Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, sinh năm 1931, nhập ngũ năm 1948, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban quân quản lâm thời thị xã Quảng Trị (tháng 5/1972), nguyên Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Sư đoàn 325 (năm 1973), Tư lệnh Sư đoàn 325 (năm 1976), Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 2 (năm 1986) kiêm Tham mưu trưởng Mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên (1985-1989), Quyền tư lệnh Quân khu 2 (năm 1993).
Hiện nay ông là Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh toàn quốc Mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên.
Tháng 4 năm 2017, ông được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đồng ý cho Mặt trận Vị Xuyên cử một đoàn đại biểu cựu chiến binh những người đã trực tiếp chiến đấu ở Mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên (từ năm 1984 đến 1989) do ông dẫn đầu đi tham quan quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.
Sau đây là lời kể của ông về chuyến đi rất ý nghĩa này.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy (Ảnh: Phunuonline.com.vn) |
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, với gần 50 năm trong quân ngũ, tôi đã tham gia ba cuộc chiến tranh: chống Pháp, chống Mỹ và chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược Việt Nam cả hai giai đoạn tháng 2 năm 1979 và tháng 4 năm 1984 đến tháng 10 năm 1989.
Đã đi qua hầu hết các miền của đất nước từ Lũng Cú, Hà Giang, đồng bằng Bắc Bộ, Tây Bắc, Tây Nguyên, dọc miền Duyên Hải, Sài Gòn, miền Đông, miền Tây đồng bằng sông Cửu Long tới Cà Mau, nơi tận cùng của đất nước.
Và nguyện vọng sau cùng là được thăm quần đảo Trường Sa, nơi các chiến sĩ hải quân ngày đêm canh giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, cuối cùng đã được toại nguyện.
Ngày 2 tháng 4 năm 2017, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã đồng ý cho Mặt trận Vị Xuyên cử một đoàn đại biểu cựu chiến binh những người đã trực tiếp chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên từ năm 1984 đến 1989 đi tham quan quần đảo Trường Sa.
Đoàn đi trên tàu kiểm ngư VN 490 trọng tải 4.500 tấn. Đoàn đại biểu cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên có 7 người gồm 6 cựu chiến binh và 1 người là vợ liệt sĩ, do tôi (Nguyễn Đức Huy) làm trưởng đoàn.
Ký ức Vị Xuyên và tâm nguyện của vị Tướng già |
Đây là một tin vui đối với tất cả các cựu chiến binh đã trực tiếp chiến đấu ở Mặt trận Vị Xuyên, vì đoàn công tác số 2 của Tổng cục Chính trị đi lần này có gần 200 người là cán bộ, chiến sĩ, trong đó có hàng chục đồng chí cấp tướng hiện đang công tác trong các đơn vị của toàn quân, và duy nhất thành phần đoàn Mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên là cựu chiến binh.
Lúc này tôi đã ở tuổi 86 là người cao tuổi nhất trong toàn đoàn và theo đồng chí Chuẩn đô đốc Phạm Văn Vững, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân thì từ trước đến bây giờ chưa có ai là người cao tuổi như tôi tới thăm quần đảo Trường Sa.
Đồng chí Vững còn nói vui là "đề nghị Bộ Tư lệnh Hải quân tặng kỷ lục ghi-nét cho cụ Huy".
Đối với gia đình tôi, khi được tin tôi đi thăm quần đảo Trường Sa cũng có nhiều ý kiến khác nhau: bà vợ và 2 con không muốn để tôi đi vì sợ tuổi cao, sức khỏe không đảm bảo, nên không đồng ý; nhưng với người con cả trước là sĩ quan hải quân và đã trực tiếp có mặt ở khu vực đảo Gạc Ma đồng ý cứ để tôi đi thăm Trường Sa, và cuối cùng cả nhà đều đồng ý. Thế là tôi toại nguyện.
Bắt đầu 6 giờ 20 phút ngày 30/3/2017, máy bay cất cánh từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) đi Thành phố Hồ Chí Minh; 8 giờ 30 tới sân bay Tân Sơn Nhất.
Xe của Quân chủng Hải quân đón đoàn đại biểu cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên về Sở chỉ huy Quân chủng Hải quân phía Nam tại số 1, phố Tôn Đức Thắng.
Sau khi đăng ký với bộ phận lễ tân, tôi được về chơi với các con cháu đang cư trú tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có chắt Mây - chắt đầu tiên của tôi 7 tháng tuổi, rất ngoan và khỏe mạnh.
