Một tiết học tích hợp Hóa – Sinh của học sinh lớp 9, trường PTCS Thực Nghiệm Hà Nội gây chú ý bởi các bài tham luận chỉ ra được thành phần, cơ chế tác động lên cây trồng của phân bón hóa học. Buổi học này các học sinh phải thay nhau trình bày tính chất và thành phần các loại phân hóa học giúp cho cây sinh trưởng như thế nào, chương trình nhà trường này theo nhận xét đã giải quyết được khá cơ bản sự cứng nhắc trong dạy và học trước đây.
Xóa bỏ những nội dung trùng lặp
Chương trình nhà trường thực chất là mềm hóa chương trình quốc gia, hiện chương trình này đang được áp dụng thí điểm ở một số trường phổ thông. Tại Hà Nội, trường phổ thông Thực Nghiệm (thuộc Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) đang triển khai chương trình và bước đầu tạo ra nhiều đổi mới trong cách dạy và học.
Đối với trường PTCS Thực Nghiệm, trong việc thí điểm chương trình này sẽ bắt đầu điều chỉnh cấu trúc nội dung dạy học và xây dựng kế hoạch giáo dục mới cho giáo viên, cho từng môn học. Theo lãnh đạo nhà trường, kết quả của nhiệm vụ này là rà soát lại nội dung chương trình SGK, là cơ sở cho việc điều chỉnh, cấu trúc sắp xếp lại nội dung dạy học.
Một tiết học tích hợp Hóa -Sinh của học sinh lớp 9 Trường PTCS Thực Nghiệm Hà Nội. Ảnh Xuân Trung |
Rà soát SGK nhằm điều chỉnh những nội dung quá sức đối với học sinh hoặc cắt bỏ những nội dung trùng lặp ngoài chuẩn kiến thức, kĩ năng. Bên cạnh đó chương trình giáo dục này sẽ tăng cường trao quyền chủ động cho giáo viên, giáo viên có thể tổng hợp trao đổi giữa các nhóm với nhau, có thể đi đến thống nhất như thay đổi cập nhật thông tin mới trong SGK, có quyền lựa chọn nội dung, chủ đề tích hợp (theo nội môn hoặc liên môn). Tuy nhiên, kết quả rà soát còn phụ thuộc vào nhiều khả năng của từng giáo viên.
Chứng kiến một tiết học tích hợp của học sinh lớp 9, trường PTCS Thực Nghiệm chúng tôi nhận thấy chương trình nhà trường có khả năng mềm hóa các chương trình học trước đây. Cụ thể, học sinh và giáo viên chủ động xây dựng chương trình, và tự do sáng tạo theo chủ đề bài học tích hợp, tất nhiên sáng tạo trong nội dung chương trình học.
Giáo viên chủ động xây dụng chủ đề tích hợp, có thể phát triển theo các hướng: Chủ đề liên môn Hóa – Sinh lớp 9, chủ đề liên môn Sinh – Giáo dục công dân và giáo dục giới tính lớp 8: Giáo dục giới tính và xây dựng tình bạn trong sáng. Chủ đề liên môn Sử - Địa lớp 9, bên cạnh đó còn có chủ đề lồng ghép giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh vào môn Văn lớp 8...
Khi áp dụng chương trình nhà trường này vào dạy học sẽ thực hiện lại khâu kiểm tra đánh giá học sinh, có thể đánh giá lớp 1 không bằng hình thức cho điểm, lựa chọn đánh giá theo chủ đề liên môn, sử dụng các phiếu đánh giá và tự đánh giá cho học sinh, nhóm học sinh và giáo viên. Đánh giá hạnh kiểm của học sinh bằng cách kết hợp theo dõi của giáo viên chủ nhiệm và đánh giá của môn giáo dục công dân.
Ở chương trình nhà trường này, đối với hệ THPT mà trường THPT Thực Nghiệm đang thí điểm có thể nhận thấy việc sắp xếp nội dung dạy học của từng môn học, một số nội dung trong môn học đã được chuyển sang thành một số hoạt động, các câu lạc bộ. Các chủ đề tích hợp, liên môn dẫn dắt học sinh đến với thực tế cuộc sống hơn, những sự vật diễn ra xung quanh các em là yếu tố không tách rời chủ đề tích hợp. Ví như Văn học , văn hóa và cuộc sống, chủ đề môi trường với rác thải, chủ đề năng lượng tái tạo...
Chương trình nhà trường chống lại chương trình cứng nhắc?
Đây là khẳng định của lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) khi trả lời báo Giáo dục Việt Nam. Cụ thể, PGS. TS Đỗ Ngọc Thống – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết, chương trình nhà trường thực chất là mềm hóa chương trình quốc gia, vì đất nước ta có nhiều vùng, nhiều địa phương với nhiều đặc điểm rất khác nhau.
Lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học cũng cho biết, đối với thế giới đã vận dụng chương trình quốc gia rất linh hoạt có ba cấp chính (từ chương trình quốc gia, bang và chương trình nhà trường), chỉ có chương trình nhà trường mới sát hợp nhất đối với đối tượng giáo dục của trường đó, từ đối tượng, cơ sở vật chất, năng lực giáo viên, thiết bị..., vậy chương trình nhà trường là kế hoạch tốt nhất để thực hiện chương trình linh hoạt.
“Ở ta triển khai có hơi chậm nhưng trong thực tế nhiều trường đã vận dụng. Trước mắt để rút kinh nghiệm khi thực hiện thì Bộ đang cho triển khai ở 8 trường: Trường thực hành Sư phạm Thái Nguyên, trường vùng cao Việt Bắc, trường thực hành Nguyễn Tất Thành (Đại học Sư phạm Hà Nội), khối chuyên Đại học Sư phạm Vinh, trường Lê Viết Thuật (Nghệ An), trường thực hành Sư phạm (Đại học Sư phạm Tp. HCM), trường thực hành (Đại học Sư phạm Cần Thơ). Trước hết để có quan điểm chỉ đạo và gắn với sư phạm thì có hai mục đích đặt ra: Một là, đưa các trường đại học sư phạm vào cuộc sớm để họ nắm được những thay đổi trong giáo dục có hướng chuyển biến trong quá trình đào tạo. Hai là, các trường sư phạm có đội ngũ chuyên gia giúp tư vấn cho các trường phổ thông về khoa học cơ bản cho chính xác hơn” PGS. Đỗ Ngọc Thống thông tin.
Điểm nổi bật nhất đối với Chương trình nhà trường là trao quyền tự chủ cho người giáo viên, tổ chuyên môn để làm thế nào đạt được mục tiêu giáo dục để có hiệu quả cao. “Chương trình nhà trường chống lại những cái cứng nhắc, làm mềm hóa chương trình quốc gia nhưng vẫn đạt được mục tiêu giáo dục chung. Vì chương trình nhà trường không thể thoát khỏi mục tiêu giáo dục mà phải bám sát chuẩn chương trình. Chương trình nhà trường để giáo viên tự chủ trong phương pháp, người giáo viên từ đó phát huy được tất cả năng lực sáng tạo” lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học khẳng định.
Tuy nhiên, có một số quan điểm cho rằng, trong Chương trình nhà trường này, cụ thể là các chủ đề dạy tích hợp, liên môn, phương pháp tích hợp không hề giảm tải mà kiến thức vẫn vậy, học sinh phải tiếp nhận nhiều kiến thức hơn trong khoảng thời gian như trước, nếu phương pháp không mới, truyền thụ không hay thì chương trình sẽ thành quá tải và học sinh khó tiếp nhận kiến thức.
Xuân Trung