Từ thực tế, tại địa phương có nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số không có chỗ bán trong chợ, phải đi bán dạo, ngồi bán dọc đường, được sự ủng hộ, chỉ dẫn tận tình của nhà trường, các thầy cô giáo và mọi người dân nơi đây, các em học sinh Trường Trung học phổ thông Trường Chinh (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã lên kế hoạch xây dựng Khu vực bán hàng miễn phí dành cho người đồng bào Gia Rai trong chợ nhỏ trên đường Nguyễn Thái Học, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.
Công việc được khởi công từ đầu tháng 12, năm 2017 thì đến ngày 7/1/2018, khu vực chợ, có diện tích 60 m2, rộng 5m dài 12m đã xây dựng xong.
Cô Nguyễn Thị Huệ, Hiệu trưởng phấn khởi cho biết:
“Các em rất hồ hởi, tích cực, nhiệt tình tham gia các công đoạn của Dự án (Tôi yêu Chư Sê).
Hơn 1 tháng tổ chức thực hiện, các em trường tôi đã có nhiều trải nghiệm quý giá để củng cố, bồi dưỡng về kĩ năng sống, giá trị sống.
Từ đó, phát huy năng lực sáng tạo, biết yêu quý lao động và thích ứng với cuộc sống thực tiễn sau này.”
Các học sinh Trường Trung học phổ thông Trường Chinh (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) tham gia dự án. (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Anh Bùi Văn Chiến, một phụ huynh (thị trấn Chư Sê) từng có 2 con học ở ngôi trường này bày tỏ:
“Tôi và nhiều phụ huynh của huyện Chư Sê rất thích khi cho con em vào đây học tập và rèn luyện.
Vì ngoài việc dạy chữ, nhà trường, thầy cô còn rất quan tâm, chú trọng dạy đạo đức, lối sống cho học sinh, nhất là lối sống nhân ái, biết yêu thương, sẻ chia trong gia đình và ngoài xã hội.
Nhà trường đã có nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa dành cho học sinh như ngoại khóa, làm vườn rau thanh niên, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ hay dự án xây dựng chợ cho người đồng bào….”
Các học sinh Trường Trung học phổ thông Trường Chinh (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) tham gia dự án. (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Cô giáo Đinh Thị Phương Chi (tổ Ngữ văn) đã cho học sinh làm bài tập trải nghiệm: chụp ảnh “những cảnh đời cơ cực quanh em” sau khi dạy học xong các tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao, Thạch Lam...
Trong quá trình tìm hiểu về những cảnh đời cơ cực quanh em, các em thật sự xót xa, đồng cảm trước tình cảnh những người phụ nữ dân tộc thiểu số ngồi bán hàng ven đường ở khu chợ cũ.
Họ không có điều kiện thuê chỗ bán trong chợ nên phải ngồi ngoài đường, gây cản trở giao thông, phải hít khói bụi, thực phẩm bán cũng nhiễm khói bụi nên không an toàn.
Mặt khác, điều này còn gây mất mỹ quan đô thị của thị trấn.
Các em mong muốn họ có chỗ bán hàng văn minh, lịch sự trong chợ.
Được sự ủng hộ của Ban giám hiệu nhà trường, được sự hướng dẫn của cô giáo, các em đã liên hệ với chú Tám (quản lí chợ), chú Hải (chủ mảnh đất sát chợ đang để trống) và các chú đồng ý cho xây dựng khu vực bán hàng miễn phí.
Tiếp đó, các em học sinh đi bán hàng để lấy kinh phí, đi xin sự ủng hộ của các nhà hảo tâm đựợc 9 triệu đồng.
Khu vực bán hàng miễn phí dành cho người đồng bào Gia Rai được xây dựng trong chợ nhỏ trên đường Nguyễn Thái Học, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn như Vật liệu xây dựng Thanh Kiều, Vật liệu xây dựng Trúc Hoàng, Sắt thép Chí Thuận và nhiều đơn vị, cá nhân khác đã ủng hộ nhiệt tình.
Các em tham gia dự án đã trực tiếp đổ đất san mặt bằng, phụ hồ đổ nền, phụ làm khung sắt, lợp mái tôn.
Em N. T. T, học sinh lớp 12 tham gia dự án chia sẻ:
“Tuy có vất vả, mệt mỏi thật nhưng chúng em rất vui sướng và hãnh diện, vì làm được một việc có ích cho cộng đồng, bà con đồng bào nghèo quê mình.
Theo kế hoạch, từ giữa tháng 01 năm 2018 đến tháng 4 năm 2018, chúng em sẽ phân công nhau hướng dẫn các mẹ, các chị biết cách bán hàng …”
Có lẽ, sau 3 năm học, rời mái trường này, các em trực tiếp tham gia dự án trên, khó có thể nào quên được những hình ảnh, kỷ niệm đáng nhớ… của một thời học trò.
Đồng thời, qua những hoạt động trải nghiệm thú vị ấy, các em sẽ biết đoàn kết, yêu thương cuộc sống mình đang có, hiếu thảo với cha mẹ, biết quan tâm đến cộng đồng nhiều hơn, góp phần giảm dần hành vi tiêu cực, bạo lực, tránh xa lối sống ích kỉ, thực dụng đang tồn tại trong một số bạn trẻ hiện nay.
Đây là một dự án thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, rất đáng được cổ vũ và nhân rộng ở nhà trường phổ thông cả nước.