Ngày 2 tháng 4 năm 2017:
Buổi chiều, các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Hải quân phía Nam mời cơm các đồng chí là tướng lĩnh trong Đoàn.
Nhìn lại cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, để một ngày sẽ lấy lại Hoàng Sa |
Ngày 3 tháng 4 năm 2017:
- 7 giờ dự lễ dâng hương đài liệt sĩ tàu không số, sau đó xuống tàu rời cảng Cát Lái.
Khi ngồi trên tàu đi dọc sông Đồng Nai tới sông Sài Gòn, lúc này tôi nhớ lại hơn 40 năm trước, cũng tại bờ sông Đồng Nai, bến phà Cát Lái, chiều ngày 29/4/1975 Sư đoàn 325 trong đội hình Quân đoàn 2 có nhiệm vụ là cánh quân vu hồi của Quân đoàn 2 đánh vào dinh Độc Lập sau khi tiêu diệt quân địch ở Long Thành, Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ, đã có mặt ở bờ đông sông Đồng Nai, đối diện với cảng Cát Lái.
Nơi đây là sở chỉ huy của Bộ tư lệnh hải quân của chính quyền Việt Nam cộng hòa.
Theo thông báo của cán bộ nằm vùng tại Nhân Trạch thì bến phà Cát Lái có 2 phà lớn, mỗi phà chở được 20 xe ô tô tải, nếu đúng như vậy thì việc vượt sông Đồng Nai, đánh chiếm sở chỉ huy Bộ tư lệnh hải quân ngụy ở Cát Lái sẽ rất thuận lợi để phát triển vào trung tâm thành phố Sài Gòn.
Thực tế không phải như vậy, bến phà Cát Lái thường xuyên chỉ có 2 phà mà mỗi chiếc chỉ chở được 2 ô tô tải.
Chiều ngày 29/4/1975 sau khi rút chạy qua sông, quân địch đã kéo 2 chiếc phà đó sang bờ bên kia sông Đồng Nai, nên bộ đội Sư đoàn 325 phải dừng lại ở bờ đông sông Đồng Nai, triển khai đội hình chiến đấu.
Sáng 30/4/1975 lại xảy ra một cuộc chiến đấu quyết liệt giữa quân ta với 2 đoàn tàu chiến của địch từ sông Đồng Nai xuống và từ sông Sài Gòn vào.
Sư đoàn 325 đã bắn chìm và bắn cháy 5 tàu hải quân của địch, buộc chúng phải rút chạy.
Lúc này, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã huy động hàng trăm tàu thuyền của nhân dân địa phương chở bộ đội qua sông.
Sau khi đánh chiếm được sở chỉ huy Bộ tư lệnh hải quân địch, 11 giờ ngày 30/4/1975 Sư đoàn 325 đã có mặt ở quận 4 trung tâm thành phố Sài Gòn.
Lúc đó cảng Cát Lái xơ xác, tiêu điều, nhân dân nghèo nàn, đói khổ.
Sau hơn 40 năm, Cát Lái đã trở thành quân cảng hiện đại, đời sống của người dân giàu có, sung túc.
Cảng Cát Lái được xếp thứ 25 trong số các cảng hiện đại trên thế giới.
Ngày 4 tháng 4 năm 2017:
Buổi sáng sóng dữ, nhiều người bị nôn mửa, tôi cũng bị nôn 2 lần, nhưng nhẹ thôi. Buổi chiều sóng êm.
15 giờ 45 cách đảo Đá Lớn hơn 320km; sáng 5/2017 sẽ tới đảo đầu tiên, trên biển rất ít tàu, suốt cả 2 ngày đi trên biển mới nhìn thấy 2 tàu.
Ăn uống trên tàu rất tốt, ngày ăn 4 bữa. Các đồng chí chỉ huy và thủy thủ, nhân viên trên tàu rất chu đáo, phục vụ tận tình.
Đêm 4/4/2017, anh em được tham gia câu cá, có đồng chí câu được con cá nặng trên 12kg. Ban đêm trên tàu rất vui, văn công Quân khu 5 biểu diễn, sau đó anh em ngồi chơi, nói chuyện và uống nước chè.
Ngày 5 tháng 4 năm 2017:
8 giờ xuất phát đi đảo Đá Lớn A và B.
