EMagazine

Thời đại số, học Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông có cơ hội việc làm rộng mở

Thời đại số, học Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông có cơ hội việc làm rộng mở

28/07/2025 10:33
Doãn Nhàn
Theo dõi trên Google News

GDVN -Không chỉ là kỹ thuật, Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông đang mở rộng ra nhiều lĩnh vực mới, mang lại cơ hội việc làm đa dạng trong thời đại số.

01.png

Ngày nay, vẫn có rất nhiều người vẫn cho rằng ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông đã lỗi thời. Họ hình dung về một ngành học gắn liền với điện thoại bàn, dây dẫn rối rắm hoặc các bảng mạch cần sửa chữa thủ công.

Chính vì những định kiến này, không ít phụ huynh và học sinh tỏ ra e ngại, cho rằng ngành này quá khô khan, khó ứng dụng, hoặc sẽ sớm bị thay thế khi công nghệ thay đổi nhanh chóng.

Tuy nhiên, theo cô Ngô Thị Thu Tình - Phó Trưởng Bộ môn, phụ trách Bộ môn Điện tử viễn thông Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, mặc dù không “gây sốt” như Khoa học dữ liệu hay Công nghệ thông tin nhưng Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông vẫn là một trong những ngành học đầy tiềm năng, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội hiện đại.

co-tinh.jpg
Cô Ngô Thị Thu Tình - Phó Trưởng Bộ môn, phụ trách Bộ môn Điện tử viễn thông Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải.

“Trong bối cảnh hiện nay, đây là một trong những ngành có tốc độ chuyển mình mạnh mẽ và gắn chặt với hầu hết các lĩnh vực đang phát triển: từ Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), mạng 5G, đến xe tự động lái, thành phố thông minh, sản xuất số, y tế từ xa,...

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang là chiến lược quốc gia và cũng là xu hướng toàn cầu, việc lựa chọn học ngành này không chỉ là đón đầu công nghệ, mà còn là đón đầu cơ hội việc làm trong tương lai gần”, cô Tình khẳng định.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Tình cho biết, sinh viên học về Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông khi tốt nghiệp ra trường có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc đa dạng, trải rộng từ lĩnh vực kỹ thuật phần cứng đến phần mềm, từ nghiên cứu, giảng dạy đến triển khai thực tế trong các doanh nghiệp và tổ chức.

Cụ thể, sinh viên có thể làm kỹ sư thiết kế và lắp ráp mạch điện tử, tham gia vào việc phát triển và tích hợp hệ thống thiết bị điện tử tại các công ty sản xuất, lắp ráp thiết bị, doanh nghiệp công nghệ và các hãng cung cấp giải pháp điện tử, viễn thông.

Bên cạnh đó, sinh viên có thể đảm nhiệm vai trò kỹ sư phát triển phần mềm cho các hệ thống điện tử - viễn thông, cũng như kỹ sư lập trình và thiết kế máy tính nhúng, là lĩnh vực đang được ứng dụng rộng rãi trong các thiết bị thông minh và công nghiệp tự động hóa.

Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp còn có thể trở thành chuyên viên tư vấn kỹ thuật, làm cầu nối giữa đội ngũ kỹ sư và khách hàng, hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp trong việc lựa chọn, triển khai các giải pháp công nghệ phù hợp.

Sinh viên năm thứ nhất, chuyên ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông đạt giải nhất cuộc thi "Cuộc chơi sáng tạo - Học tư duy", Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải.
Sinh viên năm thứ nhất, chuyên ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông đạt giải nhất cuộc thi "Cuộc chơi sáng tạo - Học tư duy", Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải.
Sinh viên Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông & Công nghệ Kỹ thuật Vi mạch bán dẫn K75 (UTT) trải nghiệm thực tế tại Goertek Vina.
Sinh viên Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông & Công nghệ Kỹ thuật Vi mạch bán dẫn K75 (UTT) trải nghiệm thực tế tại Goertek Vina.

Một hướng đi nghề nghiệp phổ biến khác là trở thành kỹ sư viễn thông, đảm nhiệm thiết kế, triển khai, bảo trì các hệ thống mạng viễn thông, tối ưu hiệu suất và xử lý sự cố kết nối, tín hiệu. Các vị trí này hiện có nhu cầu cao tại các tập đoàn như Viettel, VNPT, Mobifone, FPT Telecom cũng như các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông quốc tế, trung tâm điều hành giao thông, thông tin tín hiệu đường sắt và kỹ thuật dẫn đường hàng không.

Với nền tảng kiến thức chuyên sâu, sinh viên ngành này cũng có thể theo đuổi con đường học thuật, trở thành giảng viên hoặc nghiên cứu viên tại các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu. Đồng thời, tiềm năng khởi nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ cao như viễn thông, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đang mở ra nhiều cơ hội hấp dẫn cho những bạn trẻ đam mê sáng tạo và đổi mới.

Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Cổ phần Tư vấn và Dịch vụ Công nghệ ASIC.
Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Cổ phần Tư vấn và Dịch vụ Công nghệ ASIC.
Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải với Đại học tổng hợp kỹ thuật thông tin và truyền thông Matxcơva, Nga (MTUCI).
Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải với Đại học tổng hợp kỹ thuật thông tin và truyền thông Matxcơva, Nga (MTUCI).
hoa-binh-dep-lam-1.png

Phó Trưởng Bộ môn Ngô Thị Thu Tình cho biết, tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải (UTT), Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông là một trong những chuyên ngành thu hút được nhiều sự quan tâm của thí sinh.

Chương trình đào tạo chuyên ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông tại UTT được thiết kế kéo dài 4,5 năm, trang bị cho sinh viên nền tảng kiến thức vững chắc từ cơ bản đến chuyên sâu. Sinh viên được học từ các học phần nền tảng như Điện tử cơ bản, Lý thuyết mạch, Kỹ thuật lập trình đến các môn chuyên sâu như Kỹ thuật mạch điện tử, Điện tử số và Xử lý tín hiệu số. Sinh viên còn được trang bị kỹ năng lập trình vi điều khiển và vi xử lý – những công cụ then chốt trong thiết kế các thiết bị điện tử, hệ thống nhúng và ứng dụng IoT.

Ngoài ra, chương trình đào tạo còn tập trung vào các lĩnh vực ứng dụng cao như Mạng viễn thông, Thông tin số, Thông tin vô tuyến, An ninh mạng thông tin và các hệ thống truyền thông thế hệ mới.

Một điểm nổi bật trong đào tạo tại UTT là mô hình kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành. Sinh viên học tập trong môi trường giàu tính ứng dụng, được tiếp cận các phòng thí nghiệm hiện đại, các bài toán thực tế và các học phần đặc thù gắn với ngành giao thông vận tải - lĩnh vực thế mạnh truyền thống của nhà trường như Ứng dụng điện tử truyền thông trong ITS, đồ án ITS. Đây cũng là ưu thế giúp sinh viên mở rộng khả năng ứng dụng vào các hệ thống dẫn đường hàng không, tín hiệu đường sắt, hạ tầng giao thông thông minh…

“Nhà trường đặc biệt chú trọng hợp tác rộng rãi với doanh nghiệp, tạo điều kiện để sinh viên thực tập tại các đơn vị lớn như Viettel, VNPT, FPT Telecom, Goertek Vina, Công ty TNHH Hạ tầng viễn thông Miền Bắc (TIN), ASIC… Nhiều sinh viên sau thời gian thực tập đã được tuyển dụng chính thức, làm việc đúng chuyên ngành”, cô Tình chia sẻ.

fbb6fa7696521f0c4643-2695.jpg
Giảng viên cùng nữ sinh chuyên ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông và Công nghệ Kỹ thuật Vi mạch bán dẫn (UTT) tham dự chương trình Women drive green future, do Vinfast và Ngân hàng ADB tổ chức dành cho giảng viên và nữ sinh viên trong lĩnh vực STEM.
Giảng viên và sinh viên UTT tham gia hoạt động giao lưu cùng các đại diện từ Đại học Năng lượng Mát-x-cơ-va (MEI).
Giảng viên và sinh viên UTT tham gia hoạt động giao lưu cùng các đại diện từ Đại học Năng lượng Mát-x-cơ-va (MEI).

Cùng với môi trường đào tạo thực tiễn, đội ngũ giảng viên của ngành cũng là điểm mạnh nổi bật. Theo cô Ngô Thị Thu Tình, các giảng viên đều có trình độ cao, được đào tạo từ các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước, có kinh nghiệm thực tế, từng tham gia các dự án ứng dụng tại doanh nghiệp. Nhờ đó, sinh viên được trang bị cả nền tảng học thuật vững chắc lẫn khả năng giải quyết các vấn đề kỹ thuật phức tạp trong môi trường thực tế.

Không chỉ giảng dạy, đội ngũ giảng viên còn tích cực tham gia các tổ chức nghề nghiệp như Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam, kết nối mạnh mẽ với cộng đồng chuyên môn trong và ngoài nước. Nhiều chuyên gia từ doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học lớn cũng tham gia thỉnh giảng, giúp sinh viên cập nhật kịp thời các xu hướng công nghệ mới nhất.

Đáng chú ý, sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông tại UTT có cơ hội tham gia các dự án nghiên cứu và khởi nghiệp có yếu tố quốc tế như: Urban Living Lab - mạng lưới hợp tác giữa các đại học và viện nghiên cứu toàn cầu; Solution+ do Ủy ban châu Âu tài trợ; dự án phát triển phương tiện điện xanh do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tài trợ…

hoa-binh-dep-lam.png

Chia sẻ thêm về môi trường học tập, cô Tình cho biết, sinh viên chuyên ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông nói riêng và sinh viên UTT nói chung, luôn được tạo điều kiện để vận dụng kiến thức chuyên ngành vào thực tế thông qua các bài tập lớn, đồ án, dự án gắn với nhu cầu xã hội.

