Thiếu hụt nhân lực ngành Bảo tàng buộc trường ĐH đổi mới để thu hút thí sinh

02/04/2025 06:26
Trần Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nhiều bảo tàng mới, ứng dụng công nghệ hiện đại được xây dựng khiến nhà trường phải thay đổi, cập nhật chương trình đào tạo.

Nhiều năm qua, tại Việt Nam có hai trường đại học đào tạo chính quy ngành Bảo tàng họcTrường Đại học Văn hóa Hà NộiTrường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2025, ngành Bảo tàng học tại Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh được thay thế bằng ngành Di sản học theo Quyết định số 255/QĐ-ĐHVHHCM của nhà trường.

Thực trạng thiếu hụt nhân lực chuyên môn trong ngành đã đặt ra yêu cầu cấp bách về đào tạo bài bản, chuyên sâu, đồng thời đòi hỏi nhà trường cập nhật các xu hướng công nghệ mới.

Cập nhật để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đức Nguyên, Trưởng khoa Khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết, trong thời đại phát triển công nghệ 4.0, trên thế giới và cả ở Việt Nam, các bảo tàng đều có những sự chuyển mình để thay đổi, thích ứng với sự phát triển này, ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất trong các hoạt động chuyên môn, từ đó tạo ra những sản phẩm rất đặc sắc nhằm thu hút và đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hoá của công chúng khách tham quan.

“Là một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho các bảo tàng, chúng tôi cũng không thể đứng ngoài xu thế phát triển này. Để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, chúng tôi quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên, nâng cao cơ sở vật chất, cơ sở thực hành… Đặc biệt là thay đổi trong chương trình đào tạo.

Hiện nay, chúng tôi thường xuyên có sự chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật chương trình đào tạo theo chu kỳ từ 2-3 năm/lần. Để thực hiện điều này chúng tôi tiến hành thực hiện nhiều bước khác nhau như: lấy ý kiến phẩn hồi từ các nhà tuyển dụng, các nhà nghiên cứu, các cựu sinh viên, các sinh viên đang theo học về nội dung chương trình đào tạo; đối sánh với một số chương trình đào tạo Bảo tàng của các trường đại học trên thế giới tại quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Hà Lan… Từ đó chỉnh sửa, bổ sung cho chương trình đào tạo của mình.

Hiện nay trong chương trình đào tạo Bảo tàng học của chúng tôi có những học phần mới nhằm đáp ứng sự phát triển của bảo tàng hiện đại như Truyền thông bảo tàng, Marketing bảo tàng, Dịch vụ bảo tàng, Ứng dụng công nghệ trong bảo tàng… Bên cạnh đó chúng tôi cũng phối hợp với các bảo tàng, các công ty công nghệ phần mềm để đưa sinh viên đến thực tập, tiếp cận làm quen, hỗ trợ các chuyên môn” – thầy Nguyên chia sẻ.

462527910_1007991264458922_5475847498496023186_n.jpg
Tiến sĩ Trần Đức Nguyên, Trưởng khoa Khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (áo sơ mi trắng) dẫn sinh viên đi tham quan Bảo tàng Nhà Quốc Hội Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Cũng có thâm niên lâu năm đào tạo ngành Bảo tàng học, năm 2025, Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh chuyển đổi ngành học này thành ngành Di sản học.

Chia sẻ với phóng viên, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng - Phó Trưởng phòng Phòng Đào tạo, Quản lý Khoa học và Hợp tác quốc tế của Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh cho hay, đây là một bước tiến quan trọng trong chiến lược đào tạo của nhà trường, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

“Ngành Di sản học đào tạo trình độ đại học, gồm 02 chuyên ngành: Di sản và phát triển du lịch, Di sản và Bảo tàng, thay thế ngành Bảo tàng học đang hiện hành tại nhà trường” – thầy Tùng chia sẻ.

Theo đại diện nhà trường, Việt Nam sở hữu kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, từ các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đến di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Tuy nhiên, thực trạng thiếu hụt nhân lực chuyên môn trong lĩnh vực này đã đặt ra yêu cầu cấp bách về đào tạo bài bản, chuyên sâu để đáp ứng nhu cầu của ngành di sản học.

