Để tổ chức tốt việc dạy 2 buổi/ngày ở cấp phổ thông cần quan tâm các vấn đề gì?

27/07/2025 07:33
Bùi Nam
Theo dõi trên Google News

GDVN - Cần làm rõ kinh phí chi cho giáo viên dạy vượt định mức, thỉnh giảng hoặc hợp đồng với nghệ sĩ, diễn viên,...để thực hiện các hoạt động giáo dục buổi 2.

Dự kiến, từ năm học 2025-2026, nếu các trường phổ thông từ tiểu học đến trung học phổ thông đủ điều kiện sẽ thực hiện tổ chức dạy 2 buổi/ngày nhằm giúp việc quản lý và việc học của học sinh học tốt hơn, tham gia các hoạt động học tập, sinh hoạt, thể thao và học năng khiếu tại trường,…

hs-12-on-thi-1-9727-5776.jpg
Ảnh minh họa: L.T

Chỉ thị 17 của Thủ tướng về dạy học 2 buổi/ngày

Theo Chỉ thị 17/CT-TTg, để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện về đức - trí - thể - mỹ, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, bổ ích cho trẻ em, học sinh đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục mầm non, phổ thông mới, nhất là tổ chức đồng bộ, hiệu quả việc dạy học 2 buổi/ngày và sinh hoạt hè cho trẻ em, học sinh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:

Về tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương:

- Ban hành văn bản hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày, bảo đảm rõ mục đích, rõ yêu cầu, rõ đối tượng, rõ nội dung, rõ hình thức, phương pháp tổ chức thực hiện, rõ kết quả, rõ cấp có thẩm quyền để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức cho học sinh tự học, học nhóm, tăng thực hành, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện về phẩm chất, năng lực; tăng cường các hoạt động giáo dục về văn hóa, nghệ thuật, thể chất, kỹ năng sống, giáo dục STEM, giáo dục hướng nghiệp, phát triển năng lực tiếng Anh, năng lực số, năng lực Al, năng khiếu cá nhân về văn hóa, nghệ thuật... đáp ứng nhu cầu, sở thích, nguyện vọng của học sinh; đẩy mạnh xã hội hóa để nâng cao chất lượng giáo dục.

- Chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, xây dựng kế hoạch, lộ trình tổ chức dạy học 2 buổi/ngày phù hợp với thực tiễn địa phương về cơ sở vật chất, tài chính và đội ngũ giáo viên; ưu tiên bố trí ngân sách bảo đảm điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án để tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục. - Khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia hiện đại hóa, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo theo quy định. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa đóng góp nguồn lực, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục.

- Phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, đôn đốc, kiểm tra việc tuyển dụng giáo viên của các địa phương; tiếp tục rà soát, bổ sung biên chế giáo viên còn thiếu so với định mức quy định của ngành Giáo dục. Nghiên cứu, có giải pháp phù hợp, hiệu quả khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, bảo đảm dạy học 2 buổi/ngày.

- Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá, kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh việc triển khai không phù hợp, không hiệu quả về thực hiện dạy học 2 buổi/ngày tại các địa phương.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, đôn đốc địa phương thực hiện tuyển dụng giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp” nhưng phải phù hợp thực tiễn địa phương, không lãng phí nguồn lực giáo viên, đáp ứng yêu cầu việc dạy học 2 buổi/ngày, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Bộ Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương bố trí ngân sách nhà nước theo quy định để tổ chức thực hiện việc dạy học 2 buổi/ngày.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Chịu trách nhiệm việc bảo đảm các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, trong đó có các điều kiện để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày bắt đầu từ năm học 2025-2026 tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện dạy học 2 buổi/ngày phù hợp với điều kiện của địa phương theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo tinh thần “06 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả”.

