Thiếu giáo viên, có nơi HS phải ghép 70 em/lớp, mong có thể phổ cập tiếng Anh

04/10/2024 09:00
Trần Trang

GDVN - Tại nhiều trường học ở vùng cao, việc học tiếng Anh của học sinh dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế, do cơ sở vật chất và tình trạng thiếu giáo viên.

Tại Kết luận số 91-KL/TW, Bộ Chính trị đề nghị các cấp nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Vấn đề "phổ cập tiếng Anh" cũng được lãnh đạo doanh nghiệp lớn vô cùng quan tâm. Mới đây, tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ tổ chức với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp lớn, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đề xuất Chính phủ phổ cập tiếng Anh không chỉ ở trường công lập mà còn cho toàn dân.

Thêm vào đó, ông Phạm Nhật Vượng cũng cho biết, Vingroup và các doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ cho giáo viên lên vùng sâu vùng xa, để tạo “cần câu cơm” tốt hơn cho trẻ, góp phần phát triển những nơi khó khăn này trong tương lai. [1]

Đề xuất của ông Phạm Nhật Vượng cũng là “tiếng lòng” của nhiều trường học vùng cao, khi chất lượng dạy ngoại ngữ chưa đạt chuẩn do những khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu thốn về nhân sự giảng dạy.

Thiếu giáo viên tiếng Anh, học sinh phải ngồi ghép 70 em/lớp

Cô giáo Hoàng Thị Thu Hoài là giáo viên tiếng Anh duy nhất của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Yên Thuận (xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang). Một mình cô Hoài phải đảm nhiệm 15 lớp tại nhiều điểm trường.

Để đảm bảo tất cả học sinh đều được học tiếng Anh, nhà trường đã tổ chức ghép lớp và kết hợp dạy học trực tuyến qua Zoom.

z5793772890789_2335a4cc069bceca6623946093bb6d84.jpg
Cô giáo Hoàng Thị Thu Hoài cùng các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Yên Thuận. Ảnh: NVCC

Cô Hoài chia sẻ: “Hầu hết các tiết tiếng Anh của tôi là dạy 70 học sinh, dù quy định ở cấp tiểu học mỗi lớp chỉ được có 35 học sinh. Vì đông học sinh như vậy, giáo viên bị quá tải và thường xuyên có vấn đề về sức khoẻ như đau họng, mệt mỏi.

Khó khăn thứ 2 đó là các điểm trường xa nhau, tôi phải di chuyển rất nhanh mới có thể kịp tiết học. Mỗi điểm cách nhau 5-10km. Mỗi buổi học, giáo viên phải di chuyển giữa hai điểm trường. Các giáo viên vì học sinh nên phải cố gắng”.

Cô giáo Phùng Thị Phương Huệ - giáo viên tiếng Anh của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Lạnh (xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) cũng có chung nỗi lo.

“Tại Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Lạnh, đang có tình trạng thiếu giáo viên, nhà trường giải quyết bằng cách cho giáo viên trung học cơ sở xuống dạy một số lớp tiểu học nên đã tạm thời giải quyết được vấn đề.

Tuy nhiên, ở các trường khác trong huyện, tình hình rất nan giải, chỉ có thể điều chỉnh phân phối chương trình, giảm số tiết, ghép lớp.

Học sinh rất đông, có khi tới 70 em dồn vào một lớp, nên chất lượng giáo dục không cao. Lớp học không chứa đủ học sinh nên các em phải xuống nhà ăn bán trú để ngồi học.

Một số trường có tổ chức dạy trực tuyến, nhưng vấn đề đường truyền internet và máy móc thiết bị không đủ, không đảm bảo” - cô Huệ bày tỏ.

z5873371937509_8c291be1d065a655c97b5d48ddccc271.jpg
Cô Phùng Thị Phương Huệ - giáo viên tiếng Anh của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Lạnh. Ảnh: NVCC.

Thầy Trần Văn Chiến - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nà Khoang (xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) chỉ ra những lý do khiến việc giảng dạy tiếng Anh tại trường còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể: Về cơ sở vật chất, trường đang rất thiếu phòng học, chưa có phòng học tiếng Anh riêng, chưa có trang thiết bị đáp ứng việc dạy và học như ti vi tương tác, loa đài, tranh ảnh, flashcard... Nhà trường phải bố trí học dồn lớp, ghép lớp học trong nhà ăn học sinh bán trú và phòng họp chung của giáo viên…

z5873300420296_6b633850120bc96d59b29b1bd11a563c.jpg
Lớp học ghép môn tiếng Anh được tổ chức tại phòng ăn bán trú của một trường học. Ảnh: NVCC.

“Về chất lượng giảng dạy, 100% học sinh là dân tộc thiểu số như dân tộc Mông, Khơ Mú…, sử dụng tiếng mẹ đẻ từ nhỏ, khả năng tiếp nhận kiến thức bằng tiếng phổ thông đa số còn ở mức trung bình. Thậm chí, đối với các môn Toán, tiếng Việt, các em nghe giảng bằng tiếng phổ thông còn chưa hiểu rõ.