Sự phát triển mạnh mẽ của du lịch văn hóa, nhu cầu số hóa di sản và xu hướng bảo tồn gắn với phát triển bền vững đòi hỏi đội ngũ cán bộ có kiến thức chuyên môn sâu rộng, kỹ năng thực hành chuyên nghiệp và khả năng ứng dụng công nghệ vào bảo tồn, quản lý di sản. Chính vì vậy, việc mở ngành Di sản học không chỉ là nhu cầu cấp thiết mà còn mang ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Khaigiang-TS (4).jpg
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng - Phó Trưởng phòng Phòng Đào tạo, Quản lý Khoa học và Hợp tác quốc tế của Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Website nhà trường.

Ngành Di sản học tại Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng trên cơ sở tham khảo các chương trình đào tạo tiên tiến trong và ngoài nước. Chương trình đào tạo bao gồm các nhóm học phần chuyên sâu về lý luận di sản, bảo tàng học, quản lý di sản, luật di sản văn hóa, ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và khai thác di sản.

Sinh viên sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận thực tiễn thông qua các chuyến điền dã, khảo sát tại các bảo tàng, khu di tích, trung tâm quản lý di sản. Đồng thời, nhà trường sẽ phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế để tổ chức các hội thảo chuyên đề, các dự án nghiên cứu và thực tập thực tế nhằm nâng cao năng lực cho sinh viên.

“Với bề dày lịch sử 50 năm kinh nghiệm trong đào tạo lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh luôn tiên phong trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn lý thuyết với thực hành, đảm bảo sinh viên được trang bị đầy đủ kỹ năng và kiến thức để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Việc mở ngành Di sản học một lần nữa khẳng định sứ mệnh và vai trò của Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc gìn giữ kho báu văn hóa của đất nước” – đại diện nhà trường bày tỏ.

484344175_1004067865153565_5804695724380252153_n.jpg
Sinh viên năm 3 ngành Bảo tàng học, Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh đi kiến tập tại Bảo tàng Áo Dài (phường Long Phường, thành phố Thủ Đức). Ảnh: NVCC.

Nhiều cơ hội nghề nghiệp, không bó hẹp trong cơ quan nhà nước

Về số lượng người theo học ngành Bảo tàng học không cao, Tiến sĩ Trần Đức Nguyên bày tỏ: “Không chỉ riêng ngành học Bảo tàng mà còn nhiều ngành thuộc khối Xã hội nhân văn cũng phải đối mặt với việc này”.

Theo thầy Nguyên, trong những năm qua, đã thực hiện một số hoạt động nhằm thu hút đối tượng tuyển sinh, nổi bật là tăng cường công tác truyền thông trên các nền tảng số, trên hệ thống mạng xã hội…

Các sản phẩm truyền thông là sản phẩm do chính sự sáng tạo của sinh viên đang theo học trong Khoa xây dựng. Các em triển khai các sản phẩm truyền thông dưới sự định hướng, hướng dẫn của giảng viên để tiến hành quảng bá do vậy phù hợp với tâm lý của tuổi trẻ, phản ánh trung thực những vấn đề các em được học, được tiếp cận.

Bên cạnh đó, Khoa công khai chương trình đào tạo, cam kết chất lượng đầu ra, cơ hội việc làm… trên các phương tiện thông tin chính thống (như đề án tuyển sinh; cổng thông tin điện tử của nhà trường, trên báo chí…). Hàng năm, khoa mời các chuyên gia, các nhà tuyển dụng đến toạ đàm, trao đổi, định hướng việc làm, các kỹ năng cần thiết đối với sinh viên, giúp cho sinh viên hiểu, thấy được và định hình cho sự phát triển của bản thân đáp ứng yêu cầu của xã hội, của nghề nghiệp.

Thầy Nguyên cũng cho biết, trước đây, sinh viên tốt nghiệp ngành học chủ yếu có hội nghề nghiệp đến từ khối Nhà nước như các bảo tàng công lập, các Ban quản lý di tích tại các địa phương, các Sở Văn hoá, Thể Thao và Du lịch… Nhưng hiện nay, trong xu thế phát triển, cơ hội nghề nghiệp đã được mở rộng từ các doanh nghiệp, các công ty, các dự án phi chính phủ.