Trước đó, Văn phòng Trung ương Đảng đã có Thông báo 177-TB/VPTW năm 2025 Thông báo Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với đại diện Đảng uỷ Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương về tình hình thực hiện các nghị quyết của Trung ương về giáo dục và đào tạo; chuẩn bị Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá giáo dục, đào tạo và một số chủ trương hỗ trợ dạy và học.

Theo đó, tại Mục 3 Thông báo 177-TB/VPTW năm 2025 có nêu:

- Thống nhất chủ trương các trường tiểu học, trung học cơ sở tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tuỳ theo điều kiện của từng địa phương về cơ sở vật chất, tài chính và giáo viên; có lộ trình thực hiện từng bước chủ trương này, trong đó cần kết hợp Nhà nước đầu tư là chính với khuyến khích xã hội hoá. Việc dạy học 2 buổi/ngày bảo đảm không thu phí và giảm áp lực với học sinh, tăng cường dạy học về văn hoá, nghệ thuật bảo đảm cho học sinh phát triển toàn diện.

- Giao Đảng uỷ Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên, nội dung chương trình dạy học, hoạt động giáo dục để các trường tiểu học, trung học cơ sở dạy học 2 buổi/ngày bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục. Thời gian thực hiện từ năm học 2025 - 2026.

Như vậy, theo Thông báo 177-TB/VPTW năm 2025, thống nhất chủ trương các trường tiểu học trung học cơ sở tổ chức dạy học 2 buổi tuỳ theo điều kiện của từng địa phương về cơ sở vật chất, tài chính và giáo viên; có lộ trình thực hiện từng bước chủ trương này, trong đó cần kết hợp Nhà nước đầu tư là chính với khuyến khích xã hội hoá.

Một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm khi thực hiện dạy học 2 buổi/ngày

Về dạy học 2 buổi/ngày đã thực hiện ở cấp tiểu học từ các năm gần đây nhưng thay vì dạy 1 buổi thì giãn ra 2 buổi/ngày chưa đúng dự kiến là buổi 1 thực hiện chương trình giáo trình phổ thông, buổi 2 thực hiện các hoạt động giáo dục trí – thẩm – mĩ hay giáo dục kỹ năng sống, giáo dục STEM, giáo dục hướng nghiệp, phát triển năng lực tiếng Anh, năng lực số, năng lực Al,…

Sắp tới đây, sau chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện dạy học 2 buổi/ngày ở cả 3 cấp học. Là giáo viên cấp trung học cơ sở, người viết xin được có một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định số tiết mỗi cấp học

Hiện nay, chương trình Giáo dục phổ thông theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, quy định số tiết ở 3 cấp học như sau:

Đối với cấp Tiểu học, không tính môn tự chọn thì học sinh lớp 1, lớp 2 mỗi tuần các em học 25 tiết, cả năm sẽ có 875 tiết học; học sinh lớp 2 mỗi tuần có 28 tiết học, cả năm sẽ có 980 tiết. Học sinh lớp 4 và lớp 5 mỗi tuần học 30 tiết, cả năm sẽ học 1050 tiết. Mỗi tiết học ở cấp Tiểu học hiện nay có 35 phút.

Học sinh cấp Trung học cơ sở, không tính môn tự chọn, mỗi tuần học sinh lớp 6 và lớp 7 học 29 tiết, cả năm sẽ học 1015; học sinh lớp 8, lớp 9 sẽ học mỗi tuần 29,5 tiết, cả năm sẽ có 1032 tiết.

Sang cấp Trung học phổ thông, không tính các môn học tự chọn, mỗi tuần học sinh học 28,5 tiết, cả năm sẽ học 997 tiết. Các tiết học ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đều có 45 phút.

Người viết cho rằng số tiết quy định trên là số tiết “cứng” khi thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các trường linh hoạt dạy học, nếu thực hiện dạy 2 buổi/ngày phải quy định rõ ràng, cụ thể, chi tiết hơn về số tiết thực học bao gồm các nội dung dạy học và cả các tiết thực hành, trải nghiệm, kỹ năng sống, thẩm mỹ, ứng dụng AI,…Đây là cơ sở rất quan trọng để thực hiện dạy 2 buổi/ngày.

