Thi tốt nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất

01/08/2020 07:12
Nguyễn Trọng Bình
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp quốc gia trung học phổ thông năm nay trong bối cảnh dịch bệnh rất phức tạp như thế này có mạo hiểm không?

Dịch Covid-19 đã lây nhiễm trở lại trong cộng đồng sau 99 ngày cả nước chung tay phòng chống.

Đáng nói hơn là theo đánh giá của các chuyên gia y tế và dịch tễ học thì các ca nhiễm bệnh lần này do một chủng virus hoàn toàn mới so với trước đây, đặc biệt vẫn chưa xác định được nguồn bệnh lây nhiễm đầu tiên F0.[1]

Nhận định và phát biểu chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 trong buổi họp trực tuyến ngày 29/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng:

“Dịch đã lây ra cộng đồng nhiều ngày, chưa tìm được dấu F0, tình hình phức tạp hơn, diễn biến nhanh trong thời gian ngắn. Số ca lây nhiễm tại Đà Nẵng và các thành phố khác đã lên 27 ca”. [2]

Và theo thông tin mới nhất thì hai thành phố lớn cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.

Theo thống kê của Bộ Y tế về tình hình dịch Covid-19, tính đến ngày 1/8/2020, Việt Nam có 546 ca nhiễm, đang điều trị 171 ca, đã điều trị khỏi 373 ca và tử vong 2 ca.

Riêng Đà Nẵng cho đến nay đã có lệnh “phong thành” và thực hiện giãn cách xã hội trong cộng đồng của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp. (Ảnh minh họa: TT)

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp. (Ảnh minh họa: TT)

Trong bối cảnh và tình hình như vậy nhưng mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn phát đi thông báo sẽ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp quốc gia trung học phổ thông năm nay vào các ngày 8,9 và 10 tháng 8.

Tôi cho rằng, đây là quyết định mạo hiểm trong bối cảnh dịch bệnh rất phức tạp như thế này.

Nên nhớ rằng, để tổ chức thành công kỳ thi này chúng ta phải huy động rất nhiều ban ngành (y tế, an ninh, giao thông…) cùng tham gia tổ chức kỳ thi.

Riêng với ngành giáo dục thi với gần triệu thí sinh dự thi cùng với đó là hàng trăm thầy cô giáo, lãnh đạo Bộ và địa phương cùng tham gia các khâu cụ thể của kỳ thi.

Đó là chưa kể tới lực lượng phụ huynh đưa đón con em mình trong suốt mùa thi…

Thế nên, dù công tác chuẩn bị có cẩn trọng và chi li đến mức nào đi nữa nhưng với ngần ấy con người tập trung trong một không gian nhất định vẫn khó nói trước vấn đề gì sẽ xảy ra.

Dù có cẩn trọng đến mấy thì trong một không gian của một hội đồng thi hay các phòng thi làm sao tránh khỏi những tiếp xúc trực tiếp giữa những người tham gia tổ chức kỳ thi và nhất là giữa cán bộ coi thi và các em sinh; hay giữa các em học sinh với nhau.

Chỉ xét riêng ở Đà Nẵng, nếu như thế thì là đi ngược với tinh thần và quy định không tiếp xúc dưới 2 mét về giãn cách xã hội và cấm tụ tập đông người mà Chính phủ yêu cầu.

Hãy hình dung, chỉ cần một thí sinh hoặc một cán bộ giám sát hay cán bộ coi thi tại phòng thi nào đó bị nhiễm bệnh hay có dấu hiệu nhiễm bệnh thì sẽ như thế nào?

Về mặt tâm lý, rõ ràng rất khó để cho các em học sinh bình tĩnh mà tập trung làm bài; các thầy cô giáo làm nhiệm vụ coi thi cũng khó làm việc với tinh thần và tâm trạng tốt nhất.

Và đương nhiên, nếu có một trong số thi sinh hoặc cán bộ làm công tác coi thi nhiễm bệnh thì chắc chắn phải tổ chức việc cách ly ngay lập tức những cá nhân tiếp xúc trực và gián tiếp. Khi ấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xử lý thế nào?

Cách đây hơn 3 tháng, cũng trên diễn đàn này chúng tôi có 3 bài viết nhằm phân tích và chỉ ra vấn đề “lợi bất cập hại” nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn quyết tâm tổ chức kỳ thi trong bối cảnh dịch bệnh năm nay. Thật không may, những phân tích và tiên đoán của chúng tôi đã trở thành sự thật.

Thời gian qua chúng ta đã làm rất tốt công tác phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng được bạn bè thế giới ngưỡng mộ. Đó là thành quả không thể phủ nhận.

Tuy vậy, xét ở góc độ kinh tế, sau đợt dịch vừa qua cả nước có khoảng 30 triệu người tức tương đương 1/3 dân số cả nước bị ảnh hưởng về thu nhập và công ăn việc làm [3].

Từ đây, tôi cho rằng, nếu chỉ vì quyết tâm tổ chức kỳ thi lần này – kỳ thi mà chưa thi đã biết tỉ lệ đậu trên 90% - nhưng không may làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì vô cùng đáng tiếc.

Cổ nhân có câu, “cẩn tắc vô ưu”, “người không lo xa ắt có buồn gần”.

Ngay khi Đà Nẵng có các ca lây nhiễm trong cộng đồng trở lại, ban tổ chức giải bóng đá vô địch quốc gia V – League 2020 đã ngay lập tức cho tạm dừng giải đấu để phòng chống dịch [4].

Học hành, thi cử nói cho cùng là chuyện cả đời còn sinh mạng con người, sức khỏe cộng đồng hay tầm nhìn lâu dài về bài toán kinh tế quốc gia trong bối cảnh hiện nay mới là vấn đề quan trọng nhất.

Vẫn còn gần 10 ngày nữa mới đến kỳ thi nhưng không ai biết được tình hình dịch bệnh sắp tới sẽ diễn biến phức tạp như thế nào.

Thế nên, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tôi cho rằng, đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo nên mạnh dạng nghĩ tới phương án không tổ chức kỳ thi năm nay để tham mưu cho Chính phủ.

Quyết định này nếu sớm thành hiện thực không những là cách để toàn ngành giáo dục cùng với Chính phủ và nhân dân cả nước chung tay phòng chống dịch mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường đại học lên phương án tuyển sinh trong năm học tới.

Tôi có niềm tin, chúng ta rồi sẽ vượt qua đại dịch lần này nhưng với điều kiện, toàn ngành giáo dục mà đứng đầu là lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thật bình tĩnh, sáng suốt và dũng cảm.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://tuoitre.vn/cac-ca-benh-o-da-nang-nhiem-chung-virus-moi-lay-lan-nhanh-de-xuat-gian-cach-xa-hoi-20200727114010233.htm

[2]: https://tuoitre.vn/thu-tuong-dich-da-lay-ra-cong-dong-nhieu-ngay-chua-tim-duoc-dau-f0-20200729131523646.htm

[3]: https://tuoitre.vn/hon-30-trieu-lao-dong-anh-huong-dich-covid-19-that-nghiep-tang-20200710104857698.htm

[4]: https://thethao.tuoitre.vn/v-league-2020-tam-dung-thi-dau-vi-covid-19-20200726164418562.htm

Nguyễn Trọng Bình