LTS: Chia sẻ câu chuyện đầy xúc động, thầy giáo Sơn Quang Huyến cho rằng đã đến lúc cần trả lại đúng ý nghĩa ngày Quốc tế Thiếu nhi cho trẻ em chứ không phải biến nó thành ngày tôn vinh thành tích như hiện nay.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Ngày 1/6 hàng năm đã thành thông lệ, ngày “khuyến học” của ấp NT. Trước đó, ấp trưởng đã đến nhà trường các cấp trong xã lấy danh sách học sinh giỏi, học sinh tiên tiến của ấp mình để khen thưởng.
Nguồn kinh phí do ban ấp đi từng nhà vận động, người đóng nhiều hay ít tùy vào lòng hảo tâm. Ngoài mua tập làm phần thưởng, còn một phần mua bánh kẹo cho các cháu liên hoan.
Phần thưởng chẳng đáng là bao, nhưng “một miếng giữa làng, bằng sàng xó bếp”, ban tổ chức đã rà soát kĩ, không để tình trạng sót học sinh học giỏi không được nhận quà.
Ngày khuyến học “cấp ấp” rồi cũng đến, trẻ con, người lớn cùng vui vẻ với thành tích con em mình đạt được, năm nay cao hơn năm trước.
Hãy để ngày 1/6 đúng nghĩa là Quốc tế Thiếu nhi, để mọi trẻ em được yêu thương. Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn |
Mọi người ra về gần hết, vẫn còn một cháu nhỏ lấp ló bên ngoài. Thấy lạ, tôi bước ra “Sao con chưa về?”; đứa bé ngước nhìn tôi “Thầy ơi, ôm con một miếng được không ạ?”; một đề xuất thật bất ngờ, thế nhưng tôi cũng dang tay ôm đứa bé vào lòng.
Bờ vai gầy, bé nhỏ của bé ép vào, nước mắt giàn giụa, ướt cả áo tôi “Con nhớ ba quá, ba không nhớ con à?”. Chợt hiểu, tôi đẩy nhẹ bé ra “Thầy không phải ba con”. Tiếng xin lỗi lí nhí, bé vụt chạy về.
Chị chủ tịch hội phụ nữ xã nhìn tôi “Thầy cao, ròm ròm, giống ba nó thiệt. Ba nó mất cách nay ba bốn năm rồi, từ ngày nó chưa đi học lớp 1 lận. Tội, sắp tối rồi, không biết con bé về nhà kịp không?”.
Tôi vội leo lên chiếc xe đạp cà tàng của mình, phóng theo con bé. Chắc quãng đường ngồi trên xe tôi là thời gian hạnh phúc nhất của bé từ trước tới nay.
Bé úp hết má trái, má phải vào lưng ướt mồ hôi của tôi; kể đủ thứ chuyện chẳng đầu chẳng cuối về cuộc sống của gia đình; như kể cho ba nó đi xa mới về nhà vậy.
Bé tên Thùy Trang, có em song sinh Thanh Trang, ba mất, mẹ lấy chồng khác, hai bé ở với bà nội. Thanh Trang nhìn thấy chị về, mắt nhìn tôi chằm chặp “Ba!”. Bé ôm chầm lấy tôi, một tay đấm thùm thụp “Ba đi mô mà lâu rứa?”.
Bà nội hai bé nghe tiếng, bước ra sân “Chào thầy giáo”, bà lại gỡ Thanh Trang ra “Đây là thầy giáo, không phải ba mấy đứa. Mời thầy vô uống nước”. Trên bàn thờ, có bức ảnh trắng đen của người lính, nhìn qua giống tôi thiệt.
Bà kể “Tui nghe mấy người nói, có thầy giáo giống thằng Hai, tui đi theo thầy mấy lần rồi, nhìn qua giống, nhìn kĩ thì hổng phải. Sắp nhỏ thấy ảnh ba nó trên bàn thờ, nhầm là phải, xin lỗi thầy”.
Đến lúc này, Thanh Trang mới hỏi chị “Quà của em đâu?”. Thùy Trang đưa mấy cuốn tập cho em, chia kẹo cho bà nội “Của em nè, chị đã nhận quà khác rồi”.
Tiễn tôi ra ngõ, Thùy Trang nói nhỏ “Nó không được loại giỏi, hổng có quà, hồi chiều em hổng cho nó đi, sợ nó buồn thầy ạ”. Ánh mắt của bé Thanh Trang, cứ như một dấu hỏi, ám ảnh tôi.
Có nên coi ngày Quốc tế thiếu nhi là ngày khuyến học?
Không được nhận quà 1/6 vì không đạt học sinh giỏi, nên hay không? |
Không ít cơ quan, đơn vị, địa phương đang chờ ngày 1/6 để “phát thưởng thành tích học tập” của học sinh có cha, mẹ công tác trong đơn vị mình. Không ít đứa trẻ, “thành tích học tập” thua các bạn, đã thề không đi dự lễ 1/6 sang năm nữa.
Có những nơi làm kinh tế, kinh doanh tốt, phần thưởng là số tiền không nhỏ. Ngoài ra, cha mẹ có con có “thành tích cao trong học tập” vô cùng “hãnh diện” với người cùng cơ quan.
Chính vì “hãnh diện hão” các ông bố, bà mẹ tìm mọi cách để con mình có thành tích, điểm số hơn con cái người khác. Từ đầu tư học thêm, học kèm, gia sư đến cả việc mua điểm, chạy điểm…. dù thừa hiểu đó là điểm ma, điểm ảo; góp phần xây dựng “nhân cách giả dối” cho chính con mình.
Ngày “khuyến học 1/6” đang góp phần đẩy “bệnh thành tích” trong giáo dục ngày càng trầm trọng hơn, người ta đã phải thốt lên “Nhà trường dạy kiểu gì, mà toàn học sinh giỏi thế?”. Học sinh học giỏi, phải mừng chứ, sao lại lo lắng? Ngược đời chăng?
Vì vậy, “Cái gì của Caesar phải trả lại cho Caesar”, hãy trả lại ý nghĩa nguyên bản của ngày 1/6. Như Bác Hồ đã từng viết: “Bác thương các cháu lắm, Bác hứa với các cháu rằng đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể sẽ cố gắng làm cho các cháu dần dần được no ấm, được vui chơi, được học hành, được vui sướng…”.
Hãy dành cho trẻ nhỏ những ký ức thật đẹp đẽ về tuổi thơ, hãy để cho các cháu được vui chơi, tận hưởng niềm hạnh phúc của mình.
Đây là dịp để các cháu được nhận những món quà ý nghĩa từ người thương yêu, từ các tổ chức xã hội, không phân biệt thành tích học tập; mọi đứa trẻ đều đáng được yêu thương. Hãy để ngày 1/6 là ngày Quốc tế Thiếu nhi!