Đảo Đá Lớn thuộc bãi đá ngầm nằm ở vĩ độ 100 03' 42", kinh độ 1130 51' 14"E; bãi chạy theo hướng Bắc - Nam.
Chế độ thủy triều của đảo là nhật triều, một lần nước lên, một lần nước xuống.
Sòng phẳng với lịch sử không phải là kích động hận thù |
Sáng nay sóng êm, đi đến đảo thoải mái.
Khi đến đảo được các đồng chí chỉ huy đảo giới thiệu tình hình các mặt của đảo, qua đi tham quan tại chỗ thấy nhà cửa, nơi ăn ở khang trang, có vườn rau xanh, tuy không nhiều nhưng cũng bổ sung một phần cải thiện đời sống; tinh thần bộ đội rất tốt.
13 giờ tàu đi qua đảo Ba Bình của Việt Nam hiện do Đài Loan chiếm đóng trái phép.
Đây là một đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa, Việt Nam, có rất nhiều cây xanh và có nước ngọt. Đài Loan đã xây dựng ở đây một sân bay.
14 giờ ngày 5/4/2017 đến đảo Sơn Ca:
Đảo Sơn Ca nằm ở vĩ độ 100 22' 29"N; kinh độ 1140 28' 48"E, đảo hình bầu dục, hẹp ngang nằm theo hướng Tây Bắc - Đông Nam.
Trên đảo có nhiều cây xanh, nhiều cây đã trở thành cổ thụ, nhiều hơn cả là cây bàng quả vuông.
Trên đảo trước đây có nhiều loài chim Sơn ca sinh sống nên người ta gọi là đảo "Sơn Ca".
Đảo Sơn Ca là một đảo khá lớn, có cả một ngôi chùa. Trước khi đi thăm đảo, Đoàn làm lễ dâng hương Đài tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau đó vào chùa lễ Phật; trồng cây lưu niệm; về nghe chỉ huy đảo giới thiệu tình hình mọi mặt của đảo.
Ở đây nơi ăn, ở của bộ đội khang trang; trận địa chiến đấu được xây dựng kiên cố.
Tinh thần của bộ đội rất phấn khởi, nhiều đồng chí chiến sĩ rất trẻ, trên dưới 20 tuổi, hiền hậu nhưng kiên cường.
Ngày 6 tháng 4 năm 2017:
Theo chương trình, buổi sáng đi thăm đảo Đá Thị nhưng thời tiết xấu nên chỉ 2 xuồng ra được đảo còn lại tất cả ở trên tàu để chiều 6/4/2017 đi đảo Nam Yết.
Đảo Đá Thị nằm ở phía bắc quần đảo Trường Sa, ở vĩ độ 100 24' 38"N, kinh độ 1140 35' 15"E, là một trong những đảo có vị trí quan trọng trong quần đảo Trường Sa.
Đảo nằm theo hướng Đông Bắc và Tây Nam, khi nước thủy triều cao khoảng 1,2m thì toàn bộ đảo nằm dưới mặt nước khoảng 0,6m.
14 giờ chiều 6/4/2017 tàu vào đảo Nam Yết:
Đảo Nam Yết nằm ở phía bắc quần đảo Trường Sa, ở vĩ độ 100 10' 46"N, kinh độ 1140 21' 59"E.
Đảo có hình bầu dục hơi hẹp bề ngang, nằm theo hướng Đông - Tây, khi thủy triều xuống thấp nhất đảo nhô cao khoảng từ 3 - 4m.
Nam Yết là một trong những đảo có vị trí chiến lược quan trọng trong quần đảo Trường Sa. Đất qua cải tạo có thể trồng được các loại rau như rau muống, bầu, bí...
Đây là một đảo nổi từ nhiều đời do Việt Nam quản lý, có lực lượng quân đội bố phòng.
Là một đảo lớn trong quần đảo Trường Sa, cây cối xanh tươi, có nhiều cây cổ thụ có niên đại hàng trăm năm, đường kính tới gần 1m, rất nhiều loại cây như: bàng, phi lao, dừa... Dừa ở đây rất nhiều quả.
Nhà cửa khang trang, cách xa đảo hàng cây số đã trông thấy nhà 3 tầng bề thế, cột đèn biển có điện phát sáng suốt ngày đêm, nhà cửa của bộ đội được xây dựng kiên cố.
Đảo có ngôi chùa rất đẹp, nếu từ biển nhìn vào đảo, thì đây như một làng ven biển của đất liền.