Thứ hai, cần có quy định số tiết tối đa mỗi ngày, mỗi tuần hay cả năm

Bên cạnh phải có quy định cụ thể số tiết cụ thể của chương trình 2 buổi/ngày, cần có thêm quy định số tiết tối đa mỗi ngày, mỗi tuần hay cả năm học cho việc dạy 2 buổi/ngày, tránh để các trường mỗi nơi mỗi kiểu quá tải cho giáo viên, học sinh.

Theo người viết có thể thống nhất cả 3 cấp học, mỗi ngày không quá 7 tiết, mỗi tuần không quá 5 ngày (tối đa 10 buổi), phương án tốt nhất là làm việc và học tập từ thứ Hai đến thứ Sáu, được nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật.

Thứ ba, cần quy định rõ hơn về ngân sách nhà nước đảm bảo dạy 2 buổi/ngày

Khi thực hiện dạy 2 buổi/ngày, dự kiến buổi 1 sẽ dạy đầy đủ nội dung các môn học, chuyên đề theo chương trình giáo dục phổ thông, buổi 2 thực hiện các hoạt động: củng cố kiến thức, tổ chức các hoạt động về văn hóa, nghệ thuật, thể chất, kỹ năng sống, giáo dục STEM/STEAM, tìm hiểu lịch sử - văn hóa địa phương...

Dự kiến đề xuất mở rộng hợp tác, huy động nghệ nhân, chuyên gia, nghệ sĩ, vận động viên… tham gia giảng dạy, tổ chức hoạt động thực tế, góp phần nâng cao tính thực tiễn và sáng tạo trong nhà trường.

Do đó, khi thực hiện sẽ cần đảm bảo nguồn kinh phí khá lớn cho các trường để thực hiện mục tiêu dạy 2 buổi/ngày, cần nên được quy định rõ từ ngân sách nhà nước cấp hay có thể dùng nguồn kinh phí khác như vận động, đóng góp của phụ huynh hay không cũng cần được làm rõ.

Thứ tư, cần sớm sáp nhập trường và tuyển đủ giáo viên

Điều kiện tiên quyết để thực hiện dạy 2 buổi/ngày là phải đảm bảo cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.

Về phòng học, mỗi lớp phải có 1 phòng để dạy 2 buổi/ngày, hiện nay nhiều nơi chưa đủ. Tuy nhiên sau sáp nhập tỉnh, xã, phường, một số trụ sở nếu chưa sử dụng nên mạnh dạn giao cho các trường làm các cơ sở để đảm bảo dạy 2 buổi/ngày.

Bên cạnh đó, cần sớm có quy định sắp xếp lại mạng lưới trường học, sắp xếp tinh gọn các cơ sở giáo dục, hiện nay vẫn còn rất nhiều cơ sở giáo dục dưới 15 lớp hoặc gần nhau cần được sáp nhập, thành lập trường liên cấp để tinh gọn và ổn định nhân sự để tiến tới dạy 2 buổi/ngày.

Thứ năm, quy định rõ trường hợp nào không được thu học phí buổi 2

Tại Điều 5 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường:

1. Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học như sau:

a) Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt;

b) Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;

c) Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Tại Điều 7, Thông tư 29 quy định, kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sẽ sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Tức là nhà trường không được tổ chức thu tiền học thêm của học sinh như trước đây, kinh phí tổ chức dạy thêm sẽ lấy từ ngân sách.

Do đó, khi tổ chức dạy 2 buổi/ngày cần phải làm rõ kinh phí để chi khi giáo viên dạy vượt định mức, thỉnh giảng hoặc hợp đồng với nghệ sĩ, diễn viên,…để thực hiện các hoạt động giáo dục buổi 2.

Số tiền này không nhỏ, việc huy động tránh để các trường tự ý thu dễ dẫn đến tái diễn tình trạng các em phải đóng nhiều tiền, lạm thu...

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam