Thầy Hoàng Đức Mạnh (45 tuổi) hiện là giáo viên môn Lịch Sử, trường Trung học cơ sở Lê Thanh (huyện Mỹ Đức, Hà Nội).
Nhiều năm qua, thầy được nhà trường tin tưởng, thường phân công chủ nhiệm những lớp có nhiều học sinh cá biệt - những lớp học chưa có sự đoàn kết, nhiều học sinh nghiện game, vi phạm nội quy.
Thầy Hoàng Đức Mạnh. Ảnh: NVCC |
Chia sẻ với phóng viên, thầy Mạnh cho biết những trẻ cá biệt không phải học sinh hư, các em đều thông minh, có năng lực, nhạy bén trong cuộc sống.
Các em thường mải chơi hơn một chút và đặc biệt các em chưa nhận thấy lợi ích của việc học, hoặc đôi khi thiếu sự quan tâm của gia đình. “Với tôi, không có học sinh cá biệt mà chỉ có học sinh đặc biệt”, thầy nói.
Thầy Mạnh thành lập Câu lạc bộ Goodbye game với mong muốn làm những điều thiết thực giúp các em tập trung học.
Thầy cho biết: “Tôi thường dặn các em đừng trở thành người thành công mà hãy trở thành người có giá trị. Việc cai game thật sự rất khó khăn, nhưng tôi luôn nhìn vào điểm tốt của chúng. Những học trò của tôi đều thông minh, giàu nghị lực, các em sẽ không bao giờ bỏ cuộc”.
Sau 6 năm hoạt động, câu lạc bộ kết nạp được hơn 100 thành viên qua các khoá. Câu lạc bộ do chính các bạn học sinh giữ vai trò cốt cán như chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, thư ký, ban giám sát còn thầy Mạnh làm cố vấn.
Mỗi tháng, câu lạc bộ họp với đầy đủ các thành viên để thảo luận các chuyên đề xoay quanh học tập và nghiện game như: Tác hại của game, mỗi tuần nên dành bao nhiêu thời gian cho game, các phương pháp tập trung học…
Em Phạm Quang Vinh đứng trước toàn trường nói về tác hại của việc nghiện game. Ảnh: Thầy Mạnh cung cấp |
Bên cạnh đó, thầy đưa ra nhiều hoạt động cho các thành viên câu lạc bộ Goodbye game tự tổ chức, phân chia vào những buổi được nghỉ, ngày lễ.
Những dịp 8/3, 20/10, thầy gợi ý các em mua hoa tặng mẹ, cô giáo… Những buổi chào cờ đầu tuần, các thành viên câu lạc bộ tổ chức tuyên truyền về ảnh hưởng của chơi game tới kết quả học tập.
Từ khi thành lập đến nay, thầy Mạnh đã chứng kiến nhiều học sinh trưởng thành từ câu lạc bộ Goodbye game. Những em học sinh có thể kể đến như Hoàng Thế Tài, Đỗ Công Minh, Phạm Minh Hiếu, Đinh Văn Hậu… Các em đều coi thầy là một trong những người có ảnh hưởng đến cuộc đời.
Trong số những học sinh "đặc biệt" có em Phạm Vinh Quang, học lớp 9A1 do thầy chủ nhiệm, năm học 2019-2020. Em tham gia câu lạc bộ khi học lớp 8, được chọn làm chủ nhiệm.
Thầy Mạnh nhận xét, khi mới tiếp xúc, em chơi game nhiều, ít nói nhưng thông minh. Trong vai trò chủ nhiệm câu lạc bộ, em đã thay đổi bằng cách tham gia các hoạt động, có trách nhiệm hơn trong rèn luyện và học tập.
Em hạn chế chơi game và dần bỏ hẳn. Quang đã cùng câu lạc bộ tổ chức giao lưu bóng đá với các lớp khác. Ngoài ra, em từng đứng trước toàn trường trong buổi sinh hoạt ngoại khóa, phát biểu về tác hại của game.
Nhờ nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của các thầy cô, Quang đạt giải ba môn Toán và giải nhì môn Sinh trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện và được chọn vào đội dự tuyển thi học sinh giỏi cấp thành phố môn sinh học.
Kỳ thi tuyển sinh vào 10 vừa rồi, Quang đạt 52,5 điểm, là thi sinh có điểm thi vào 10 cao nhất trường. Quang rất biết ơn thầy Mạnh và nói sẽ học tập tốt không phụ lòng thầy.
Em cho biết sau này muốn về trường, trò chuyện với các em trong câu lạc bộ Goodbye game với tư cách là người có giá trị trong xã hội.
Được biết, năm học 2019-2020 vừa qua, thầy Mạnh được nhận giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” bởi những nỗ lực giúp các em học sinh nghiện game trở lại học tập bằng sự quan tâm, tình cảm chân thành.
Thầy Mạnh tâm niệm để giáo dục các học trò, phải hiểu được chúng. Hiểu từ hoàn cảnh, đến tâm sinh lý, điểm mạnh, yếu… để có giải pháp phù hợp với từng em.
Thầy Mạnh tâm sự, thời gian nghỉ dịch này, việc quản lý các thành viên câu lạc bộ Goodbye game gặp rất nhiều khó khăn bởi các em đứng trước nguy cơ tái nghiện game.
Vì thế, thầy Mạnh thường xuyên nhắn tin riêng cho từng em, nhắc nhở chung trong nhóm, nhằm động viên các em tích cực trong học tập và cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp nghiện game.