LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết thứ 3 trong loat bài của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Ở bài viết này, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng nêu quan điểm về đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Tòa soạn xin trân trọng gửi đến quý bạn đọc. Văn phong cũng như nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Tiêu đề bài viết do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đặt.
Sau khi bàn về triết lý và mục tiêu giáo dục, tiếp theo xin nói về đổi mới chương trình. Đó không phải là tất cả, nhưng là công việc lõi, quan trọng nhất của bất kỳ một cuộc cải cách giáo dục nào, nhất là đối với giáo dục phổ thông.
Nước ta đang tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Trước đó cũng có ý kiến đề nghị dùng từ “cải cách”, nó ngắn gọn hơn, rõ và dứt khoát hơn. Trong văn bản của Đảng và Nhà nước cũng đã từng có từ đó rồi.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng: “việc gì mà phải cải cách, giáo dục của ta cơ bản vẫn đúng hướng và tốt đó thôi, thành tích nhiều, nói cải cách hóa ra lâu nay mình làm kém quá sao”.
Thậm chí còn có người thì ngại nói cải cách là nó “nhạy cảm”.
Nước ta lâu nay nhiều lúc đến khổ với cái quan niệm “nhạy cảm” kiểu này. Không phải đáng ngại như thế đâu.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, ảnh do tác giả cung cấp. |
Trên lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp đã sử dụng từ “cải cách” rồi, có gì đâu mà phải ngại “nhạy cảm”. Và đối với nền giáo dục Việt Nam, từ những năm 60 đã có Ban Nghiên cứu cải cách giáo dục.
Nhưng thôi, không nên mất quá nhiều thì giờ để tranh luận “cải cách” hay “đổi mới”. Đổi mới căn bản và toàn diện là nhiều lắm rồi, là ghê rồi. Đừng sợ ít. Căn bản là “gốc rễ” mà, lại còn toàn diện nữa.
Không làm rõ, nắm chắc triết lý, mục tiêu giáo dục, đổi mới sẽ mất phương hướng |
Theo tôi hiểu, đổi mới căn bản và cải cách là một, về bản chất giống nhau, dù với hai cách gọi khác nhau.
Thực chất của cải cách giáo dục là cải cách về chương trình-việc chính yếu nhất, tôi nghĩ vậy.
Trước đây, ta quan niệm chương trình rất đơn giản, chủ yếu là những nội dung được sắp xếp trước sau, với một lịch trình về thời gian nhất định. Đó là quan niệm chương trình theo cách tiếp cận nội dung.
Lần này trong đổi mới chương trình phải có cách tiếp cận khác, tiếp cận mới – tiếp cận việc xây dựng phẩm chất và phát triển năng lực. Nói gộp lại là nhân cách, hoặc diễn đạt khác là năng lực Người.
Sau đây xin viết gọn là “năng lực” được hiểu theo nghĩa là năng lực Người, bao gồm cả năng lực và phẩm chất.
Việc xây dựng chương trình theo cách tiếp cận phát triển năng lực là thể hiện sự nhất quán với việc xây dựng một nền giáo dục mà mục tiêu chính yếu là phát triển năng lực.
Mấy năm nay ta thường nói là phát triển năng lực người học. Nói vậy không sai, nhưng chưa đủ. Còn phát triển cả năng lực của người dạy nữa.
Đó là kết quả của sự tương tác giữa thầy và trò với phương pháp sư phạm mới là tôn trọng tư duy độc lập của học sinh.
Thầy không phải nắm độc quyền chân lý, rồi cứ thế áp đặt theo kiểu bề trên chỉ xuống, bắt phải thuộc lòng và ghi nhớ đầy đủ để nói và viết theo, không được sai câu chữ.
Thầy phải là người bạn lớn, bình đẳng và cùng đồng hành với học sinh trong quá trình đi tìm chân lý.
Phụ huynh chọn mua sách tại cửa hàng của Tổng Công ty Phát hành sách Việt Nam. Ảnh: Báo Nhân Dân. |
Với đặc điểm của thời đại và xuất phát từ tình hình nước ta hiện nay, chương trình cần lưu ý cả những vấn đề mới như:
Toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kinh tế tri thức, kinh tế thị trường hiện đại và vấn đề khởi nghiệp của từng con người và của một quốc gia; hay vấn đề lớn hơn nữa là công cuộc đổi mới ở tầm văn hóa, tiếp cận cho được các giá trị văn hóa (trong) phát triển.
Chương trình là một công cụ sư phạm quan trọng nhất để người thầy dùng nó, thông qua nó, mà tác động vào học sinh nhằm phát triển năng lực của người học.
