LTS: Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ hôm nay, 1/8 các thí sinh bắt đầu bước vào “cuộc đua” đăng ký xét tuyển đợt 1.
Dù đợt xét tuyển đã chính thức bắt đầu nhưng đến thời điểm hiện tại vì nhiều lý do khác nhau, nhiều thí sinh đang lúng túng không biết chọn ngành gì và trường nào để đăng ký xét tuyển.
Thầy giáo Bùi Minh Tuấn đã đưa ra một số lời khuyên nhằm giúp các thí sinh có sự lựa chọn sáng suốt nhất.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Do tầm quan trọng đặc biệt của khâu đăng ký xét tuyển mà các thí sinh cần hết sức cẩn trọng, kỹ lưỡng trong việc lựa chọn trường học ngành học trong tương lai.
Trước khi đăng ký, mỗi thí sinh cần lưu tâm đến một số yếu tố sau để có thể đưa ra được cho mình những quyết định đúng đắn nhất:
Cần nghiêm túc trong việc chọn trường, ngành đăng ký xét tuyển
Với tâm lý nông nổi, nôn nóng, dễ chủ quan, nhiều học sinh không ý thức được rằng việc lựa chọn trường, ngành học không đúng sẽ không những tác động tiêu cực đến nghề nghiệp tương lai sau này mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của việc xét tuyển trước mắt đồng thời gây lãng phí cho gia đình và xã hội.
Chọn ngành nào bây giờ? (Ảnh nguồn: vtv.vn). |
Cần cân nhắc nhiều yếu tố khách quan và chủ quan để lựa chọn trường, ngành học phù hợp, đặc biệt cần chú ý đến nhu cầu việc làm của ngành sẽ đăng ký xét tuyển và theo học khi trúng tuyển.
Việc chọn trường, ngành học có thể được định hướng từ sớm chứ không nhất thiết phải chờ đến trước khi xét tuyển mới quyết định.
Phải biết tự lượng sức mình, tự quyết định tương lai của mình
Thí sinh có 10 ngày để đăng ký xét tuyển trực tuyến nguyện vọng 1 |
Mỗi học sinh cần phải biết được năng lực học tập thực sự của bản thân trước khi chọn trường, ngành đăng ký xét tuyển.
Nhất thiết không nên chạy theo “mốt”, theo xu hướng chọn “trường top”, “ngành top” nếu tự cảm thấy khả năng, năng lực của mình chưa tương xứng.
Tuổi trẻ thường thích phiêu lưu song không nên phiêu lưu không có cơ sở để rồi phải trả giá, nếu cứ mạo hiểm một cách cảm tính thì “trèo cao ngã đau” là hậu quả có thể dự báo từ trước.
Cần khắc phục tâm lý “thích làm thầy hơn làm thợ”
Chuyện “thừa thầy, thiếu thợ” và nghịch lý chọn nghề(GDVN) - Thực tế hiện nay cho thấy rằng, những sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường ngày nay rất khó xin việc. |
Có thể nhận thấy tâm lý “thích làm thầy hơn làm thợ” đang khá phổ biến trong một bộ phận không nhỏ phụ huynh và học sinh.
Hệ quả của tâm lý này là nhiều bậc phụ huynh buộc con em mình phải vào bằng được cổng trường Đại học, Cao đẳng mà không cần quan tâm đến lực học của bản thân học sinh, kể cả là bằng con đường tiêu cực?!
Hiện nay đất nước đang đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá cùng với quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới, nhiều khu công nghiệp mới ra đời đang rất cần một đội ngũ lớn nhân công lành nghề.
Nói cách khác, sự lựa chọn nghề nghiệp hiện nay là rất phong phú và nghề nào cũng đáng quý nếu nó phục vụ cho cuộc sống thiết thực của bản thân, gia đình, xã hội.
Phải có niềm say mê, sự tự tin dựa trên sở trường
Để có được kết quả như mong muốn, mỗi học sinh phải có được niềm say mê với con đường mình đã chọn đồng thời cần có sự tự tin để sẵn sàng theo học khi trúng tuyển.
Để có được sự tự tin, cần xác định rõ sở trường, sở thích của bản thân liệu có phù hợp với trường học, ngành học đã chọn.
Thạc sỹ, cử nhân thất nghiệp – Vì đâu nên nỗi? |
Chẳng hạn nếu có khả năng về nghệ thuật, có thể chọn ngành văn chương, báo chí, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, hội họa… còn nếu có khả năng về ngôn ngữ, giảng giải có thể chọn ngành sư phạm, công tác xã hội…
Tóm lại, để học sinh sẵn sàng bước vào kỳ xét tuyển với tâm thế tốt nhất, các cấp các ngành có liên quan và các bậc phụ huynh cần làm tốt hơn nữa công tác tư vấn tuyển sinh.
Trong đó, việc hướng nghiệp cho học sinh đóng vai trò then chốt!
Hi vọng rằng, cùng với sự quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội, sự cân nhắc kỹ lưỡng của bản thân, mỗi thí sinh sẽ sáng suốt lựa chọn được cho mình “địa chỉ” đăng ký xét tuyển phù hợp nhất.