Tính đến thời điểm hiện tại (20/7) vẫn đang trong thời gian thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tuy nhiên khi nhiều trường đại học tốp trên thông báo ngưỡng điểm xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở mức 15,5 khiến thí sinh loay hoay trong điều chỉnh nguyện vọng.
Cụ thể, năm nay hàng loạt trường đại học tốp trên như Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Thái Bình, Đại học Y Khoa Vinh, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Hà Nội... thông báo nhận hồ sơ xét tuyển từ 15,5 bằng điểm sàn của Bộ, trong khi đó, các năm trước điểm chuẩn vào các trường này đều trên 20 điểm.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, thí sinh không nên vội mừng với mức điểm đó mà hết sức cẩn trọng.
Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, việc hàng loạt trường đại học top trên thông báo nhận hồ sơ xét tuyển từ 15,5, bằng điểm điểm sàn của Bộ, trong khi những năm trước điểm chuẩn vào các trường này đều cao (trên 20 điểm) thì đây gọi là “lấn sân” đối với các trường tốp dưới.
Chuyên gia khuyên thí sinh không nên vội mừng khi nhiều trường đại học tốp trên thông báo ngưỡng điểm xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ảnh: Thùy Linh) |
Phân tích về kỳ thi “3 chung”, Giáo sư Thiệp cho biết: “3 chung” có ưu điểm và nhược điểm lớn. Ưu điểm lớn là tạo sự công bằng, bình đẳng trong tuyển sinh.
Bởi vì một học sinh nghèo ở tận tỉnh Cà Mau muốn vào Đại học Quốc gia Hà Nội học thì em học sinh đó chỉ cần đến 1 trường đại học nào đó ở gần nơi ở dự thi là được.
Ngược lại kỳ thi “3 chung” có nhược điểm quy định điểm sàn là không đúng. Do vậy, ông Thiệp cho rằng, khi các trường đã được tự chủ trong tuyển sinh thì đáng lẽ Bộ không nên quy định điểm sàn cho tất cả các trường.
Bởi có nhiều loại trường đại học, đào tạo nhiều loại nhân lực khác nhau, thì yêu cầu đầu vào khác nhau. Nếu muốn tuyển chất lượng thế nào, các trường tự quy định điều kiện.
Giáo sư Thiệp đề nghị: Thứ nhất, bỏ điểm sàn, bỏ khối ngành để các trường sử dụng điểm của kỳ thi chung của bộ và sử dụng điểm của các trường đại học khác nếu mà mình tín nhiệm; tùy theo môn để lấy hệ số thế nào để tuyển sinh theo kiểu của mình chứ bộ không nên quy định điểm sàn và cấm sử dụng kết quả khác hoặc cấm sử dụng kỳ thi của Bộ.
Thứ hai, lấy chuẩn tốt nghiệp trung học phổ thông để vào đại học. Còn trường đại học chọn chuẩn cao hơn cho trường mình thì sử dụng cao hơn như biện pháp dùng số thí sinh dự kỳ thi của bộ để sơ tuyển chọn thí sinh vào trường mình.
Trước đó, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) từng nêu giải pháp để về tình trạng “vơ bèo vớt bọt” trong xét tuyển rằng, Bộ phải định ra điểm sàn chỉ cho các trường top trên, trường đẳng cấp như các nước tiên tiến đang làm bởi thực tế tại Việt Nam có hệ thống các trường trọng điểm quốc gia, song các trường này vẫn “tận thu” tuyển sinh cả hệ cao đẳng, trung cấp một cách lộn xộn, vơ vét, tuyển sinh lấn sân sang thí sinh của các trường top dưới.
Thí sinh đừng nên chỉ nhìn vào điểm nhận hồ sơ mà “liều”
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho rằng, các trường tốp trên không đặt ra ngưỡng điểm nhận hồ sơ cao vì có thể đối với họ điểm đầu vào không quan trọng, bên cạnh đó, có thể họ lo ngại nếu nâng điểm xét tuyển nộp hồ sơ lên thí sinh điều chỉnh nhiều.
Tuy nhiên, ông Chung lưu ý với các thí sinh, điểm thi năm nay cao hơn năm trước, do đó, thí sinh không nên chủ quan và nên đặt thêm nguyện vọng ở các trường hàng năm có mức điểm chuẩn thấp hơn mức điểm hiện có của mình thì mới có khả năng đỗ.
Phó Hiệu Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng khuyên thí sinh nên đặt thêm nguyện vọng ở các trường hàng năm có mức điểm chuẩn thấp hơn mức điểm hiện có của mình thì mới có khả năng đỗ. (Ảnh: Công Luân) |
"Năm nay, thí sinh chỉ có 1 lần duy nhất được điều chỉnh nguyện vọng trong khi nhiều trường có chương trình đào tạo chất lượng cao, do đó, các em không nên nhìn vào điểm nhận hồ sơ mà phải căn cứ vào điểm chuẩn năm trước trường đó đã tuyển, nghiên cứu thật kỹ về chỉ tiêu các ngành, bề dày, quá trình hoạt động từ khi thành lập đến nay của các trường.
Chứ không phải thấy điểm thi của mình năm nay cao mà cứ đăng ký vào trường tốp đầu thì sẽ dễ trượt" – ông Chung khuyên thí sinh.
Và ông Chung cũng cho rằng các trường top dưới cũng không nên quá lo lắng bởi năm nay ngoài xét tuyển theo điểm thi, các trường có thể kết hợp theo học bạ và sẽ có các đợt tuyển sinh bổ sung, các trường được phép tuyển sinh nhiều đợt trong năm.
Phó Hiệu Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng thông tin, năm nay Nhà trường xét tuyển 15,5 điểm cho các ngành. Riêng ngành Dược xét tuyển 18 điểm và Răng -Hàm - Mặt xét tuyển 21 điểm.
Khối ngành năng khiếu (mỹ thuật và kiến trúc) điểm môn năng khiếu nhân 2, xét tuyển từ 20 điểm trở lên. Trường xét học bạ 18 điểm trở lên các ngành, trừ ngành Dược (19 điểm). Ngành Răng - Hàm - Mặt không xét học bạ.
Được biết, theo quy chế, phương án xét tuyển năm 2017 cho phép thí sinh đăng ký không hạn chế số nguyện vọng, nhưng phải xếp sắp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống và trường hợp thí sinh đủ điểm để trúng tuyển vào nhiều nguyện vọng, cũng chỉ được quyền vào học ngành có nguyện vọng với thứ tự ưu tiên cao nhất.
Chính vì vậy các em phải cân nhắc kỹ khi xác định thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng khi đăng ký xét tuyển và khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển.
Đặc biệt, phương thức xét tuyển bằng học bạ (bằng kết quả học tập ở trung học phổ thông) và xét tuyển bằng kết quả thi trung học phổ thôngquốc gia được thực hiện độc lập với nhau.
Do vậy, thí sinh đồng thời có thể đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi và xét tuyển bằng học bạ. Tuy nhiên, em cần lưu ý, nếu đã nhập học và nộp cho trường Giấy chứng nhận kết quả thi, sẽ không được tiếp tục tham gia xét tuyển.