Thí sinh cần lưu ý điều gì để làm tốt bài thi tốt nghiệp môn Tiếng Anh?

19/06/2024 08:51
Minh Quân
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Đặt mục tiêu rõ ràng, phân phối thời gian hợp lý và làm quen với các thao tác trong phòng thi là những cách để thí sinh đạt kết quả tốt với môn Tiếng Anh.

Bên cạnh Ngữ văn và Toán, Tiếng Anh là một trong ba môn thi bắt buộc của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Môn học này cũng nằm trong tổ hợp môn xét tuyển của các khối A01 (Toán, Văn, Tiếng Anh); D01 (Toán, Vật Lý, Tiếng Anh); D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh); D08 (Toán, Sinh học, Tiếng Anh);... Chính vì vậy, phương pháp làm bài thi Tiếng Anh hiệu quả để đạt điểm cao là điều nhiều thí sinh quan tâm.

Cần xác định rõ mục tiêu điểm số

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lại Thị Phương Thảo, Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông chuyên Ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Trong những ngày cuối cùng trước kỳ thi, các thí sinh không nên ôn dàn trải toàn bộ chương trình học vì không đủ thời gian cho việc này nữa. Thay vào đó, các bạn nên ôn tập mảng nội dung kiến thức theo định dạng đề thi tham khảo môn Tiếng Anh năm 2024 và xác định cho mình mức điểm cần đạt.

Cô Lại Thị Phương Thảo.jpg
Tiến sĩ Lại Thị Phương Thảo, Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông chuyên Ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC

Nếu chỉ cần đạt ở mức 5 điểm, các em có thể tập trung làm những phần thi dễ hơn như phát âm, trọng âm (4 câu); tình huống giao tiếp (2 câu); đa số các câu trong phần trắc nghiệm hoàn thành câu (10 câu); bài đọc hiểu ngắn hơn (5 câu hỏi) và từ, cụm từ đồng nghĩa, trái nghĩa (4 câu).

Với thí sinh đặt mục tiêu đạt từ 6 đến 7 điểm, các em nên tập trung vào các dạng bài khó hơn một chút như sửa lỗi sai (3 câu); viết lại câu (3 câu); kết hợp câu (2 câu); trắc nghiệm hoàn thành đoạn văn (5 câu).

Các bạn mong muốn đạt từ điểm 8 trở lên cần tập trung cao đối với những câu dễ nhầm và gây nhiều khó khăn nhất như bài đọc hiểu dài (8 câu) và phần trắc nghiệm hoàn thành câu (4 câu).”

Đồng quan điểm, Thạc sĩ Trần Đình Lâm Anh, giảng viên Học viện Hàng không Việt Nam, đồng thời cũng là giáo viên ôn thi môn Tiếng Anh tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Đây không phải là thời điểm để các bạn học sinh nhồi nhét những kiến thức mới. Thay vào đó, các bạn cần dành thời gian xem lại những gì mình đã học và làm. Ví dụ bạn đã giải được 20 đề thi thử, vậy cần phải xem lại trong 20 đề đó mình đã làm tốt và chưa tốt phần nào để khoanh vùng mảng kiến thức còn đang hổng.

Cô Lâm Anh.jpg
Thạc sĩ Trần Đình Lâm Anh (váy hồng) cùng các bạn sinh viên. Ảnh: NVCC

Bài thi môn Tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông luôn được xây dựng theo một ma trận nhất định đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Các bạn nên dành thời gian tham khảo ma trận cấu trúc đề thi này để có kế hoạch ôn thi và làm bài hiệu quả nhất.”

Cô Lâm Anh nói thêm: “Theo đề tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 60% lượng câu hỏi thuộc dạng nhận biết, thông hiểu. Điều đó có nghĩa là khi thí sinh có kiến thức cơ bản về ngữ pháp và từ vựng, các bạn có thể đạt mức điểm từ trung bình trở lên.

Thí sinh nên tập trung ôn một số chủ điểm ngữ pháp quan trọng như thì; câu điều kiện; mệnh đề quan hệ; câu bị động; từ vựng trong sách giáo khoa. Về ngữ âm, các bạn cũng cần xem lại cách phát âm nguyên âm đơn, nguyên âm đôi; cách phát âm đuôi “-s”, “-es”, “-ed” và trọng âm 2, 3 âm tiết. Nếu nắm vững phần ngữ pháp và từ vựng đơn giản này, khả năng các bạn đạt được mức 6-7 điểm là rất cao.

Phân phối thời gian hợp lý

Theo các thầy cô, để đạt được kết quả như ý môn Tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, cùng với kiến thức đã tích lũy suốt năm học qua, thí sinh cần nắm rõ cách phân phối thời gian hợp lý và các thao tác trong phòng thi.

Đề minh họa môn tiếng Anh 2024.jpg
Đề thi tham khảo môn tiếng Anh.

Nói về vấn đề này, cô Lâm Anh chia sẻ: “Hai phần khó nhất trong đề thi là đọc hiểu và đọc điền từ. Đây là dạng bài phân loại học sinh vì đòi hỏi sử dụng nhiều kiến thức về từ vựng, phân tích tư duy và suy luận sâu để giải quyết câu hỏi. Các bạn chỉ nên dành tối đa 15 đến 20 phút cho mỗi phần. Nếu vượt qua thời gian đó, thí sinh nên cân nhắc làm các câu hỏi khác.

