Trong bối cảnh giáo dục ở những vùng khó khăn, đặc biệt là tại các khu vực biên giới vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức về cơ sở vật chất, điều kiện học tập thì việc ban hành các chính sách hỗ trợ thiết thực luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước.
Nghị quyết kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV có nhiều nội dung quan trọng. Đáng chú ý, Nghị quyết thống nhất Nhà nước sẽ hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở các xã biên giới – bao gồm cả học sinh người dân tộc thiểu số và học sinh dân tộc Kinh sinh sống tại khu vực này.
Chính sách này nhanh chóng nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực từ đội ngũ lãnh đạo các trường, bởi đây được xem là bước đi thiết thực, kịp thời nhằm tháo gỡ những khó khăn trong công tác chăm lo đời sống học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục tại các địa bàn biên giới.
Góp phần giải quyết bài toán "nuôi con ăn học"
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Quốc Việt - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học cơ sở Đắk Sao, Quảng Ngãi ( trước là tỉnh Kon Tum) chia sẻ: Với học sinh ở vùng sâu, vùng xa, nơi cuộc sống của người dân còn nhiều thiếu thốn, thu nhập bấp bênh và điều kiện chăm lo cho con cái đến trường còn rất hạn chế, thì một bữa ăn trưa đầy đủ, bảo đảm dinh dưỡng tại trường không chỉ là sự hỗ trợ vật chất, mà còn là nguồn động viên tinh thần lớn lao.
Đối với nhiều gia đình, việc cho con đến trường vốn đã là một sự nỗ lực rất lớn. Và việc có thể lo đủ bữa ăn, đủ đồ mặc lại càng trở nên khó khăn hơn.
Vậy nên, chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở các xã biên giới sẽ góp phần giải quyết bài toán "nuôi con ăn học", cha mẹ có thể giảm bớt gánh nặng, còn học sinh thì có thêm động lực để theo đuổi con chữ. Về lâu dài, chính sách không chỉ nâng cao thể trạng, cải thiện sức khỏe cho học sinh mà còn góp phần giữ chân học sinh ở lại trường, hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng.
“Khi không còn phải lo cái đói hay phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện kinh tế gia đình, các em sẽ yên tâm hơn trong học tập, chuyên cần hơn trong việc đến lớp mỗi ngày”, thầy Việt cho hay.

Đồng tình với quan điểm trên, thầy Hoàng Đình Trường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở BuPrăng, Lâm Đồng (trước là tỉnh Đắk Nông) cũng nhận định rằng: Việc hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh không chỉ góp phần cải thiện điều kiện học tập, sinh hoạt cho các em mà còn là bước đi mang tầm chiến lược, tạo nền tảng quan trọng cho việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại các vùng biên giới, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn. Từ đó, từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và bảo đảm công bằng trong giáo dục giữa các vùng miền trên cả nước.
Bởi, ở các khu vực này, đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều gia đình không đủ điều kiện lo cho con cái ăn uống đầy đủ, nên việc học hành thường không được đặt làm ưu tiên. Khi điều kiện sinh sống còn khiêm tốn, phụ huynh sẽ không đặt kỳ vọng lớn vào con đường học vấn của con em mình. Chính vì vậy, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng để đi lao động, phụ giúp gia đình vẫn diễn ra khá phổ biến.
Trong bối cảnh đó, nhà trường rất mong muốn tổ chức mô hình bán trú để hỗ trợ học sinh giảm bớt vất vả, tuy nhiên điều kiện thực tế lại không cho phép. Hiện Trường Trung học cơ sở BuPrăng có 14 lớp học nhưng chỉ có 11 phòng. Trong đó, chỉ 7 phòng được sử dụng để bố trí cho 14 lớp học luân phiên. Hai phòng dùng để bồi dưỡng học sinh giỏi, còn lại là phòng làm việc chung cho Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng và Kế toán. Phòng văn thư và y tế cũng phải sử dụng chung một không gian.
“Khi số lượng phòng học còn chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu, thì việc triển khai mô hình bán trú là điều rất khó thực hiện”, thầy Trường trăn trở.
Trước chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở các xã biên giới, thầy Trường cho biết nhà trường đón nhận chính sách với tâm thế vừa phấn khởi, vừa lo lắng.
Theo đó, điểm tích cực lớn nhất của chính sách là giúp giảm gánh nặng chi phí cho các gia đình, nhất là những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Khi được hỗ trợ bữa ăn trưa, học sinh sẽ có điều kiện học tập tốt hơn, đến lớp đều đặn hơn và ít bị gián đoạn vì những khó khăn về sinh hoạt. Đây là một chính sách thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đặc biệt phù hợp với điều kiện thực tế tại các vùng biên giới.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui đó là nỗi lo về khả năng triển khai tại trường. Hiện nay, cơ sở vật chất của đơn vị còn nhiều hạn chế, chưa thể tổ chức mô hình bán trú. Trường không có đủ phòng ở cho học sinh nghỉ trưa, đồng thời cũng thiếu nhân lực để tổ chức việc nấu ăn. Nếu muốn triển khai, nhà trường buộc phải thuê đơn vị bên ngoài.
Thế nhưng tại khu vực vùng sâu vùng xa, việc tìm được đối tác cung cấp suất ăn bảo đảm vệ sinh, chất lượng lại là điều không hề dễ dàng.
“Do đó, để chính sách đi vào thực tế một cách hiệu quả, rất cần sự hỗ trợ cụ thể từ các cấp, nhất là về cơ sở vật chất và nhân lực phục vụ bán trú. Chỉ khi những điều kiện này được bảo đảm, nhà trường mới có thể triển khai đồng bộ và mang lại lợi ích thiết thực cho học sinh”, thầy Trường bày tỏ.