Điều này dẫn đến việc học một ngôn ngữ mới như tiếng Anh gặp rất nhiều khó khăn về cách phát âm, khả năng nghe hiểu. Các em rụt rè, nhút nhát, chưa mạnh dạn trong tất cả các hoạt động học tập môn tiếng Anh nói riêng và các môn khác nói chung.

Môn tiếng Anh có 4 tiết/tuần. Trường có nhiều điểm lẻ, khoảng cách giữa các điểm xa nhau, nhiều lớp, thiếu đội ngũ giáo viên, nhà trường phải bố trí giáo viên của cấp trung học cơ sở xuống dạy hỗ trợ ở bậc tiểu học để đảm bảo đủ số tiết quy định” - thầy Chiến chia sẻ thêm.

Một lớp tiếng Anh của trường học vùng cao có sĩ số vượt xa so với tiêu chuẩn lớp học thông thường. Ảnh: NVCC.

Một lớp tiếng Anh của trường học vùng cao có sĩ số vượt xa so với tiêu chuẩn lớp học thông thường. Ảnh: NVCC.

Rất cần sự chung tay hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức

Để tháo gỡ vấn đề thiếu giáo viên, các trường học vùng cao đều đã nỗ lực tuyển dụng và xin thêm chỉ tiêu biên chế, nhưng cần nhiều thời gian mới có ứng viên phù hợp.

Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nà Khoang cho biết: “Trước mắt, nhà trường đã xây dựng đề án vị trí việc làm, kiến nghị, đề nghị xin thêm một số chỉ tiêu tuyển dụng và tiếp nhận giáo viên tiếng Anh.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, mặc dù có tuyển dụng, nhưng không có hồ sơ đầu vào, dẫn đến việc tăng cường dạy tiếng Anh vẫn là vấn đề thực sự nan giải”.

Thầy Nguyễn Trung Hiếu - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sam Kha (xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) cho biết: “Đối với biên chế giáo viên tiếng Anh và giáo viên nói chung, nhà trường đang tham mưu với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân huyện xây dựng kế hoạch tuyển dụng biên chế còn thiếu.

Tuy vậy, do chỉ tiêu tinh giản 10% đội ngũ, nên việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với giáo viên môn tiếng Anh.

Năm học 2023-2024, nhà trường đã thực hiện tuyển dụng, tuy vậy không có thí sinh dự tuyển tại trường. Hiện, trường đang phải thực hiện dạy học 2 ca, giáo viên bị quá tải khi dạy hơn 30 tiết/tuần”.

Trước xu hướng hợp tác giữa các trường công lập và trung tâm tiếng Anh, thầy Hiếu rất kỳ vọng sẽ có sự hỗ trợ từ các tổ chức bên ngoài.

“Ở rất nhiều trung tâm ngoại ngữ, trường chuyên, việc dạy thỉnh giảng tiếng Anh đã trở nên phổ biến.

Do đó, nếu có sự hợp tác, tăng cường giáo viên của các trung tâm tiếng Anh vào dạy ở trường công là một sáng kiến hay, khả thi nhằm bù đắp sự thiếu hụt về đội ngũ cũng như tăng thêm khả năng tiếp cận tiếng Anh đối với học sinh trong cả nước nói chung, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng” - thầy Hiếu cho hay.

z5874936569290_f1f2b65627e20a89ec61f02ad4e9e471.jpg
Thầy Nguyễn Trung Hiếu - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sam Kha. Ảnh: NVCC.

Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sam Kha cũng đề xuất: “Cần huy động được sự vào cuộc của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các mạnh thường quân tài trợ phòng luyện tiếng, phòng học trực tuyến dành cho môn tiếng Anh, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước.

Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, thu hút sinh viên mới ra trường ở vùng đồng bằng, đô thị lên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, góp phần giảm bớt khó khăn do thiếu giáo viên.

Việc đưa giáo viên ở các trung tâm tiếng Anh về giảng dạy tại các trường công lập có thể sẽ giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên môn tiếng Anh. Đương nhiên, điều này cũng đòi hỏi cơ chế tiền lương và các chế độ đãi ngộ cao” - thầy Chiến chia sẻ.

Đó cũng là mong mỏi của cô giáo Phùng Thị Phương Huệ: “Ở địa phương, hiện, chỉ có các trường ở thị trấn mới có phòng học tiếng Anh riêng. Chúng tôi rất mong muốn được đầu tư về máy móc, trang thiết bị và phòng học”.

Cô Thu Hoài cũng bày tỏ: “Trong thị trường lao động hiện nay, nhiều doanh nghiệp yêu cầu nhân viên có khả năng giao tiếp và làm việc bằng tiếng Anh.

Vì vậy, việc thành thạo tiếng Anh sẽ giúp học sinh dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp, có cơ hội tìm được những công việc có mức thu nhập cao hơn, phát triển bản thân và đóng góp tích cực vào cộng đồng của mình.

Mong muốn của tôi là có thêm giáo viên tiếng Anh về chia sẻ khó khăn với đội ngũ nhân sự hiện tại. Nếu các tập đoàn, doanh nghiệp có thể tài trợ để có thêm giáo viên tiếng Anh, thì đây cũng là một điều rất tốt”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://baochinhphu.vn/cac-doanh-nghiep-tu-nhan-hien-ke-chung-tay-phat-trien-kinh-te-dat-nuoc-102240921114544608.htm

Trần Trang