Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh người dân hiện đang sinh sống tại hẻm 459 đường Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1, TP.Hồ Chí Minh cho biết, trong hẻm này có một địa điểm giáo viên dạy thêm rất nhộn nhịp.
Thời khóa biểu dạy thêm dày đặc
Mỗi buổi tối, học sinh từ khắp các nơi đổ về căn nhà này học thêm rất đông. Thời gian học có khi cả sáng, trưa và cả chiều, nhìn chung là không ngừng nghỉ.
Tối ngày 23/12, trong vai là một phụ huynh cần tìm lớp học thêm môn Toán – lớp 8, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã tiếp cận được với thầy N.Đ.V là giáo viên mở các lớp dạy thêm mà người dân phản ánh.
Thầy V. nói rằng, muốn vô các lớp học thêm do thầy V. dạy thì sức học của học sinh phải từ trung bình trở lên, chứ yếu quá thì sẽ không thể theo học được.
Thầy V. lý giải tiếp, phần lớn các học sinh đang theo thầy V. học thêm là học suốt từ nhiều năm qua, thầy lại dạy sớm từ hè nên các em phần lớn đều học tốt.
Ngoài ra, thầy V. còn không quên đe rằng, chương trình Toán lớp 8 trong học kỳ 1 rất khó, mà học kỳ 1 hổng kiến thức thì học kỳ 2 cũng sẽ bị theo.
Giáo viên này còn nói tiếp, nếu lớp 6, 7 thường thì học sinh sức học rất khá, nhưng khi các em lên lớp 8 thì diễn biến tâm sinh lý, cộng với chương trình nặng, nếu không đi học thêm thì khó mà theo kịp chương trình.
Thời khóa biểu dạy thêm Toán dày đặc tại nhà riêng của thầy V (ảnh: P.L) |
Thầy N.Đ.V còn chung cấp cho phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam một tờ rơi quảng cáo về các lớp dạy thêm của mình.
Theo đó, thầy V. dạy thêm ở hẻm 459 đường Trần Hưng Đạo, nhưng nhà riêng lại ở hẻm 457 cùng đường, đi bộ chỉ mất khoảng vài phút.
Lịch học thêm tại đây bắt đầu từ ngày 5/9/2016 (cùng với ngày khai giảng năm học mới). Thầy V. cũng còn không quên ghi rõ ràng rằng, đây là ngày bắt đầu thu học phí của tháng 9.
Từ ngày 18/8/2016 đến 1/9/2016, thầy V. dạy bù 2 tuần nghỉ tết Nguyên Đán 2017, không thu học phí trong 2 tuần này.
Căn cứ vào tờ rơi do chính thầy V. cung cấp, có thể thấy lịch dạy thêm ở nhà của giáo viên này hầu như dày đặc.
Thầy V. dạy thêm suốt các ngày trong tuần, từ thứ 2 đến cả Chủ nhật cho cả 4 khối lớp từ 6 đến 9.
Mỗi ngày, thầy V. dạy 2 ca, chỉ trừ thứ 5 là dạy 1 ca. Thậm chí, ngày Chủ nhật, thầy cũng dạy 2 ca, từ 7h30 đến 10h30 sáng cho 2 lớp 9 (thường) và 9 nâng cao.
Học sinh theo học thầy V. đủ khắp các quận huyện trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, thậm chí có cả từ huyện Nhà Bè, nơi cách quận 1 đến hơn 10km cũng đến học.
Lớp học thêm ca 2 tối ngày 23/12 (lớp 8), theo quan sát của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam là không dưới 15 học sinh.
Học sinh học thêm thầy V. tan học tối ngày 23/12 (ảnh: P.L) |
Học phí học thêm Toán lớp 6 là 600.000 đồng/tháng, còn lớp 7, 8 là 650.000 còn lớp 9 là 700.000 đồng/tháng.
Ngoài ra, tại địa điểm này còn có dạy môn Văn, mà theo lời giới thiệu thì đó là em vợ của thầy V. dạy ở một ngôi trường trung học cơ sở khác, cũng năm trên địa bàn quận 1.
“Giáo viên cần kiếm tiền nên làm bừa”
Đó là lời khẳng định của thầy Trần Văn Giàu – Phó Hiệu trưởng chuyên môn của Trường trung học cơ sở Minh Đức, quận 1, khi nói về việc dạy thêm của giáo viên trong trường vào sáng ngày 26/12.
Thầy Trần Văn Giàu cho biết, thầy V. đúng là giáo viên dạy môn Toán của lớp 8, 9 tại trường. Trường Minh Đức là trường có hầu hết các lớp được học 2 buổi/ngày ở trường, nên theo đúng quy định là cũng không được dạy thêm hay học thêm.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Minh Đức, thật ra, các quy định về dạy thêm học thêm đã có từ rất lâu, còn các văn bản mới đây cũng chỉ là nhắc lại cho giáo viên nhớ thôi.
Chỉ tính riêng học kỳ 1, lãnh đạo trường đã nhắc nhở, phổ biến các quy định về dạy thêm học thêm cho giáo viên 3 lần, và dán công khai các thông báo, văn bản trên trường.
Có ai tin đây là cách hành xử của một người thầy ở TP.Hồ Chí Minh? |
Đại diện lãnh đạo Trường Minh Đức cũng thừa nhận rằng, trường trước đây cũng có nghe nói thầy V. có dạy thêm ở nhà, nhưng không ngờ vẫn còn diễn ra.
Thầy Trần Văn Giàu cũng chia sẻ thêm: Việc quản lý dạy thêm không chỉ nhà trường một mình làm được, mà còn cần tới trách nhiệm của chính quyền địa phương nữa.
Thầy Giàu cũng nêu rõ quan điểm của mình rằng, giáo viên nhiều khi cần kiếm tiền cứ làm bừa, làm càn, chứ giáo viên nhiều bộ môn phụ khác họ sống được, sao giáo viên bộ môn chính lại không thể sống được, mà cứ phải đi dạy thêm khi trường đã học 2 buổi.
Sáng cùng ngày, bà Trần Đức Hạnh Quỳnh – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 1 (khối trung học cơ sở) khẳng định, các văn bản, quy định về dạy thêm học thêm của ngành, của thành phố, quận đã phổ biến rất kỹ đến không những Hiệu trưởng, mà còn cho cả giáo viên.
Chính vì thế, giờ đây, vấn đề dạy thêm của giáo viên được quận 1 làm rất chặt và gắt gao. Thế nhưng, bà Trần Đức Hạnh Quỳnh đã nói vấn đề này không thể giải quyết dứt điểm “1 sớm, 1 chiều” mà xong, cần phải có thời gian, lộ trình.
Cả xã hội cần phải chung tay cùng giải quyết vấn đề này, trong đó cần cả trách nhiệm của chính quyền địa phương, và người dân cũng cần phải thay đổi nhận thức trong việc học của con em mình.