Sau khi lên đảo, Đoàn làm việc với cán bộ, chiến sĩ đóng trên đảo.
Trước tiên làm lễ chào cờ, duyệt đội ngũ, đội hình nghiêm chỉnh, đúng tác phong chính quy.
Sau lễ chào cờ, duyệt đội ngũ, Đoàn đi thắp hương Nghĩa trang liệt sĩ đã hy sinh trên đảo; tiếp theo vào lễ Phật tại chùa, đi trồng cây lưu niệm, thăm nơi sinh hoạt, tăng gia sản xuất của đảo, rồi về hội trường gặp mặt.
Tôi được chỉ định phát biểu, giới thiệu một số tình hình chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, ở Vị Xuyên, Hà Giang. Sau đó trao quà cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo.
Tiếp theo một số thành viên của đoàn trở về tàu, còn lại hơn 70 thành viên được mời ở lại đảo.
Buổi giao lưu văn nghệ do Đoàn văn công Quân khu 1 phối hợp với một số nghệ sĩ trong đoàn biểu diễn.
Đội văn nghệ của cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết tham gia một số tiết mục tự biên, tự diễn rất hay, rất sinh động.
Có thể nói một đêm giao lưu văn nghệ giữa đảo và đoàn rất vui, đầm ấm, thắm tình đồng chí, đồng đội.
Đêm hôm đó, hơn 70 cán bộ, nhân viên trong đoàn ngủ tại ngôi nhà 3 tầng của đảo, phòng ngủ khang trang.
Ngoài đường đi trên đảo đèn điện sáng suốt đêm, không khác gì trong đất liền.
Bữa ăn chiều do anh em cán bộ, chiến sĩ trên đảo chiêu đãi bằng các sản phẩm "cây nhà lá vườn", có lòng lợn, chả nướng, nem chạo, cá hấp nhồi thịt, đậu rán; đây là những sản phẩm do anh em chăn nuôi, trồng trọt tại đảo, đánh bắt ở biển.
Trận địa trên đảo được xây dựng kiên cố, vững chắc, bảo đảm chiến đấu giữ đảo trong bất cứ tình huống nào xảy ra.
Ngày 7 tháng 4 năm 2017:
6 giờ 30 xuất phát đi thăm đảo Sinh Tồn Đông.
Đảo Sinh Tồn Đông nằm ở khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa, ở vĩ tuyến 090 54' 09" N, kinh độ 1140 33' 51 E, chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, nằm trên nền san hô ngập nước.
Đây là một đảo nhỏ. Anh em bộ đội đã trồng cây xanh các loại, chủ yếu là phi lao. Nhà sở chỉ huy được xây dựng 2 tầng, nhà ở của bộ đội khang trang.
Đặc biệt anh em đã trồng được vườn rau xanh đủ các loại, dàn mướp đã ra được hơn ba chục quả, rau muống xanh tươi, rau mồng tới lá rất to, rồi rau cải, rau mầm... có thể cung cấp một phần rau xanh cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo.
Đảo tuy nhỏ nhưng còn một dải cát dài, nếu được đầu tư có thể mở rộng đảo được hàng chục ngàn mét vuông nữa.
Đảo Sinh Tồn Đông cách đảo Huy Gơ gần 4 hải lý, từ đảo Sinh Tồn Đông bằng mắt thường có thể nhìn rõ đảo Huy Gơ, Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép của Việt Nam và đã bồi đắp rộng khoảng 9ha.
Do đó, có thể nói đảo Sinh Tồn Đông có một vị trí rất quan trọng để bảo vệ tuyến bắc của quần đảo Trường Sa.
Thăm đảo Cô Lin:
12 giờ 30 ngày 7/4/2017 đi thăm đảo Cô Lin. Trên đường đi từ đảo Sinh Tồn Đông đã nom thấy đảo Gạc Ma.
Ngày 14/3/1988 Trung Quốc đã đánh chiếm quần đảo Gạc Ma của Việt Nam, 64 chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã hy sinh tại đây.
Hiện nay Trung Quốc đã bồi đắp và xây dựng trái phép trên đảo Gạc Ma những tòa nhà cao từ 5 đến 7 tầng và đưa các thiết bị quân sự ra đảo.
Đảo Cô Lin nằm ở vĩ độ 090 46' 25"N, kinh độ 114 015'19"E.
