Nhiều trăn trở xung quanh 777 bài thi bị điểm liệt môn Toán

28/07/2025 06:46
Đỗ Quyên
Theo dõi trên Google News

GDVN - Nhiều sự băn khoăn về việc 3 năm trung học phổ thông, giáo viên, nhà trường đã đã đánh giá kết quả học tập của học sinh đã chính xác chưa?

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 được đánh giá là có độ phân hóa tốt, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, một điều khiến không ít người quan tâm đến giáo dục trăn trở là có tới 777 học sinh bị điểm liệt môn Toán (dưới 1 điểm). Trong khi đó, đề thi có cấu trúc rõ ràng, với nhiều câu hỏi là kiến thức cơ bản.

tt.jpg
Ảnh minh họa: Báo điện tử Chính phủ

777 thí sinh bị liệt, kiến thức thật sự của các em đang ở đâu?

Đề thi Toán năm nay được thiết kế thành 3 phần: Phần 1, từ câu 1 đến câu 12 chọn đáp án đúng. Phần này, có 12 câu thuộc dạng trắc nghiệm lựa chọn A/B/C/D chủ yếu kiểm tra kiến thức cơ bản ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Đây được xem là phần “gỡ điểm” cho học sinh. Với giáo viên, chúng tôi thường nói vui đây là những câu hỏi "tặng điểm" để học sinh trung bình có thể đạt được 3-4 điểm.

Tiếp đến phần 2 là 4 câu đúng/sai, mỗi câu gồm 4 ý. Tiếp đó là 6 câu trả lời ngắn: yêu cầu tư duy cao, vận dụng kiến thức để giải quyết tình huống thực tế, phân loại rõ học sinh khá giỏi.

Thế nhưng, nhiều học sinh vẫn không đạt nổi trên1 điểm. Nghĩa là không trả lời đúng nổi một vài câu ở phần cơ bản. Điều này không còn là “đề khó”, mà là biểu hiện rõ ràng của một lỗ hổng kiến thức nghiêm trọng. Bởi chỉ cần làm được vài câu trong 12 câu đầu tiên phần được xem là dễ và cơ bản nhất là học sinh đã vượt qua mức điểm liệt.

Có lẽ, nếu so sánh học bạ của 777 học sinh bị điểm liệt môn toán trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua, điểm số chắc cũng khả quan vì nếu điểm tệ các em có thể đã bị lưu ban. Nhiều sự băn khoăn về việc 3 năm trung học phổ thông, giáo viên, nhà trường đã đã đánh giá kết quả học tập của học sinh đã chính xác chưa?

Nhà trường có vì thành tích mà “nới tay” trong việc đánh giá học sinh?

Một phụ huynh có con học lớp 12 tại một tỉnh miền Trung Nam bộ chia sẻ với người viết, con họ có điểm tổng kết môn Toán là 6.5 nhưng thi tốt nghiệp chỉ đạt 2 điểm.

Vị phụ huynh trăn trở cho rằng, nhà trường đã đánh giá học sinh chưa chính xác nên gia đình không nắm rõ học lực của con để có biện pháp kèm cặp thêm. Vì thế, điểm thi mới bết bát như vậy.

Nói rồi, người viết được cung cấp một danh sách thống kê điểm thi đạt từ trung bình trở lên của trường học ấy.

toan-tn.jpg
Bảng thống kê điểm thi tốt nghiệp phổ thông. Ảnh CTV

Kết quả thực sự không khỏi gây băn khoăn. Lớp 12C1 có 38 em, điểm thi trên hoặc bằng 5 chỉ có 5 em đạt 13.2%. Lớp 12D2 có 47 em, điểm thi chỉ có 10 em (chiếm 21,3%) đạt trên hoặc bằng 5.

Đáng chú ý, lớp 12C2 có 41 học sinh có điểm tổng kết môn Toán lớp 12 đạt 100% từ trung bình trở lên. Trong đó theo giáo viên chia sẻ với người viết, thấp nhất tổng kết là 5.9 và cao nhất là 9.0 (bên cạnh hàng loạt điểm tổng kết từ 8,0 đến 8,9) nhưng điểm thi chỉ có 2 em (chiếm 4.9% ) đạt mức bằng và trên 5.