“Các em không chỉ học lý thuyết mà còn được tham gia vào quá trình thiết kế, lập trình, thử nghiệm sản phẩm. Từ đó, sinh viên trưởng thành rất nhanh, hiểu sâu hơn về giá trị của ngành học và thấy rõ mình có thể đóng góp gì cho xã hội”, cô Tình chia sẻ.

Một ví dụ điển hình là sản phẩm “Thiết bị phát hiện trẻ bị bỏ quên trên ô tô” của sinh viên Kiều Duy Đông (cựu sinh viên chuyên ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải). Dự án này là minh chứng rõ ràng cho khả năng ứng dụng linh hoạt kiến thức điện tử - viễn thông vào các giải pháp công nghệ thực tiễn, đáp ứng yêu cầu an toàn trong cuộc sống cũng như phục vụ cộng đồng.

Sản phẩm này cũng được thực hiện dưới sự hướng dẫn và góp ý chuyên môn của cô Ngô Thị Thu Tình. Những sản phẩm nghiên cứu khoa học như vậy không chỉ giúp sinh viên củng cố và mở rộng kiến thức chuyên ngành mà còn rèn luyện kỹ năng phân tích, thiết kế hệ thống, xử lý vấn đề thực tế. Đây cũng chính là những yếu tố then chốt để trở thành kỹ sư Điện tử - Viễn thông vững tay nghề trong thời đại công nghệ số.

Sinh viên Kiều Duy Đông đang thuyết trình về ý tưởng sản phẩm “Thiết bị phát hiện trẻ bị bỏ quên trên ô tô” tại cuộc thi Ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên 2023. Sản phẩm này của Đông cũng đã được dự thi ở cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sinh viên Kiều Duy Đông đang thuyết trình về ý tưởng sản phẩm “Thiết bị phát hiện trẻ bị bỏ quên trên ô tô” tại cuộc thi Ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên 2023. Sản phẩm này của Đông cũng đã được dự thi ở cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chia sẻ với phóng viên, sinh viên Kiều Duy Đông cho biết, thiết bị có khả năng nhận diện sự hiện diện của trẻ nhỏ ngay cả trong tình huống trẻ đang ngủ hoặc bị khuất tầm nhìn, điều mà nhiều hệ thống camera thông thường không làm được, nhờ vào công nghệ cảm biến hiện diện quét radar. Đặc biệt, sản phẩm sử dụng module SIM chuẩn 4G-LTE cho phép nghe gọi và gửi cảnh báo qua nền tảng 4G, giúp đảm bảo khả năng hoạt động ổn định tại những khu vực đã ngừng phủ sóng 2G.

“Ý tưởng về thiết bị đến với em sau khi đọc tin về những vụ việc thương tâm liên quan đến trẻ nhỏ bị bỏ quên trong xe đóng kín. Em đã tự hỏi: liệu có cách nào để phát hiện và cảnh báo sớm trước khi quá muộn? Từ đó, em bắt tay vào thiết kế sản phẩm, kết hợp các cảm biến và hệ thống cảnh báo. Khi nhìn thấy sản phẩm vận hành đúng như kỳ vọng, em thực sự thấy kiến thức mình học có ý nghĩa”, nam sinh chia sẻ.

Từ phiên bản ban đầu, Đông đã tiếp tục phát triển và hoàn thiện thiết bị qua nhiều giai đoạn nhằm hướng tới khả năng thương mại hóa. Một số cải tiến đáng chú ý bao gồm phát triển nhiều điểm cảm biến giao tiếp không dây thu về một bộ điều khiển trung tâm cho xe khách lớn; bổ sung bộ báo pin cho thiết bị; tích hợp chức năng nhận diện trạng thái khi tắt máy và tài xế rời khỏi xe thì thiết bị mới bắt đầu hoạt động; đồng thời bổ sung tính năng cảnh báo khi pin yếu hoặc nhiệt độ tăng cao trong xe.

Sản phẩm không chỉ thể hiện năng lực kỹ thuật, tinh thần sáng tạo và trách nhiệm xã hội của sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông mà còn cho thấy sự đồng hành hiệu quả giữa nhà trường và giảng viên trong việc thúc đẩy sinh viên làm chủ công nghệ, hướng tới giải quyết các bài toán thực tiễn, mang lại giá trị cho cộng đồng.

Dành lời khuyên cho những thí sinh đang quan tâm đến ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, cô Ngô Thị Thu Tình nhấn mạnh: “Đây là ngành học đặc biệt phù hợp với các bạn có tư duy logic, yêu thích công nghệ, đam mê khám phá thiết bị điện tử. Nếu bạn mong muốn được làm việc trong các lĩnh vực gắn liền với chuyển đổi số, hạ tầng thông minh và các xu hướng công nghiệp hiện đại, thì đây sẽ là lựa chọn đầy tiềm năng”.

Doãn Nhàn