Yêu cầu Trung Quốc điều tra xử lý tàu hải cảnh ngăn cản đâm chìm tàu cá Việt Nam |
Đảo có hình dáng một hình tam giác nhưng cạnh hơi cong, mỗi cạnh dài khoảng 1 hải lý.
Khi thủy triều lên, đảo Cô Lin bị ngập trong nước; khi thủy triều xuống thấp cả đảo chỉ lộ ra vài hòn đá mồ côi.
Ngày 14/3/1988 khi công binh hải quân của ta đưa vật liệu ra xây dựng đảo Cô Lin, Gạc Ma, thì bất ngờ Trung Quốc đưa tàu chiến ra tấn công lực lượng của ta.
Mặc dầu lực lượng của ta không cân sức, nhưng anh em đã chiến đấu kiên cường nên đã giữ được đảo Cô Lin và Len Đao.
Sở dĩ giữ được Cô Lin, Len Đao phải nói đến tài xử lý khôn ngoan của người chỉ huy tàu; khi địch áp đảo, anh em thương vong lớn, đồng chí chỉ huy tàu đã ra lệnh cho lao tàu lên bãi ngầm, tạo thành điểm tựa tiếp tục đánh địch.
Địch bị thương vong nặng nên phải rút, do đó ta đã giữ được Cô Lin và Len Đao. Còn đảo Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm; 64 chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh.
Ngày nay đảo Cô Lin đã được xây dựng thành một điểm tựa vững chắc để giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc Việt Nam.
Trước khi tới đảo Cô Lin, đoàn công tác đã tổ chức lễ truy điệu các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ngày 14/3/1988 tại Gạc Ma.
Lễ truy điệu tuy đơn giản nhưng vô cùng xúc động, mình không cầm được nước mắt; mình cứ hình dung những đồng đội đã hy sinh tại đây như những người em, người con của mình, đang luôn luôn bên các chiến sĩ để giữ đảo.
Mong rằng hương hồn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại biển, đảo khu vực Gạc Ma và quần đảo Trường Sa hãy luôn phù hộ độ trì cho đồng đội lớp con cháu mạnh khỏe, chắc tay súng giữ vững biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngày 8/4/2017 thăm đảo Phan Vinh:
Đảo Phan Vinh còn gọi là đảo Hòn Sập nằm ở vĩ độ 080 58' 32"N, kinh độ 1130 42' 32"E.
Đảo chạy dài từ hướng Đông Bắc xuống Đông Nam, trên nền san hô hình vành khuyên, dài khoảng 5 hải lý, giữa vành đai san hô là một hồ nước sâu. Đảo hiện nay có diện tích gần 30.000 m2.
Đảo được mang tên Phan Vinh là tên người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trên con tàu "không số" trong những năm đánh Mỹ.
Đảo có nhiều cây xanh tạo cảnh quan môi trường xanh tươi cho toàn đảo.
Anh em cán bộ, chiến sĩ đã có nhiều cố gắng trong việc chăn nuôi, trồng rau để cải thiện, nâng cao đời sống, đã nuôi được mấy chục con lợn, có con nặng trên 100kg, đặc biệt vườn rau xanh với các loại rau: rau cải, rau muống, mướp sai trĩu quả...
Hệ thống điện phục vụ chiếu sáng cho sinh hoạt và đảm bảo cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu được đầu tư xây dựng: điện gió, điện mặt trời đáp ứng yêu cầu của đảo.
Hệ thống trận địa bảo đảm cho sẵn sàng chiến đấu được xây dựng liên hoàn, vững chắc.
Cuộc sống ăn ở cả vật chất và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trên đảo khá tốt, tạo sự yên tâm gắn bó với đảo.
Lên đảo, đoàn đã vào chùa thắp hương, trồng cây lưu niệm; thăm sở chỉ huy trạm ra đa của đơn vị phòng không - không quân; dự liên hoan văn nghệ do đoàn văn công Quân khu 1 phối hợp với đội văn nghệ của đảo, buổi biểu diễn rất vui, sôi nổi và ấm áp.
Đoàn đã nghe đồng chí chỉ huy đảo báo cáo tình hình hoạt động các mặt của đơn vị.
Đảo Phan Vinh là một đảo đẹp, sẵn sàng chiến đấu cao, đã để lại trong lòng mỗi thành viên trong đoàn ấn tượng rất tốt đẹp, niềm tin yêu với tất cả các cán bộ, chiến sĩ trên đảo.
