng lực tự học, phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng thực hành.
Từ đó, tạo điều kiện cho người học tham gia nghiên cứu, thực nghiệm, ứng dụng.
Quan điểm phát triển giáo dục và đào tạo đại học là phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ khoa học và công nghệ; phù hợp quy luật khách quan.
Từ đó, chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu số lượng.
Đổi mới hệ thống theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; chuẩn hoá, hiện đại hoá giáo dục và đào tạo.
Trên cơ sở này, tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học.
Hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia; trong đó, có một số trường và ngành đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế.
Từ đó, đánh giá lại các nhu cầu của thị trường lao động để điều chỉnh lại chỉ tiêu đầu vào của các trường đại học.
Bên cạnh đó, quán triệt quan điểm tuyển dụng cán bộ công chức theo hình thức thi tuyển khách quan để đánh giá năng lực hoàn thành công việc trên cơ siở kiểm tra thực tế không phân biệt bằng cấp, trình độ và loại hình đào tạo.
Giải quyết vấn đề thất nghiệp đối với lao động có trình độ theo đó là một bài toán khó, đòi hỏi phải có cái nhìn tổng thể và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp ở nhiều khâu, điều đó còn tùy thuộc vào từng địa phương, từng ngành nghề xã hội.
Với những giải pháp trên hy vọng sẽ từng bước giải quyết thực trạng này.
5 nghịch lý của nền giáo dục Việt Nam |
Đối với các bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa hướng nghề chọn nghiệp, trước thực trạng công việc như hiện nay cần có sự nhìn nhận đúng đắn.
Nghề là tổng hợp các kỹ năng khi thực hiện một công việc nhất định theo sự phân công của lao động xã hội.
Vậy, việc lựa chọn nghề nghiệp của các bạn trẻ hiện nay cần theo hướng nào và với những tiêu chí nào?
Thứ nhất, các bạn cần tìm hiểu thông tin và những xu hướng phát triển nghề nghiệp được cập nhật trong cuộc sống hàng ngày, qua báo chí và mạng truyền thông.
Từ đó, khi nắm được những thông tin này sẽ cho các bạn lựa chọn đúng đắn.
Thứ hai, đánh giá đúng khả năng của mình trên cơ sở những thông tin biết về nghề. Đây là một yêu cầu quan trọng vì mỗi nghề đều có một yêu cầu nhất định về kỹ năng và năng lực của người hành nghề.
Đối với các trường Đại học, đó là những yêu cầu đặt ra khi tuyển sinh đầu vào. Khi đó, đánh giá đúng khả năng của mình thông qua gia đình và những người xung quanh sẽ cho bạn một lựa chọn đúng.
Thứ ba, đánh giá đúng cảm xúc nghề nghiệp của bản thân. Theo đó, bạn cần kiểm tra xem mình có thực sự yêu thích nghề và những công việc gắn với nghề đó hay không, hay chỉ đơn thuần là chọn nghề để sau này mưu sinh.
Bởi lẽ, nếu bạn yêu thích và say mê với một nghề hay một công việc nào đó sẽ là một động cơ thúc đẩy bạn đi đến thành công trong nghề, và có thể thành đạt trong cuộc sống.
Đây là một tiêu chí rất quan trọng trong việc bạn lựa chọn nghề nghiệp.
Thứ tư, bạn cần biết thông tin về khả năng tìm được việc làm khi theo nghề đó.
Đây cũng là một tiêu chí rất quan trọng, bởi lẽ một thực trạng của xã hội hiện nay là rất nhiều cử nhân, kỹ sư ra trường mà không tìm được việc làm như đã nói ở trên.
Tất nhiên, thực trạng này có nhiều nguyên nhân, nhưng việc chọn nghề không đúng với nhu cầu xã hội cũng là một trong nguyên nhân trong số đó.
Thứ năm, cần đánh giá đúng tương lai phát triển của nghề. Đây là một yêu cầu mang tính định hướng.
Khi đó bạn cần định lượng được xu thế phát triển của xã hội tác động nên nghề nghiệp mà bạn dự định theo đuổi, có thể qua các kênh thông tin nhất định.
Nghĩa là cần đánh giá được tiềm năng phát triển của nghề đó trong tương lai. Đây là một tiêu chí khó mà bạn cần tham khảo theo nhiều nguồn, nhiều kênh khác nhau.
Định nghề, chọn nghiệp là một vấn đề khó trong bối cảnh xã hội có nhiều khó khăn như hiện nay, khi đó đánh giá đúng xu thế chung, nắm bắt cơ hội và thời cơ trong điều kiện hoàn cảnh hiện tại sẽ giúp cho các bạn có được sự quyết định đúng đắn.
Các cụ ngày xưa có câu: "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Nghĩa là giỏi một nghề nhất định sẽ giúp ta thành công trong cuộc sống. Câu nói này ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.
Vì thế, các bạn trẻ cần nhanh nhạy, năng động, đánh giá đúng khả năng của mình và không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để có những phẩm chất tốt, từ đó để có được sự lựa chọn phù hợp.