Từ ngày 1/7/2025, các địa phương trên cả nước vận hành mô hình chính quyền hai cấp. Lĩnh vực giáo dục từ đó cũng có nhiều sự thay đổi khi không còn cấp huyện. Từ năm học 2025 - 2026, hội thi giáo viên giỏi sẽ là 3 cấp gồm: cấp trường – cấp xã – cấp tỉnh.
Lo ngại thiếu đội ngũ chuyên môn đủ kinh nghiệm tổ chức
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Phú Quang - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh (phường Liên Chiểu, Đà Nẵng) bày tỏ băn khoăn về tính hiệu quả của việc tổ chức thực hiện hội thi giáo viên dạy giỏi cấp xã khi áp dụng trong thực tế.
“Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc chính quyền cấp xã/phường hiện nay còn thiếu đội ngũ cán bộ chuyên trách có đủ chuyên môn sâu và kinh nghiệm tổ chức các hoạt động mang tính sư phạm phức tạp. Điều này dẫn đến sự lúng túng, thiếu chủ động trong công tác tổ chức và đánh giá tại nhiều địa phương.
Để khắc phục những hạn chế này, thay vì tổ chức dàn trải tại cấp xã/phường, nên tập trung hội thi ở cấp trường. Mục đích là để mỗi trường tự phát hiện và đánh giá đúng năng lực của giáo viên, từ đó chọn lọc những cá nhân xuất sắc nhất để bồi dưỡng, chuẩn bị tham gia thi ở cấp cao hơn như cấp thành phố hoặc cấp tỉnh.
Cách làm này không chỉ giúp giảm bớt áp lực không cần thiết cho giáo viên, tránh tình trạng họ phải tham gia quá nhiều cuộc thi cùng lúc, mà còn góp phần nâng cao chất lượng thực chất của đội ngũ giáo viên, đảm bảo tính chuyên sâu và hiệu quả của các hội thi”, thầy Quang cho hay.

Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh, bên cạnh những băn khoăn về hiệu quả, hội thi ở cấp xã/phường vẫn có tiềm năng trở thành công cụ hữu ích để phát hiện và bồi dưỡng giáo viên giỏi, nếu được tổ chức một cách nghiêm túc, công tâm và khoa học.
Cấp xã/phường sẽ đóng vai trò là cầu nối quan trọng, vừa tạo điều kiện cho đông đảo giáo viên được rèn luyện, vừa là bước sàng lọc cần thiết trước khi giáo viên đến với các cuộc thi cấp tỉnh/thành phố. Việc giao quyền tổ chức cho địa phương vốn dĩ là một ý tưởng hay, giúp cuộc thi trở nên gần gũi hơn với thực tế giảng dạy và học tập tại cấp cơ sở.
Nhưng như đã phân tích, do thiếu vắng lực lượng chuyên môn có kinh nghiệm, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng, thiếu chủ động trong việc xây dựng quy trình tổ chức, giám sát và đánh giá chất lượng một cách bài bản.
Cùng bàn về vấn đề này, thầy Trần Văn Nam - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trực Đạo (xã Cát Thành, tỉnh Ninh Bình) cho rằng phương án chỉ nên duy trì hội thi giáo viên dạy giỏi ở cấp trường và cấp tỉnh hoặc tổ chức theo hình thức liên trường, liên xã/phường thay vì ở cấp xã/phường là một hướng đi hợp lý, cần được xem xét trong bối cảnh thực tiễn hiện nay.
Việc tổ chức hội thi ở cấp trường, sau đó chọn lọc giáo viên tiêu biểu để tham gia thi ở cấp tỉnh sẽ vừa đảm bảo chất lượng, vừa tạo môi trường thi cử nhẹ nhàng, thực chất hơn. Đồng thời, nó không chỉ giúp giảm áp lực cho giáo viên và ban tổ chức, mà còn tránh được sự trùng lặp, tốn kém trong khâu tổ chức.
Cũng theo thầy Nam, việc đảm bảo đủ giám khảo có chuyên môn phù hợp ở cấp xã/phường cũng đặt ra một thách thức không nhỏ, gây khó khăn cho quá trình tổ chức và đảm bảo tính khách quan của hội thi.
Trong khi đó, cô Trần Kim Ngọc - Giáo viên Trường Mầm non Tháng Tám (phường Hoàn Kiếm, Hà Nội) khẳng định, hội thi giáo viên dạy giỏi từ lâu đã được xem là một sân chơi bổ ích, là cơ hội quý báu để các giáo viên giao lưu, học hỏi, trau dồi chuyên môn và khẳng định năng lực cá nhân.
Danh hiệu "giáo viên dạy giỏi" không chỉ là sự công nhận xứng đáng cho những nỗ lực và cống hiến không ngừng nghỉ mà còn là nguồn động viên tinh thần to lớn, thúc đẩy mỗi giáo viên không ngừng đổi mới, sáng tạo và nâng cao chất lượng giảng dạy.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc tham gia hội thi vẫn đang gây áp lực lớn cho nhiều giáo viên do những quy định hình thức rườm rà, một số yêu cầu chưa phù hợp với thực tiễn dạy học, làm hạn chế sự chủ động và tính sáng tạo của người dự thi.

Bên cạnh đó, quá trình tổ chức hội thi đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và kinh phí. Khi có giáo viên tham gia, cả tổ chuyên môn thường phải cùng nhau chuẩn bị, hỗ trợ về chuyên môn, xây dựng bài giảng, nội dung, phương pháp.
Người dự thi không chỉ là đại diện cho bản thân mà còn thể hiện cả quá trình nỗ lực của tập thể đã dày công chuẩn bị, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và công sức lớn. Mặc dù vậy, việc đánh giá đôi khi vẫn mang tính chủ quan, cảm tính, khiến kết quả chưa phản ánh đúng năng lực thực tế của giáo viên, dẫn đến tình trạng “diễn” để thi thay vì thể hiện chất lượng giảng dạy thực chất.
Việc giao thẩm quyền tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi cho Ủy ban nhân dân cấp xã/phường có thể mang lại sự chủ động và linh hoạt hơn trong tổ chức, nhưng cũng có thể gặp một số khó khăn.
Khâu tổ chức hội thi cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hướng dẫn cụ thể và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp để thực sự hiệu quả và tránh hình thức.
“Tôi hoàn toàn nhất trí chỉ nên tổ chức hội thi ở cấp trường và cấp tỉnh/thành phố vì điều này có thể giúp giảm áp lực cho giáo viên, tập trung nguồn lực và nâng cao chất lượng của hội thi. Việc tập trung thi ở trường giúp các đơn vị có thể đầu tư tốt hơn về cơ sở vật chất, thời gian và công sức để tổ chức hội thi một cách nghiêm túc và hiệu quả”, cô Ngọc bày tỏ.
Cần có quy trình tổ chức minh bạch, đảm bảo tính khách quan và công bằng
Để tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi ở cấp xã/phường một cách hiệu quả, theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh, cần thiết lập một quy trình tổ chức chuyên nghiệp và minh bạch. Trong đó, việc xây dựng kế hoạch rõ ràng, chi tiết cho từng vòng thi là bước đầu tiên.
Tiếp theo, cần thành lập hội đồng thi có tính khách quan cao, bao gồm cán bộ quản lý có kinh nghiệm và các giáo viên cốt cán đến từ nhiều trường khác nhau trên địa bàn, nhằm tránh tình trạng chủ quan hoặc thiên vị.
Một giải pháp hiệu quả nữa là nên mời các giáo viên từng đạt giải cao ở cấp huyện trước kia hoặc cấp tỉnh tham gia vào ban giám khảo hoặc hỗ trợ chuyên môn trong quá trình tổ chức hội thi.
Đồng thời, việc tổ chức tập huấn bài bản cho ban giám khảo theo bộ tiêu chí chấm thi chuẩn hóa của Sở Giáo dục và Đào tạo là yêu cầu bắt buộc, nhằm đảm bảo tính thống nhất trong việc đánh giá và nâng cao chất lượng chuyên môn của toàn hệ thống hội thi.

“Để bảo đảm hội thi giáo viên dạy giỏi ở cấp xã/phường thực sự có chất lượng cao và tạo động lực tích cực cho giáo viên, cần tập trung vào việc chuẩn hóa rõ ràng các tiêu chí chấm thi.
Các tiêu chí này cần tập trung vào những yếu tố cốt lõi và mang tính quyết định đến chất lượng giảng dạy như: kiến thức chuyên môn vững vàng, khả năng vận dụng và đổi mới phương pháp giảng dạy, kỹ năng truyền đạt kiến thức một cách rõ ràng và hấp dẫn, khả năng tương tác hiệu quả với học sinh, kỹ năng sư phạm tổng hợp, cùng với phẩm chất đạo đức và tác phong nghề nghiệp chuẩn mực.
Trong bối cảnh thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, việc ban hành một bộ tiêu chí chấm thi thống nhất, dựa trên chuẩn nghề nghiệp giáo viên và định hướng đổi mới giáo dục quốc gia, là đặc biệt cần thiết và cấp bách. Điều này sẽ đảm bảo tính công bằng, minh bạch và nhất quán trong đánh giá giữa các địa phương”, thầy Quang nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, cô Trần Kim Ngọc nhấn mạnh cần có những điều chỉnh phù hợp và quyết liệt từ cấp quản lý để hội thi giáo viên dạy giỏi thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển chuyên môn của giáo viên.
Trước hết, việc đánh giá cần phải đảm bảo tính khách quan và công bằng tuyệt đối. Điều này đòi hỏi phải xây dựng một hệ thống tiêu chí rõ ràng, cụ thể, có thể định lượng được và hạn chế tối đa sự chi phối của cảm xúc cá nhân.
Các tiêu chí nên tập trung vào hiệu quả học tập của học sinh, khả năng ứng dụng phương pháp mới, kỹ năng quản lý lớp học, và khả năng truyền cảm hứng. Cần có cơ chế minh bạch trong quy trình chấm thi, có thể là sự tham gia đa dạng của các thành phần (quản lý, giáo viên giàu kinh nghiệm từ trường khác, chuyên gia giáo dục) và có những quy định cụ thể để kiểm soát tính khách quan.
Cùng với đó, cần có những giải pháp thiết thực để giảm áp lực cho giáo viên tham gia. Điều này không có nghĩa là hạ thấp tiêu chuẩn, mà là tạo ra một môi trường thi cởi mở, khuyến khích sự sáng tạo và thể hiện năng lực thực tế, thay vì chạy theo thành tích hay những quy định cứng nhắc.

Bên cạnh hình thức tiết dạy trình diễn truyền thống, hội thi cũng nên đa dạng hóa các hình thức đánh giá và hoạt động. Có thể bổ sung các phần thi về thiết kế giáo án điện tử, xây dựng học liệu số, trình bày sáng kiến kinh nghiệm, hoặc giải quyết các tình huống sư phạm thực tế.
Đặc biệt, cần tăng cường các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các giáo viên, tạo không gian để họ học hỏi lẫn nhau, thảo luận về những thách thức trong giảng dạy và tìm kiếm giải pháp. Điều này sẽ giúp hội thi trở thành một diễn đàn phát triển chuyên môn thực sự thiết thực và hiệu quả hơn, thay vì chỉ là một cuộc thi mang nặng tính hình thức.
Ngoài ra, cần lựa chọn ban giám khảo là những người có năng lực chuyên môn cao, có kinh nghiệm, công tâm và am hiểu về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm.
Bên cạnh đó, bộ tiêu chí đánh giá cũng cần xây dựng chi tiết, cụ thể, khách quan, và phản ánh đúng năng lực của giáo viên. Tiêu chí cần bao gồm các nội dung như: kiến thức chuyên môn, kỹ năng sư phạm, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, khả năng sáng tạo trong giảng dạy, khả năng tương tác với học sinh, và khả năng giải quyết các tình huống sư phạm.