Công cụ (sư phạm) này khác với các công cụ lao động khác ở chỗ nó phải phù hợp, tùy thuộc vào đối tượng mà nó tác động, sao cho có thể đạt được hiệu quả cao nhất.
Các công cụ khác cũng không phải không có yêu cầu này, nhưng ít hơn, không ở mức độ cao như chương trình giáo dục, vì chương trình giáo dục tác động vào đối tượng con người – một đối tượng thật tinh vi, thật hiện đại và rất nhạy cảm.
Nếu công cụ tác động vào nó không phù hợp đối tượng thì chẳng những không có lợi gì, mà có khi còn hại lớn. Vì lẽ ấy mà bản thân tôi không nhất trí, không ủng hộ chủ trương cho nhập chương trình từ nước ngoài vào.
Nói như vậy không có nghĩa là không cần học hỏi cái hay của họ. Phải ra sức học hỏi thế giới, nhất là những nơi có nền giáo dục tiên tiến.
Nhưng học không đồng nghĩa với việc phải bỏ nhiều tiền ra để đi nhập khẩu chương trình của họ về dạy nguyên xi như vậy cho học sinh ta.
Chương trình ấy họ làm ra để tác động vào đối tượng là học sinh nước họ - một đối tượng khác học sinh của ta, nhất là về văn hóa.
Một công cụ được làm ra để tác động vào đối tượng này thì ta lại dùng để tác động vào một đối tượng khác, mà phải tốn nhiều ngoại tệ để đi mua.
Có lúc chúng ta đã tốn đến cả ngàn tỷ, mà phần nhiều là của ngân sách nhà nước.
Ta chỉ cần bỏ ra một ít tiền, mua sách tài liệu về đọc cho kỹ, xem thử tại sao họ làm như vậy, hiểu cho đúng bản chất và cơ sở khoa học, rồi ta tự làm ra chương trình của Việt Nam ta.
Tại sao không thể? Tại sao ta không đủ sức làm chương trình? Hãy tự làm đi, để dành số tiền nhập chương trình ấy đầu tư cho việc làm chương trình.
Đó cũng là cách đào tạo, để có một đội ngũ thầy cô giáo giỏi về làm chương trình, về khoa học giáo dục, cũng tức là tạo ra “thầy”- những cái “máy cái”, vừa lợi mặt này vừa hiệu quả mặt kia.
Trước đây, năm 1956 nước ta đã có chủ trương nhập chương trình và sách giáo khoa của Liên-Xô và Trung Quốc về để dạy cho học sinh Việt Nam.
Sau 4 năm thực hiện, năm 1960 thì thấy sai, năm 1961 phải có chủ trương cải cách mới về chương trình, trong đó có việc sửa sai vấn đề nhập chương trình.
Đối với phổ thông, tôi nhất trí theo cách, trước nhất phải có một chương trình tổng thể, tiếp theo sau đó là chương trình cụ thể cho từng cấp, từng môn học.
Cũng có thể không nhất thiết phải làm xong toàn bộ chương trình tổng thể rồi mới bắt tay làm chương trình cụ thể.
Làm như thế có thể sẽ rất chậm và không có thông tin từ đề án cụ thể để bổ sung ngược lại cho đề án tổng thể. Tuy nhiên, đề án tổng thể phải đi trước một bước để hình thành cái khung, cái sườn.
Kết thúc phổ thông cơ sở cần giải quyết cơ bản xong phần trang bị kiến thức phổ thông và biết cách tự học, tự tìm tư liệu, hướng đến tư duy độc lập. Biết cách tự học, tự tìm tư liệu và tư duy độc lập là một trong những yêu cầu quan trọng nhất về năng lực của học sinh.
Còn phổ thông trung học sẽ làm gì? Sau khi hệ thống hóa để củng cố kiến thức phổ thông và cũng là để nâng cao năng lực (tổng hợp, hệ thống, tóm tắt, trình bày…) thì tập trung chủ yếu cho việc tiếp cận nghề nghiệp, như:
Hướng dẫn cho học sinh có hiểu biết ban đầu về các loại nghề nghiệp phổ biến trong xã hội và các môn học liên quan đến ngành nghề ấy khi lên đại học, giúp các em có cơ sở định hướng nghề nghiệp trong tương lai để từ đó mà quyết định các môn học tự chọn theo hướng liên quan với nghề nghiệp mà các em dự định lựa chọn.
Các môn học ở trung học phổ thông cần tiến gần với nghề nghiệp, hạn chế dần số môn bắt buộc và mở rộng dần số môn tự chọn.
Sau một thời gian nhất định, nên chuyển tất cả các môn học sang tự chọn và thời gian học có thể ngắn hơn đối với học sinh giỏi, khi họ giải quyết xong khối lượng công việc cần hoàn thành của chương trình.