Đam mê phát triển năng lực nghệ thuật của mỗi em học sinh
Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thầy Hoàng Sĩ Nguyên, giáo viên Trường Tiểu học Quán Toan (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) đã yêu thích và nỗ lực theo đuổi đam mê mĩ thuật.
Hành trình theo đuổi đam mê đã mang cơ duyên với sự nghiệp “trồng người” đến với thầy giáo Nguyên.
Sau khi tốt nghiệp, năm 2001, thầy Nguyên được nhận công tác tại Trường Trung học cơ sở Hùng Vương.
Đến năm 2003, thầy được chuyển công tác về Trường Tiểu học Quán Toan và gắn bó với nhà trường cho đến hiện tại.
Với nhiệt huyết và năng lực chuyên môn cao thầy giáo Nguyên mang đến “làn gió mới” trong công tác giảng dạy bộ môn Mĩ thuật của nhà trường.
Thầy đã đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của thành phố nói chung và cho nhà trường nói riêng những phương pháp giảng dạy mới lạ, hấp dẫn và hiệu quả.
Thầy giáo Hoàng Sĩ Nguyên tâm huyết phát triển năng lực nghệ thuật của mỗi học sinh (Ảnh: NVCC) |
Theo thầy giáo Hoàng Sĩ Nguyên, dạy học mĩ thuật đối với lứa tuổi học sinh tiểu học, việc quan trọng không phải đào tạo các em trở thành họa sĩ mà là giúp các em biết cách cảm nhận cái đẹp từ những thứ gần gũi của cuộc sống cho đến những tác phẩm nghệ thuật.
Đồng thời hình thành cho các em các kỹ năng, cách thức tạo ra cái đẹp từ những đồ dùng, vật dụng đơn giản gần gũi quen thuộc với các em.
Nhận thức được thế nào là đẹp, biết tạo ra cái đẹp cũng chính là phát triển năng lực thẩm mĩ cho học sinh.
Thầy giáo Nguyên mong muốn thông qua môn Mĩ thuật, mỗi thế hệ học sinh qua đi, các em đều có thể biết cách cảm nhận được cái đẹp và biết cách tạo ra cái đẹp theo năng lực, theo sự sáng tạo của bản thân.
Cũng bởi những mong muốn ấy, thầy Nguyên luôn không ngừng nỗ lực trau dồi, tìm tòi những kiến thức hay phương pháp giảng dạy mới giúp phát huy tiềm năng của học sinh tiểu học.
Thầy Nguyên chia sẻ: “Xuất phát từ tình yêu với Mĩ thuật, tôi đặt ra cho bản thân mục tiêu luôn phải nỗ lực để giúp học sinh cảm nhận được nét đẹp của cuộc sống, hiểu được ý nghĩa và vẻ đẹp riêng biệt trong từng tác phẩm.
Quá trình dạy học, tôi không đặt nặng việc bắt học sinh trở thành một họa sĩ mà để các em tự do phát triển năng lực của mình.
Mỗi học sinh sẽ có năng lực thẩm mĩ khác nhau, đối với học sinh có năng khiếu mĩ thuật thì tôi hướng dẫn các em cách để phát huy tốt nhất thể mạnh của bản thân.
Các em học sinh còn lại tôi giúp các em hình thành kiến thức mĩ thuật cơ bản giúp các em biết nhận thức và đánh giá cái đẹp”.
Nhận thức được thế nào là đẹp, biết tạo ra cái đẹp cũng chính là phát triển năng lực thẩm mĩ cho học sinh (Ảnh: NVCC) |
Thầy Nguyên vinh dự là 1 trong 8 giáo viên cốt cán Mĩ thuật được Sở Giáo dục và Đào tạo cử đi tập huấn Dự án “Hỗ trợ giáo dục Mỹ thuật tiểu học” Việt Nam – Đan Mạch (SEAPS) vào năm 2011.
Năm học 2012 – 2013, dự án được triển khai dạy thí điểm tại Trường Tiểu học Quán Toan.
Thầy giáo Nguyên chia sẻ về Phương pháp “Dạy Mĩ thuật theo định hướng phát triển năng lực” hay thường được gọi là dạy Mĩ thuật theo Phương pháp Đan Mạch: “Phương pháp này hướng tới lấy học sinh làm trung tâm và khuyến khích học sinh phát triển năng lực mĩ thuật của bản thân.
Trong đó, có năng lực trải nghiệm, năng lực sáng tạo, năng lực biểu đạt, năng lực phân tích và diễn giải, năng lực giao tiếp và đánh giá.
Mỗi tiết học tôi sẽ vận dụng linh hoạt các quy trình trong mỗi chủ đề học để thầy và trò cùng nhau trải nghiệm, sáng tác như: Vẽ cùng nhau và sáng tác, Vẽ biểu cảm, Vẽ theo âm nhạc, Xây dựng cốt truyện, Điêu khắc - Nghệ thuật tạo hình không gian,…
Trong mỗi chủ đề thì kết thúc của hoạt động này là tiền đề cho hoạt động sau nên các sản phẩm của học sinh trong chủ đề thường được làm trong nhiều tiết và có sự hoạt động linh hoạt giữa cá nhân và nhóm, giữa nhóm và cá nhân được đan xen lẫn nhau giúp các em có thể phát huy được hết khả năng của mình trong môn mĩ thuật.