Nếu có câu nào chưa chắc chắn, các bạn cần đánh dấu rồi quay lại làm sau để tránh mất thời gian. Khi đã hoàn thành hết những phần dễ với mình, các bạn sẽ thoải mái và tỉnh táo hơn để tư duy logic vì số câu hỏi còn lại không nhiều".

Đối với các bạn đặt mục tiêu 9 đến 10 điểm, điều cần lưu tâm nhất là phải thực sự kiên nhẫn và cẩn thận. Mặc dù có kiến thức và kỹ năng làm bài tốt, các bạn học sinh giỏi thường dễ chủ quan, không đọc hết câu hỏi hoặc đọc không kỹ các đáp án nên có thể mất điểm đáng tiếc từ 2 đến 3 câu.

Em Lê Doãn Thọ, cựu học sinh trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Tất Thành, là thủ khoa khối A01 tỉnh Kon Tum kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 với 9.2 điểm môn Tiếng Anh.

Doãn Thọ cho biết: “Khi đi thi môn Tiếng Anh, em làm các câu hỏi từ dễ đến khó và làm những dạng bài mình có thế mạnh để đạt được điểm tối đa. Với bài đọc, để không mất nhiều thời gian, em đã đã dựa vào keyword của câu hỏi như “Who”, “What”, “How”,... để xác định nội dung cần trả lời rồi mới tìm kiếm thông tin trong bài đọc để đối chiếu với các đáp án được đưa ra.

Bạn Lê Doãn Thọ.jpg
Em Lê Doãn Thọ là thủ khoa khối A01 tỉnh Kon Tum trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023. Ảnh: NVCC

Bên cạnh kỹ năng làm bài, cô Lại Thị Phương Thảo còn lưu ý các thí sinh về những thao tác trong phòng thi: “Thông thường ở mỗi kỳ thi, khi nhận được đề từ giám thị, các em cần dành thời gian cho phép để kiểm tra đề, tô và ghi mã đề. Nếu có vấn đề gì về đề thi như bị mờ, rách, thiếu trang,… các em báo với giám thị để được đổi đề. Sau đó dùng bút mực để ghi mã đề và bút chì để tô mã đề.

Sau khi xong thao tác này, các em sẽ phải úp đề xuống, đợi hiệu lệnh mới được làm bài. Các em không nên tranh thủ thời gian này để làm bài, tránh vi phạm quy chế thi. Thời gian 60 phút để làm bài thi được đảm bảo đủ, và không bao gồm khoảng thời gian kiểm tra đề này.

Khi bắt đầu tính giờ làm bài, các em có thể dành từ 1 đến 2 phút ban đầu đọc hết các câu hỏi một lượt, lựa chọn những phần dễ để làm trước. Tiếp sau, các em hãy phân phối thời gian nhiều hơn (khoảng từ 45 giây đến 1 phút) cho các dạng bài khó hơn một chút. Phần cuối cùng là những câu dễ nhầm và gây nhiều khó khăn nhất, các em có thể dành 15 đến 20 phút. Theo quy tắc trên, các em sẽ dư khoảng từ 5 đến 10 phút để soát lại một lượt xem mình có tô lệch hay bỏ sót câu nào khi làm bài không.”

Cô Thảo nói thêm: “Tốt nhất khi xong mỗi câu, các em nên tô luôn vào phiếu trả lời, hoặc khoảng 5 câu tô một lần. Tránh tình trạng khi xong cả đề mới tô hết cả 50 câu, vì làm vậy dễ dẫn đến tình trạng tô nhầm, tô lệch. Hoặc tệ hơn là các em sẽ không kịp tô hết cả 50 câu khi hết giờ làm bài do quá chăm chú suy nghĩ.

Trong đề thi môn Tiếng Anh, với những cấu trúc từ vựng, ngữ pháp chưa được học, các em có khả năng sẽ không làm được dù có dành thời gian cho câu hỏi nhiều đến đâu (ngoại trừ bài đọc hiểu vì vẫn có thể tìm ra đáp án nếu đọc kỹ), vậy nên nếu gặp câu khó, hãy đánh dấu lại để nghĩ sau và chuyển sang câu khác làm tiếp.

Khoảng thời gian cuối bài thi, thí sinh nhớ kiểm tra xem mình có bỏ sót câu nào không. Khi còn thời gian, các em không nên bỏ qua bất cứ câu hỏi nào với bài thi trắc nghiệm như môn Tiếng Anh”

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 sẽ được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28, 29/6/2024. Trong đó:

- Ngày 26/6/2024: làm thủ tục dự thi;

- Ngày 27, 28/6/2024: tổ chức coi thi;

- Ngày 29/6/2024: Ngày thi dự phòng.

Môn Tiếng Anh được tổ chức thi vào buổi chiều ngày 28/6 trong 60 phút, bắt đầu tính giờ làm bài từ 14 giờ 30 phút.

Minh Quân