Đây là một kết quả thực sự gây nhiều lo lắng. Theo chia sẻ của một số giáo viên, có tình trạng "nới tay" trong ra đề kiểm tra, chấm điểm để học sinh đạt điểm cao, đỡ thiệt thòi khi các em xét tốt nghiệp và dùng điểm học bạ để xét vào đại học.

Rõ ràng, nhìn vào minh chứng ở trên, có thể khẳng định một điều, nhiều nơi, nhiều trường học đánh giá, kiểm tra chưa sát khiến học sinh, gia đình chưa nắm được rõ về học lực thực sự của con em họ. Điểm số ở học bạ không còn phản ánh đúng thực thực lực của nhiều học sinh.

Câu chuyện điểm số còn được bóc tách rõ hơn từ sự so sánh giữa các trường học.

Không chỉ câu chuyện chênh lệch quá xa giữa điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp của nhiều thí sinh mà việc đánh giá thiếu công bằng giữa các trường cũng là một điều cần tìm giải pháp. Tại một địa phương khác, có hai trường trung học phổ thông, một trường được gọi là trường điểm, có nhiều giáo viên giỏi, giảng dạy có tâm và cũng nổi tiếng cho điểm gắt, đề kiểm tra, đề thi cũng khó hơn nhiều các trường trong khu vực.

Tuy thế, hàng năm trường học này vẫn luôn thu hút học sinh khá, giỏi từ khắp nơi đổ về. Trường nổi tiếng là đánh giá học sinh rất chuẩn.

Dù có em chỉ xếp loại trung bình nhưng kiến thức học rất chắc nên hàng năm tỉ lệ đỗ vào các trường đại học khá cao.

Một học sinh xếp loại trung bình của trường này, lực học có thể ngang học sinh giỏi trường bên cạnh. Nhiều người nói, được học ở trường này, luôn là niềm tự hào của các em và phụ huynh.

Thế nhưng, vài năm trở lại đây, điểm học bạ là một phần trong xét tốt nghiệp và nhiều trường đại học dùng để xét tuyển đại học, thì học sinh khá, giỏi lại không chọn thi vào trường này mà lại nguyện vọng thì vào 10 ở trường ít tiếng tăm hơn nhưng thầy cô được cho là "dễ" trong đánh giá, kiểm tra, cho điểm.

Trước áp lực “mất học sinh khá, giỏi”, áp lực giữ sĩ số và giữ danh tiếng đã khiến nhà trường xưa nay mang tiếng đánh giá học sinh chuẩn và chính xác bắt đầu thay đổi bằng cách cho điểm nới tay hơn, kiểm tra, đánh giá bớt khắt khe hơn. Đó cũng là một thực tế đáng lo ngại.

Theo nhiều giáo viên, nguyên nhân khiến cho điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp vênh nhau còn đến từ việc tuyển sinh lớp 10 hằng năm. Mỗi năm, có không ít trường trung học phổ thông tuyển sinh vào 10 với điểm chuẩn ba môn chưa đến 10 điểm.

Thậm chí, có trường chỉ lấy tổng điểm 3 môn là 5 điểm, tức trung bình chưa đến 2 điểm một môn. Điều đó cho thấy, ngay từ đầu vào, nhiều học sinh đã thiếu nền tảng kiến thức cơ bản, nhưng vẫn được “đào tạo đều tay” suốt ba năm để rồi kết thúc bằng một học bạ đẹp.

Chính vì thế, đề thi môn toán năm nay dù nhiều ý kiến cho là khó hơn các năm nhưng theo người viết, số lượng bài thi bị điểm liệt nhiều không phải lỗi của đề thi mà là cần xem lại quá trình học tập suốt 12 năm. Giáo viên, nhà trường phải đánh giá thật để học sinh, gia đình biết, nắm rõ thực lực các em. Từ đó, có giải pháp để "học thật, điểm thật", có như vậy mới nâng cao chất lượng giáo thực chất được.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên