Thay vì chi tiền cho cán bộ đi học, Hà Nội cần sao không tuyển dụng luôn TS?

05/07/2022 06:38
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu chúng ta cứ quan trọng cán bộ quản lý phải là thạc sĩ, tiến sĩ, thì không đúng thực tế, duy học vị, tiến tới hành chính hóa học vị.

Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030" thời gian qua thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Có ý kiến cho rằng, thay vì chi tiền ngân sách cử cán bộ công chức, viên chức đi học thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước, Hà Nội không tuyển luôn người đáp ứng yêu cầu trình độ chuyên môn phù hợp vị trí tuyển sẽ thuận lợi hơn. Việc tuyển người có trình độ đáp ứng yêu cầu đề án sẽ giúp có người làm việc được ngay, giúp tiết kiệm ngân sách và thời gian.

Trao đổi về đề xuất trên, Phó Giáo sư Lê Đức Ngọc (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, việc tuyển trực tiếp nhân lực từ bên ngoài đáp ứng các yêu cầu nhân lực của đề án cũng có điểm bất lợi.

Phương án này thiếu chủ động vì không phải lúc nào cũng có ứng viên phù hợp cho vị trí cần tuyển, không chỉ chuyên môn mà cả các phẩm chất đáp ứng công việc được giao.

"Theo tôi Hà Nội đào tạo sau đại học cho các cán bộ theo vị trí việc làm còn thể hiện trách nhiệm bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ của mình. Vừa hợp tình, vừa hợp lý", Phó Giáo sư Ngọc cho hay.

Phó Giáo sư Ngọc chia sẻ thêm, khi có cán bộ trình độ tiến sĩ, cán bộ sẽ có cả ứng dụng thực tế và làm nghiên cứu trong quá trình quản lý. Đó là nghiên cứu kết hợp giữa khoa học và thực tiễn để giải quyết những vấn đề luôn thay đổi.

Phó Giáo sư Lê Đức Ngọc cho rằng, việc tuyển dụng thạc sĩ, tiến sĩ từ bên ngoài sẽ thiếu sự chủ động. (Ảnh: NVCC)

Phó Giáo sư Lê Đức Ngọc cho rằng, việc tuyển dụng thạc sĩ, tiến sĩ từ bên ngoài sẽ thiếu sự chủ động. (Ảnh: NVCC)

Theo Phó Giáo sư Lê Đức Ngọc, cán bộ được cử đi học khi làm nghiên cứu sẽ có cơ sở khoa học đề xuất ra những chủ trương, chính sách và giải pháp, nhờ đó giải quyết vấn đề trong quản lý có hiệu quả.

Thực tế cho thấy rất nhiều việc do quản lý không nghiên cứu đến nơi đến chốn, làm theo kinh nghiệm. Trong khi đó, kinh nghiệm rút ra từ thời cũ nên giải quyết vấn đề không thấu đáo, không phù hợp với thời đại, phải điều chỉnh, sửa chữa tốn kém khôn lường.

"Tốn kém ấy còn gấp nhiều lần tiền đào tạo ra tiến sĩ để nghiên cứu đề ra giải pháp đúng đắn, hiệu quả", Phó Giáo sư Lê Đức Ngọc nêu quan điểm

Trái ngược với quan điểm của Phó giáo sư Lê Đức Ngọc, ông Tạ Bá Hưng (nguyên Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, cán bộ, công chức, viên chức không nhất thiết phải là thạc sĩ, tiến sĩ, chúng ta cũng có thể tuyển dụng những người có năng lực, sở trường về quản lý tổng hợp.

Điều này có thể giúp rút ngắn được thời gian và tiền bạc. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất trong quy hoạch cán bộ hay tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, không phải dựa vào học hàm học vị, bởi nó chỉ là một tiêu chí nhỏ.

"Đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, theo tôi, Hà Nội không nhất thiết phải đào tạo những công chức, viên chức có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, mà có thể tuyển dụng ngay những người đang làm cho doanh nghiệp, công ty ở Hà Nội, thậm chí là mời những chuyên gia nước ngoài về làm việc.

Nếu chúng ta cứ quan trọng cán bộ quản lý phải là thạc sĩ, tiến sĩ, thì không đúng thực tế, duy học vị, tiến tới hành chính hóa học vị.

Đối với những trường học, học viện mới cần học vị, vì họ tạo ra cơ chế để tự học và đào tạo", ông Hưng chia sẻ.

Theo nguyên Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và Công nghệ Quốc gia, việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Hà Nội, cần phải thực hiện đa dạng và tiếp cận đồng bộ, có hệ thống.

Theo đó, cần phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quản lý mang tính chất tổng hợp chứ không phải chỉ chuyên môn cụ thể. Bởi lẽ, để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững, cán bộ phải có cái nhìn tổng thể trước mắt và lâu dài, chứ không đơn giản là vấn đề lợi ích trước mắt.

Ví dụ như việc quy hoạch đô thị của Hà Nội, chúng ta làm thực sự chưa khoa học, nên tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng... vẫn là bài toán nan giải bấy lâu nay của thành phố.

Mở rộng vấn đề, ông Hưng cho hay, đối với việc đào tạo cán bộ cấp địa phương, Hà Nội cần phải xây dựng hệ thống và tổng hợp.

Ví dụ, cán bộ phải có tư duy của người lãnh đạo thời hiện đại, tư duy tổng quát thậm chí toàn cầu, khi hành động phải làm cụ thể từ việc nhỏ đến việc lớn và có kết quả tác động rõ ràng. Trên thực tế, có rất nhiều người nói thì hay nhưng làm không hiệu quả.

Tiếp đó là khả năng vận động quần chúng và sâu sát quần chúng, chứ không phải áp đặt. Cán bộ cần phải có ý thức làm gương mới dẫn dắt và chỉ đạo người khác làm theo mình.

Theo bà Lê Thị Khánh Vân (nguyên Phó Tổng cục trưởng Cục Thông tin khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ), cán bộ, công chức, viên chức chỉ cần đào tạo thạc sĩ, còn sau đó để họ tự lấy học bổng của của nước ngoài mới có ý nghĩa, phù hợp với thực tế của chúng ta hiện nay.

"Cán bộ, công chức, viên chức chỉ cần trình độ thạc sĩ là đủ. Không đào tạo tiến sĩ, chúng ta có thể dành số tiền đó cho các em học sinh nghèo hay xây dựng trường học thì hợp lí hơn", vị này chia sẻ.

Mạnh Đoàn