Ngày 9 tháng 4 năm 2017, Đoàn thăm đảo Đá Tây:
Đảo Đá Tây nằm phía nam quần đảo Trường Sa, ở vĩ độ 080 51' 42”N, kinh độ 1120 13' 32"E, là một trong những đảo có vị trí quan trọng trong quần đảo Trường Sa.
Đảo Đá Tây có hình quả trám nằm theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, ở giữa là một hồ sâu.
Chiều dài đảo có thể phân ra thành 4 đảo nhỏ riêng biệt ngăn cách bởi các luồng sâu; ở bãi cát san hô phía đông có một doi cát nổi lên chỗ cao nhất khoảng 0,7m.
Đây là một đảo chìm được bồi đắp thành một đảo lớn có diện tích tới hơn 20ha.
Ở đây đã xây dựng được một âu tàu lớn có thể chứa được hàng trăm tàu thuyền của ngư dân vào tránh bão.
Đảo còn là nơi dịch vụ hậu cần cung cấp dầu, nước ngọt bổ xung cho các tàu thuyền, thu mua hải sản của ngư dân đánh bắt được đưa vào đất liền tiêu thụ.
Trên đảo, trong tương lai sẽ xây dựng nhà máy chế biến hải sản để xuất khẩu ngay tại đây.
Hiện nay đảo đang là một công trường tiếp tục xây dựng các công trình dân sinh, cũng như các công trình chiến đấu để giữ biển, đảo của Tổ quốc.
14 giờ ngày 9/4/2017, Đoàn đi thăm đảo Trường Sa:
Đảo Trường Sa được mệnh danh là thủ phủ của huyện đảo Trường Sa, giống như một pháo đài sừng sững kiên trung giữa Biển Đông, ở vĩ độ 080 38' 41"N, kinh độ 1110 55' 12"E, ở phía nam quần đảo Trường Sa, có hình dáng gần giống một tam giác vuông, mặt đảo bằng phẳng.
Đảo nằm cách Cam Ranh, Khánh Hòa khoảng 254 hải lý; đây là một huyện của tỉnh Khánh Hòa.
Thổ nhưỡng trên đảo là cát san hô được phủ một lớp mùn mỏng lẫn phân chim, có nhiều chim trú ngụ như hải âu, hải yến, vịt biển...
Đảo có nhiều cây xanh như dừa, phi lao, bàng vuông...
Lúc thủy triều xuống thấp nhất, mặt đảo cao khoảng 3 - 5m; ở độ sâu khoảng 2m có nước lợ có thể tắm rửa và trồng, tưới cây trên đảo.
Trên đảo có trạm thông tin liên lạc, trạm quan trắc khí tượng, cầu tàu.
14 giờ, đoàn đến thăm đảo Trường Sa. Đảo có một đường băng cho máy bay cỡ nhỏ có thể hạ cánh.
Sau khi cập cảng, đoàn dự lễ chào cờ, lễ duyệt đội ngũ của cán bộ, chiến sĩ trên đảo.
Đoàn cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên được vinh dự trao tặng ảnh cột cờ Lũng Cú cho đảo ngay tại mốc chủ quyền đảo Trường Sa.
Tiếp theo đoàn đi viếng đài liệt sĩ trên đảo; đài liệt sĩ được xây dựng to đẹp, trang nghiêm.
Đền thờ Bác Hồ được xây dựng trong khuôn viên cây xanh thoáng mát.
Trên đảo cũng đã xây dựng một ngôi chùa. Chùa Trường Sa rộng rãi, các tượng Phật được tạc bằng đá rất đẹp.
Đảo có trường học cấp 1 phổ thông. Đoàn đã chụp ảnh lưu niệm, ăn cơm chiều do anh em cán bộ, chiến sĩ trên đảo chiêu đãi.
Tất cả các món ăn đều là thực phẩm do anh em tại đảo chăn nuôi, sản xuất được.
Buổi tối, một số đại biểu cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên đi thăm và tặng quà một số gia đình trên đảo; dự giao lưu nghệ thuật do đoàn văn công Quân khu 1 phối hợp với đội văn nghệ của đảo tổ chức.
Cảm nghĩ về lâu dài nếu được đầu tư tiếp, đảo Trường Sa sẽ là một đô thị đẹp giữa biển khơi của Tổ quốc; nếu phát triển du lịch sẽ đem lại nguồn lợi về kinh tế, đồng thời khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông.