Hiện nay chương trình Giáo dục phổ thông 2018 của môn mĩ thuật có nhiều nét tương đồng với Phương pháp Đan Mạch trong nên rất thuận lợi cho tôi cũng như đồng nghiệp khi triển khai dạy đại trà theo chương trình mới”.
Không ngừng học hỏi bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, thầy giáo Nguyên nhiều năm liền đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”.
Năm học 2012 – 2013, năm học 2016 – 2017 và trong năm học 2020 – 2021 vừa qua, thầy đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi môn Mĩ thuật cấp Tiểu học Thành phố.
Thầy giáo Nguyên đã nhận được Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong Hội thi giáo viên dạy giỏi môn Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục cấp Tiểu học Thành phố năm học 2020 – 2021 do Công Đoàn Giáo dục Hải Phòng cấp.
Đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy
Trong quá trình công tác, thầy giáo Hoàng Sĩ Nguyên đã cống hiến nhiều sáng kiến giáo dục nhận được sự đánh giá cao trong đó phải kể đến sáng kiến “Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy phân môn thưởng thức mĩ thuật ở Tiểu học”.
Sáng kiến của thầy đưa ra việc sử dụng có tính sư phạm những thành quả của khoa học công nghệ sẽ giúp công tác giảng dạy hiệu quả, học sinh có thể lĩnh hội kiến thức một cách tích cực và trọn vẹn.
Thầy giáo Nguyên luôn đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học (Ảnh: NVCC) |
"Một trong những phương pháp dạy học có thể phát huy được hiệu quả trong giảng dạy phân môn thưởng thức mĩ thuật chính là sử dụng công nghệ thông tin thông qua những Bản trình diễn điện tử hay còn gọi là giáo án điện tử.
Môn học Mĩ thuật là môn học thị giác, học sinh cảm nhận cái đẹp về hình thể và màu sắc thông qua con mắt của mình.
Chính vì vậy, công nghệ thông tin với các phần mềm đa dạng có thể giúp cho giáo viên phóng to được những hình ảnh trong bài.
Phân tích, nhận xét được từng hình ảnh, chi tiết trong tác phẩm qua đó nêu bật được chủ đề, ý nghĩa của tác phẩm, thu hút lôi cuốn học sinh vào tiết học” theo sáng kiến của thầy Nguyên.
Không riêng việc đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, thầy còn tích cực lan tỏa, chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp góp phần mang đến môi trường giáo dục tốt nhất cho học sinh nhà trường.
Thầy giáo Nguyên hiện là giáo viên chủ chốt của nhà trường trong các công tác liên quan đến công nghệ thông tin.
Đặc biệt, trong các đợt triển khai dạy học trực tuyến của nhà trường, thầy đã dành nhiều thời gian nghiên cứu các phần mềm, đào tạo và hỗ trợ đồng nghiệp.
Thầy Nguyên cho biết: “Đợt dạy trực tuyến đầu tiên, khối tiểu học chưa được cấp tài khoản học trực tuyến nên tôi cố gắng nghiên cứu nhiều phần mềm, tự phân tích xem cái nào dễ sử dụng và đạt hiệu quả cao.
Việc học trực tuyến do dịch bệnh khiến nhiều giáo viên gặp khó khăn đặc biệt là các thầy, cô giáo đã có tuổi.
Bản thân có niềm yêu thích và có kiến thức về công nghệ nên tôi muốn góp chút sức lực giúp mọi người thành thạo sử dụng thiết bị điện tử.
Từ đó, học sinh không bị gián đoạn việc học, khắc phục tối đa những nhược điểm của việc học trực tuyến”.
Thầy đã cống hiến nhiều sáng kiến giáo dục và tích cực tham gia các hoạt động chuyên đề của nhà trường (Ảnh: NVCC) |
Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quán Toan nhận xét: “Thầy Nguyên là một giáo viên có năng lực, rất tâm huyết với nghề và hết lòng vì học sinh. Thầy luôn giảng dạy có tâm và có trách nhiệm với học sinh.
Bên cạnh chuyên môn của thầy là mĩ thuật, thầy còn ứng dụng công nghệ thông tin rất tốt.
Không chỉ mang lại những tiết dạy hiệu quả đối với học sinh, thầy còn tích cực bồi dưỡng công nghệ thông tin cho giáo viên của nhà trường.
Đặc biệt, trong những đợt học sinh học trực tuyến, thầy đảm nhiệm và đóng vai trò chủ chốt trong nhà trường.
Suốt những năm công tác tại trường, thầy Nguyên luôn nhận được sự yêu mến của học sinh và sự tin tưởng của đồng nghiệp”.