Loay hoay tổ chức bán trú vì thiếu cơ sở vật chất
Thực tế cho thấy, nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất để triển khai mô hình bán trú. Đây là những rào cản lớn khiến việc tổ chức ăn, nghỉ tại trường chưa được như mong đợi.
Theo chia sẻ của cô Quàng Thị Xuân - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Lạn (Sơn La), hầu hết học sinh vùng sâu, vùng xa đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, sinh ra trong những gia đình nghèo, thu nhập chủ yếu dựa vào nương rẫy, không ổn định. Có em đến trường chỉ mang theo bữa trưa là cơm trắng.
Với hoàn cảnh như vậy, chuyện đến trường của các em nhiều khi không phải là ưu tiên hàng đầu của gia đình. Nhiều phụ huynh vì quá lo toan cho cuộc sống mưu sinh, thiếu điều kiện chăm sóc nên đành để con nghỉ học giữa chừng để phụ giúp công việc gia đình.
Trước thực trạng đó, có thể thấy rằng chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở tại các xã biên giới như một giải pháp hết sức thiết thực và giàu tính nhân văn. Theo cô Xuân, việc được ăn trưa ngay tại trường không chỉ giúp học sinh có đủ dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe để học tập mà còn là nguồn khích lệ tinh thần lớn, giúp các em thêm gắn bó với trường lớp, hạn chế tình trạng nghỉ học, bỏ học.
Đồng thời, chính sách này cũng góp phần giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ, nhất là những hộ nghèo, giúp họ yên tâm hơn khi cho con em đến trường mỗi ngày.

Tuy nhiên, theo cô Quàng Thị Xuân, nếu chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ về mặt tài chính cho bữa ăn trưa mà không chú trọng đầu tư cải thiện cơ sở vật chất thì hiệu quả của chính sách khó có thể đạt được như mong muốn. Thực tế cho thấy, nhiều trường vùng biên, trong đó có Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Mường Lạn, vẫn đang phải đối mặt với nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai các hoạt động bán trú.
Cụ thể, dù nhà trường đã tổ chức bán trú cho học sinh trong một thời gian dài, nhưng tình trạng thiếu phòng ăn, thiếu không gian nghỉ ngơi cho các em vẫn diễn ra phổ biến. Học sinh thường phải ngồi chen chúc, thậm chí còn thiếu bàn ghế do số lượng học sinh ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, phòng bếp và các trang thiết bị phục vụ bữa ăn như dụng cụ nấu nướng, bàn ghế ăn uống vẫn còn sơ sài, thiếu thốn và chưa được trang bị đầy đủ, khang trang như mong muốn.
Sau một thời gian sử dụng, nhiều thiết bị đã bị hỏng hóc nhưng nhà trường lại không có nguồn ngân sách đủ để sửa chữa hoặc thay mới. Trước thực trạng này, nhà trường buộc phải kêu gọi sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân bên ngoài để đồng hành, chung tay cải thiện điều kiện vật chất, nhằm đảm bảo bữa ăn trưa được tổ chức thuận lợi và an toàn cho học sinh vùng biên.
Tương tự, tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học cơ sở Đắk Sao, Quảng Ngãi cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất.
Thầy Phạm Quốc Việt cho biết, hiện nay, phần lớn học sinh của trường hiện sinh sống tại những thôn, bản cách xa trung tâm, nơi đường sá đi lại rất khó khăn, thậm chí vào mùa mưa lũ càng trở nên vất vả. Chính vì vậy, việc tổ chức bán trú cho học sinh là nhu cầu bức thiết nhằm giúp các em có chỗ ăn, nghỉ ngay tại trường. Từ đó yên tâm học tập, tránh phải đi lại đường xa nguy hiểm và mệt mỏi hàng ngày.
Tuy nhiên, do trường không có đủ quỹ đất để xây dựng khu nội trú dành cho học sinh ở lại, nên hiện nay chỉ một phần nhỏ các em được bố trí chỗ ở trong khuôn viên trường, còn đa số phải tự tìm nơi tá túc bên ngoài, gây không ít khó khăn trong việc quản lý, chăm sóc học sinh.
Ngoài ra, theo thầy Việt, yêu cầu xây dựng bếp ăn một chiều theo đúng quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm hiện là một thách thức lớn đối với các trường vùng sâu vùng xa. Phần lớn các trường chỉ có thể tổ chức bếp nấu ăn theo hình thức đơn giản, sơ sài, không đủ điều kiện đạt chuẩn. Điều này khiến các trường gặp khó khăn khi có đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bữa ăn và sức khỏe của học sinh.
Về trang thiết bị phục vụ bán trú, sau một thời gian sử dụng, các thiết bị như bàn ghế, dụng cụ nấu ăn, dụng cụ ăn uống đều bị hư hỏng, xuống cấp. Trong khi đó, trường không có nguồn kinh phí đủ để sửa chữa hoặc mua mới, buộc phải kêu gọi sự hỗ trợ từ phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, do phần lớn các gia đình đều có hoàn cảnh khó khăn nên sự hỗ trợ cũng rất hạn chế, không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế.
Trước những khó khăn đó, thầy Phạm Quốc Việt bày tỏ mong muốn được quan tâm đầu tư mạnh mẽ và toàn diện hơn, bao gồm việc cấp kinh phí xây dựng, mở rộng quỹ đất để xây dựng khu nội trú khang trang, hỗ trợ trang thiết bị bếp ăn đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đồng thời có các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, vận hành bán trú cho cán bộ, giáo viên. “Những sự quan tâm, đầu tư thiết thực này sẽ giúp các trường vùng biên ổn định và phát triển hoạt động bán trú hiệu quả, đảm bảo điều kiện học tập và sinh hoạt tốt nhất cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa”, thầy Việt nhấn mạnh.