Ngày 10 tháng 4 năm 2017, Đoàn đi thăm nhà giàn DK1:
6 giờ 30 phút, Đoàn đi thăm nhà giàn DK1. Trước khi lên thăm nhà giàn, toàn đoàn đã tổ chức lễ truy điệu các liệt sĩ.
Ở đây, trong một cơn bão lớn cấp 12, 13 nhà giàn bị quật đổ, một số đồng chí đã hy sinh.
Nhà giàn DK1 làm bằng thép, có 4 cột lớn bằng thép được xây dựng vững chắc, đây là "Cột mốc chủ quyền quốc gia đặc biệt" của Việt Nam trên Biển Đông.
Trên Biển Đông ta có nhiều nhà giàn. Không chỉ là mốc tiền tiêu khẳng định chủ quyền của Việt Nam mà các nhà giàn DK1 còn là những ngọn hải đăng trên thềm lục địa; là chỗ dựa để bà con ngư dân làm ăn tại các vùng biển phía Nam.
Với ngư dân, sau những ngày dài lênh đênh rong ruổi theo những luồng cá trên biển, ánh sáng từ những ngọn đèn trên nhà giàn chính là nguồn động viên to lớn đối với họ, để họ cảm nhận mình không lẻ loi, cô đơn giữa biển cả mênh mông.
Nhất là vào những ngày mưa bão, khi đại dương nổi cơn phong ba thịnh nộ, giữa khoảng không mù mịt không phân biệt đâu là biển, đâu là trời; những nhà giàn DK1 nhỏ bé giữa trùng khơi ấy lại là điểm tựa vững chắc, là chiếc bè cứu sinh vững vàng cho các ngư dân bám trụ.
Biển dưới chân nhà giàn có rất nhiều cá bơi lội, vì sau mỗi bữa khi ăn xong, anh em cán bộ, chiến sĩ lại đổ thức ăn thừa xuống cho cá ăn. Có những con cá to có thể nặng đến vài chục cân. Đây cũng là nơi ngắm cảnh, câu cá của bộ đội ta lúc nghỉ ngơi, thư giãn.
10 giờ ngày 10 tháng 4 năm 2017 dời nhà dàn, kết thúc đợt đi thăm quần đảo Trường Sa của đoàn công tác số 2 của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức năm 2017.
Sau khi kết thúc chuyến thăm 11 đảo và nhà giàn của đoàn công tác số 2 do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức, Tổng cục Chính trị có lấy ý kiến của các đồng chí cấp tướng đi trong đoàn về việc tổ chức các công trình, kế hoạch phòng thủ, về bảo đảm đời sống cho cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên đảo để có thể sinh hoạt, chiến đấu lâu dài, giữ vững chủ quyền biển, đảo của đất nước.
Cảm nghĩ của riêng mình sau chuyến thăm quần đảo Trường Sa, trước hết vô cùng khâm phục ông cha ta cách đây hàng mấy trăm năm đã có một tư duy chiến lược có tầm vóc đi trước thời đại, đã thấy được giá trị chiến lược của biển, đảo đối với xây dựng, phát triển, bảo vệ Tổ quốc cho con cháu muôn đời mai sau.
Tin tưởng tinh thần lạc quan, ý chí kiên cường, quyết tâm giữ vững biển đảo của Việt Nam ngày hôm nay.
Biển Đông có một vị trí chiến lược quan trọng, là tuyến đường biển giao thương quốc tế, nhiều tài nguyên phong phú nhất là hải sản, đặc biệt là khoáng sản dưới đáy biển. Đối với Việt Nam có một vị trí đặc biệt quan trọng về chiến lược phòng thủ đất liền, biển, đảo; phát triển kinh tế...
Ngày nay, Biển Đông luôn diễn biến phức tạp, các thế lực bành trướng, thù địch luôn luôn muốn độc chiếm Biển Đông, đánh chiếm biển, đảo của Việt Nam.
Do đó đòi hỏi các thế hệ ngày nay và mai sau phải luôn giáo dục ý thức cảnh giác cho nhân dân, bằng mọi phương thức, biện pháp để tăng cường sức mạnh về mọi mặt chính trị, ngoại giao, quốc phòng... để đánh thắng mọi kẻ thù, giữ vững lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc Việt Nam; từng bước đấu tranh lấy lại những khu vực biển, đảo mà các thế lực thù địch đã chiếm.