LTS: Công tác tuyển sinh năm 2017 có nhiều điểm mới, đặc biệt sau khi công bố kết quả thi trung học phổ thông cũng như điểm sàn cao hơn hẳn ba năm vừa qua.
Nhiều phụ huynh và học sinh tỏ ra hết sức lo lắng trước quyết định điều chỉnh nguyện vọng trong các ngày từ 15-24/7.
Từng có nhiều năm làm công tác tuyển sinh, Phó Giáo sư Võ Văn Minh – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng (Đại học Đà Nẵng) đã có những chia sẻ với thí sinh về việc điều chỉnh nguyện vọng.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Trường tốp giữa ít biến động
Phóng viên: Thầy có nhận định gì vì công tác tuyển sinh Đại học, cao đẳng trong năm nay?
Phó Giáo sư Võ Văn Minh: Đúng là năm nay, kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia có số lượng điểm 10 rất cao.
Vừa rồi, Bộ cũng công bố điểm sàn là 15,5 điểm cho tất cả các tổ hợp xét tuyển, đây cũng là ngưỡng cao nhất trong 13 năm qua.
Kết quả này sẽ có ảnh hưởng đến điểm chuẩn của các trường Đại học tốp đầu. Tuy nhiên, số lượng này không nhiều.
Trong khi đó phổ điểm trung bình vẫn nhiều và phân bố đều nên các trường trung bình (tốp giữa) không có sự biến động đáng kể.
Theo tôi, thông tin tuyển sinh của tất cả các trường đã được công bố công khai cụ thể trên mạng, nên phụ huynh và học sinh theo dõi lựa chọn điều chỉnh nguyện vọng, đừng quá lo lắng.
Nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng điều chỉnh nguyện vọng vào các trường đại học. Ảnh: TT |
Theo thầy, năm nay, dự kiến điếm xét tuyển vào Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng có biến động gì không so với các năm trước?
Phó Giáo sư Võ Văn Minh: Theo phân tích dự báo của anh em chuyên môn đều có chung nhận định, năm nay điểm xét tuyển vào Trường sẽ không có biến động nhiều so với mọi năm.
Dự kiến, các ngành sư phạm chỉ dao động trên điểm sản từ 1-2 điểm, còn các ngành cử nhân khoa học kết quả cũng chỉ từ điểm sàn (15,5 điểm) trở lên.
Nên sắp xếp nguyện vọng theo bậc thang
Là người có kinh nghiệm nhiều năm làm công tác tuyển sinh, thầy có lời khuyên gì cho thí sinh trước việc có điều chỉnh hay không điều chỉnh nguyện vọng trong những ngày sắp tới?
Phó Giáo sư Võ Văn Minh: Trước hết, tôi cũng xin khẳng định lại rằng, các em nên cân nhắc kỹ những mong muốn nghề nghiệp, năng lực sở trường, kết quả thi trung học phổ thông vừa rồi, cũng như tham khảo điểm chuẩn của các trường qua các năm để quyết định.
Nhiều trường đại học ở miền Trung công bố điểm xét tuyển từ 15,5 điểm trở lên(GDVN) - Mặc dù công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển ngang điểm sàn trở lên nhưng vẫn tùy thuộc vào nhiều ngành khác nhau, có số điểm cao hơn. |
Quyền thay đổi là quyền của các em đã được Bộ cân nhắc đưa vào trong năm nay. Theo kinh nghiệm của tôi thì các em nên sắp xếp nguyện vọng theo bậc thang.
Ví dụ, em mong muốn làm giáo viên ngành Toán thì có thể chọn 3 trường theo mức điểm chuẩn từ cao (nguyện vọng 1) xuống thấp dần đến nguyện vọng 3.
Với trường Đại học Sư phạm, nếu em muốn làm giáo viên Toán, các em có thể chọn nguyện vọng 1 là sư phạm Toán, nguyện vọng 2 là cử nhân Toán ứng dụng.
Nếu em không đỗ sư phạm, các em sẽ học cử nhân Toán ứng dụng và sau đó đăng ký học chương trình 2 là sư phạm toán.
Khi ra trường em có thể đi dạy hoặc đi làm trong lĩnh vực kinh tế hoặc tin học. Tương tự, đối với các ngành cử nhân khoa học khác như: Tin, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa,
Qua nhiều năm làm công tác quản lý đào tạo vào giảng dạy, tôi nhận thấy rằng: điểm đầu vào không có tính quyết định đáng kể đối với chất lượng đầu ra. Vấn đề hết sức quan trọng là thái độ học tập của các em.
Nếu các em yêu thích hoặc xác định trách nhiệm bản thân đối với ngành học, các em sẽ có kết quả học tập tốt và ra trường đều có việc làm như mong muốn.
Ngược lại, các em có kết quả đầu vào cao, nhưng lơ là, không đầu tư học, nghiên cứu, thực tập nghề, thì cũng chẳng có kết quả gì tốt đẹp cho tương lai.
Hiện nay, ngành giáo dục có chủ trương đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học của các trường Đại, Cao đẳng trên toàn quốc, thầy có thể cho biết sự khác nhau giữa các trường đã được kiểm định và công bố đảm bảo chất lượng giáo dục với với các trường chưa kiểm định? Lợi ích của người học ở các trường này như thế nào?
Phó Giáo sư Võ Văn Minh: Chúng ta biết trong xu thế hội nhập quốc tế, việc kiểm định chất lượng đào tạo là hết sức cần thiết.
Ở các nước phát triển, thị trường đào tạo Đại học rất đa dạng nhưng xã hội chỉ công nhận bằng cấp của các trường Đại học đã được kiểm định.
Việt Nam đang trên đà hội nhập quốc tế, chắc chắn rồi cũng sẽ như vậy. Hiện nay, có thể nhiều trường Đại học chưa chuẩn bị hoặc chưa sẵn sàng cho công tác kiểm định và người học chưa thực sự quan tâm.
Tuy nhiên, trong những năm tới, khi hội nhập sâu rộng với thị trường lao động quốc tế, sinh viên đã tốt nghiệp từ các trường Đại học được kiểm định sẽ có nhiều cơ hội cạnh tranh hơn.
Ngoài ra, sinh viên học ở các trường đã được kiểm định và công bố đảm bảo chất lượng chắc chắn cũng sẽ hưởng được chất lượng đào tạo, chất lượng phục vụ tốt hơn. Vì đấy là những tiêu chỉ quan trọng trong đánh giá chất lượng của nhà trường.
Xin trân trọng cảm ơn thầy !