Thầy giáo "tra tấn" học sinh ở Thái Nguyên: Dùng bạo lực là... bất lực

03/08/2012 06:54
Kim Ngân (thực hiện)
(GDVN) - Theo TS. Văn học Trịnh Thu Tuyết thì điều quan trọng nhất trong công tác giáo dục là người thầy phải gương mẫu, đối với học trò phải có thái độ tôn trọng, tin tưởng. Nếu người làm thầy mà sử dụng đến bạo lực có nghĩa là họ đã bất lực, là biểu hiện của sự kém cỏi về phương pháp, trí tuệ.
LTS: Vụ việc thầy giáo dùng roi mây đánh học trò ở Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức cấp II (TP Thái Nguyên) đã tạm lắng xuống, nhưng dư âm còn đọng lại là về vấn đề nhìn nhận nhân cách người thầy. Là người có hơn 30 năm đứng trên bục giảng, TS Văn học Trịnh Thu Tuyết - Giáo viên Trường THPT Chu Văn An đã có những bày tỏ quan điểm xung quanh vụ việc này.
TS Văn học Trịnh Thu Tuyết cho rằng người làm thầy mà sử dụng đến bạo lực có nghĩa là họ đã bất lực.
TS Văn học Trịnh Thu Tuyết cho rằng người làm thầy mà sử dụng đến bạo lực có nghĩa là họ đã bất lực.
- Là một người mẹ, một người giáo viên, TS có bao giờ chấp nhận hành động người thầy dùng roi mây đánh học sinh khi bị điểm kém không?
TS Trịnh Thu Tuyết: Dù trong bất cứ vai trò nào, dù với bất cứ động cơ, mục đích nào, tôi cũng không bao giờ chấp nhận hành vi bạo lực của thầy đối với trò. Khái niệm “bạo lực” tôi dùng với nghĩa rộng - bao hàm tất cả những thái độ, lời nói, hành động… có thể làm tổn thương tinh thần hoặc thể xác con người.
- TS đánh giá như thế nào về hành động, tư cách của người thầy này?
TS Trịnh Thu Tuyết: Mỗi sự việc đều có thể có những nguyên cớ ngoại lệ nào đó, tôi chỉ nói quan niệm riêng của mình về vấn đề này. Tôi cho rằng khi một người làm công tác giáo dục (bao gồm cha mẹ, thầy cô…) mà phải sử dụng tới bạo lực thì có nghĩa là họ đã bất lực. Và bất lực luôn là biểu hiện của sự kém cỏi về phương pháp, trí tuệ; còn tùy theo mức độ, đối tượng và mục đích… mà hành vi đó có thể trở thành thước đo nhân cách hay không. Ví dụ, cha mẹ nhiều khi phải khóc mà đánh mắng con để mong con nên người, đó là vấn đề của phương pháp chứ không thuộc phạm trù nhân cách; nhưng một người thầy mà đánh học trò với dáng vẻ, thái độ như thế thì vấn đề có lẽ không chỉ dừng lại ở phương pháp!
- Theo TS điều quan trọng nhất, đáng quý nhất của người làm thầy khi dạy dỗ học trò là gì? Và có cách nào giúp người thầy không phải dùng đến đòn roi, quát mắng nhưng học sinh vẫn nghe lời?
TS Trịnh Thu Tuyết: Với mình, người thầy phải gương mẫu, trung thực; với học trò, người thầy phải có thái độ tôn trọng, tin tưởng; đó là điều quan trọng nhất trong công tác giáo dục. Học sinh sẽ nghe lời những người mà các em kính trọng và tin tưởng; học sinh sẽ thực tâm muốn thay đổi để tiến bộ khi các em thấy mình được tôn trọng, nhất là để xứng đáng với lòng tin của thầy cô.
- Hơn 30 năm trong nghề, TS đã bao giờ đánh hay mắng học sinh vì không nghe lời, bị điểm kém chưa? Nếu có, TS có thể chia sẻ về điều này?

TS Trịnh Thu Tuyết: Trong cả quãng đời dạy học của mình, tôi tuyệt đối tôn trọng những phương pháp sư phạm chuẩn mực, và phản đối chuyện mắng nhiếc học trò thậm tệ, hoặc dùng bạo lực cũng là điều không thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, cũng có những điều khiến tôi ân hận về cả phương pháp hoặc thái độ của mình trong ứng xử sư phạm. Một lần, khi nghe phản ánh của giáo viên bộ môn về việc học sinh lớp tôi chủ nhiệm mất trật tự; giờ sinh hoạt cuối tuần tôi đã yêu cầu mỗi học sinh tự viết một bản điều tra (không cần ghi tên), với câu hỏi: “Nêu tên một bạn mất trật tự nhất trong lớp?”. Và tôi đã nhận ra sự non nớt về sư phạm của mình khi nhận được 34 tờ giấy ghi cùng một nội dung: “Em là người mất trật tự nhất trong lớp”! Lần ấy, chính học trò đã dạy cho tôi một bài học về ứng xử sư phạm.
- Có một điều rất lạ là một số phụ huynh lại đồng tình với cách dạy bằng đòn roi, TS nghĩ sao về điều này?

TS Trịnh Thu Tuyết: Có lẽ những phụ huynh ấy chỉ xuất phát từ tấm lòng mong mỏi sự tiến bộ của con, nhiều người đặt kỳ vọng cao và họ sống với quan niệm quen thuộc trong dân gian về việc “Thương cho roi, cho vọt/ Ghét cho ngọt, cho bùi”. Tuy nhiên, trong sự tương phản giữa “ngọt, bùi”, chắc chắn trí tuệ dân gian không muốn chúng ta hiểu “roi, vọt” thuần túy theo nghĩa đen, nếu cứ hiểu như vậy là rất ấu trĩ. Quan trọng nhất là thái độ nghiêm khắc, đúng mực xuất phát từ tình yêu thương, sự bao dung trước lỗi lầm của con trẻ sẽ có tác dụng hơn bất kì thứ đòn roi nào.

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

259 trường có điểm: Thủ khoa ĐH Luật Hà Nội 27,5 điểm

Trường ĐH Kinh tế TP HCM: Điểm chuẩn dự kiến lấy 19 điểm

ĐH Mỹ thuật Việt Nam, ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội công bố điểm

ĐH Kiến trúc Hà Nội: 47% khối A dưới điểm sàn năm 2011

Bất ngờ điểm thi Đại học của các hotgirl xinh đẹp

CĐ Kinh tế Tài chính Thái Nguyên: Thủ khoa đạt 24,75 điểm

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Kim Ngân (thực hiện)