“Tốt nghiệp ngành Bảo tàng học, nhiều bạn đã nhận làm việc tại các Bảo tàng ngoài công lập (cả nước có gần 100 bảo tàng ngoài công lập), các công ty tu bổ di tích, các công ty phần mềm về lĩnh vực số hoá di sản; các công ty, trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá; mỗi số dự án phi chính phủ về di sản văn hoá; các công ty lữ hành du lịch… Điều này cũng là một động lực, cơ hội rất lớn để sinh viên học tập, tốt nghiệp với kết quả tốt hơn đáp ứng các yêu cầu của các nhà tuyển dụng” – Trưởng khoa cho hay.

Nguyễn Trà My – sinh viên năm cuối của ngành Bảo tàng học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ: “Em đã lựa chọn theo học ngành Bảo tàng học bởi chương trình đào tạo của ngành có đa dạng học phần, khiến em hứng thú như: Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam, Lịch sử Mỹ thuật thế giới, Lịch sử tư tưởng phương Đông và Việt Nam, Khảo cổ học đại cương, Làng xã cổ truyền của người Việt, Di sản văn hóa, Cổ vật Việt Nam, Hán Nôm… Đây đều là những khối kiến thức mà em chưa từng được học trong chương trình giáo dục trung học phổ thông trước đây, hơn nữa em cũng muốn thử thách bản thân trong một lĩnh vực hoàn toàn mới khi quyết định theo đuổi ngành Bảo tàng học”.

z6439614240789_a4f45b526ae18d1aa2a60ec21e7a3727.jpg
Nguyễn Trà My làm bài tập làm video thuyết minh về di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Khi theo học ngành Bảo tàng học, My không chỉ được học về các chuyên môn nghiệp vụ của bảo tàng, mà còn được học rất nhiều về di sản nói chung và di sản văn hóa Việt Nam nói riêng. Với em, tất cả các học phần được giảng dạy trong chương trình đào tạo đều đem lại cho em khối lượng lớn tri thức quý báu về văn hóa và lịch sử của đất nước và khu vực.

My thấy ấn tượng nhất là các buổi học thực tế tại bảo tàng và di tích trên địa bàn Hà Nội và cả các địa phương khác. Trong suốt quãng thời gian theo học tại Khoa Di sản văn hóa, em đã liên tục được trải nghiệm nhiều hoạt động đa dạng như: dập văn bia Hán Nôm tại di tích, thuyết minh về bảo tàng hoặc di tích, làm hồ sơ di tích, làm hồ sơ hiện vật,… Các hoạt động này được thầy cô trong khoa triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau (báo cáo cá nhân, bài thu hoạch nhóm, video clip…), qua đó giúp My hiểu sâu hơn về môn học, cũng như trau dồi thêm các kỹ năng như: làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết minh trước đám đông… để phục vụ tốt cho công việc chuyên môn sau này.

Dù chưa ra trường, My đã nhận được công việc tại Bảo tàng Nghệ thuật Kính màu (huyện Ba Vì, Hà Nội). Đây là bảo tàng đầu tiên về nghệ thuật kính màu tại Việt Nam, được xây dựng trên cơ sở bộ sưu tập hơn 1.500 hiện vật thủy tinh và kính màu có giá trị do Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng sưu tầm khắp thế giới trong gần 40 năm qua.

“Công việc của em tại bảo tàng bao gồm bổ sung, hoàn thiện nội dung của hệ thống trưng bày và thuyết minh cho khách tham quan. Đây là công việc chính thức đầu tiên của em tại bảo tàng sau 2 đợt thực tập cơ sở và thực tập tốt nghiệp, bên cạnh đó nghệ thuật kính màu cũng là một lĩnh vực mới mà em chưa được tiếp xúc nhiều trước đây. Vì vậy công việc này không những giúp em ứng dụng những kiến thức đã tích lũy được trên giảng đường vào thực tế, mà còn mở ra cơ hội để em tiếp tục học hỏi những kiến thức mới và phát triển bản thân hơn nữa” – My bày tỏ.

Trần Trang