Thông điệp của Trung Quốc với Đài Loan và "các lực lượng thân Mỹ"

29/10/2018 08:06
Hồng Thủy
(GDVN) - Trung Quốc nhận thấy xu hướng Mỹ sử dụng "con bài" Đài Loan để chế áp Bắc Kinh ngày càng rõ rệt, nhưng thực chất chiến lược của Donald Trump không chỉ có vậy.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 28/10 có bài xã luận "Tàu chiến Mỹ không thể bảo vệ được Đài Loan". 

Thông điệp của Trung Quốc đến Đài Loan và "lực lượng thân Mỹ"

Thời báo Hoàn Cầu nhận định:

"Hải quân Hoa Kỳ điều 2 tàu chiến qua eo biển Đài Loan lần thứ 2 kể từ tháng Bảy, đã báo hiệu rằng chính quyền Donald Trump sẵn sàng tăng áp lực quân sự và chính trị lên Trung Quốc.

Dường như Hải quân Hoa Kỳ muốn hoạt động thường xuyên ở khu vực này, tương tự cái gọi là hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông hay cho B-52 vào vùng nhận diện phòng không ở Hoa Đông."

Dự án bán thiết bị, linh kiện cho chiến đấu cơ Đài Loan có từ 2001, nhưng bị đình trệ cho đến khi Tổng thống Donald Trump chuẩn thuận mới thực sự được triển khai. Ảnh minh họa: Defense News.
Dự án bán thiết bị, linh kiện cho chiến đấu cơ Đài Loan có từ 2001, nhưng bị đình trệ cho đến khi Tổng thống Donald Trump chuẩn thuận mới thực sự được triển khai. Ảnh minh họa: Defense News.

Thời báo Hoàn Cầu tin rằng, mặc dù Hoa Kỳ cam kết tuân thủ chính sách "một Trung Quốc" - nền tảng của quan hệ Trung - Mỹ, chính quyền Donald Trump đã tiếp tục chơi con bài Đài Loan với ý định "đàn áp" Bắc Kinh trong bối cảnh xác định Trung Quốc là đối thủ chiến lược.

Bởi vậy, thời gian này Mỹ triển khai tàu chiến cơ động qua eo biển Đài Loan có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử địa phương ở Đài Loan năm 2018, củng cố vị thế của bà Thái Anh Văn và Đảng Dân chủ tiến bộ.

Về lâu dài, quá trình cơ động, hiện diện thường xuyên của tàu chiến Hoa Kỳ không chỉ là tín hiệu chiến thuật cho Đài Loan lẫn đại lục, mà còn gợi mở các bước cụ thể của chiến lược lớn hơn nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Tuy nhiên Thời báo Hoàn Cầu tin rằng, với sự hiện đại hóa quân sự của mình, Trung Quốc ngày nay đã trở nên tự tin và đầy năng lực trong việc chống lại "sự khiêu khích" của Hoa Kỳ.

Bắc Kinh đã chuẩn bị cho kịch bản "khiêu khích hơn" của quân đội Mỹ, đặc biệt là Hải quân và Không quân, một khi Washington đã tuyên bố rõ ràng Trung Quốc là đối thủ chiến lược dài hạn và chính quyền Donald Trump tăng chi tiêu quân sự, Bắc Kinh phải cố gắng đối phó.

Đồng thời, Mỹ và Trung Quốc vẫn duy trì, cải thiện các hoạt động trao đổi thăm viếng quân sự cấp cao để giảm hiểu lầm và tính toán sai.

Nhưng bất chấp các rủi ro và nguy hiểm, Thời báo Hoàn Cầu nhấn mạnh, quân đội Trung Quốc "có quyền và nghĩa vụ đẩy lùi bất kỳ sự khiêu khích quân sự nào của Hoa Kỳ vi phạm chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc."

Thời báo Hoàn Cầu kết luận:

Thông điệp của Trung Quốc với Đài Loan và "các lực lượng thân Mỹ" ảnh 2

Trung Quốc thực lòng thay đổi, hay chỉ muốn ly gián Mỹ - Nhật?

"Mục đích khác của Hoa Kỳ là cố gắng định hình lại môi trường an ninh và chiến lược trong khu vực mà họ tin rằng Trung Quốc đã hưởng lợi từ đó trong suốt 2 thập kỷ qua.

Washington muốn Thái Anh Văn đối đầu với Trung Quốc đại lục, kích động lực lượng ủng hộ Mỹ ở các nước có liên quan trong khu vực để tạo ra rắc rối ở Biển Đông mà tình hình nhìn chung đã ổn định.

Trung Quốc và các nước khác trong khu vực nên cảnh giác với điều này.

Thảm họa do sự can thiệp quân sự của Mỹ ở Trung Đông tạo ra cho thấy các tàu chiến Mỹ không thể bảo vệ người dân Đài Loan và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác ở châu Á." [1]

Quan hệ quân sự Mỹ - Đài gần gũi hơn bao giờ hết, Donald Trump thách thức Bắc Kinh

Đó là nhận định của tờ South China Morning Post ngày 29/10. 

Washington đang phê chuẩn các giao dịch vũ khí với Đài Loan nhanh hơn nhiều so với trước đây, trong khi hòn đảo này đã phát thông tin về hoạt động của Hải quân Mỹ ở eo biển mà trước đây Đài Loan thường im lặng.

Quan hệ hợp tác quân sự Mỹ - Đài phát triển trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump theo đuổi chính sách chống lại sự bành trướng quân sự và chiến lược ngoại giao của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức năm 2016, cả Nhà Trắng lẫn Đồi Capital đã theo đuổi chính sách mới tập trung giúp Đài Loan tăng cường phòng thủ, thách thức sự bành trướng quân sự của Trung Quốc.

Đầu tháng này, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về vấn đề an ninh châu Á - Thái Bình Dương Randall Schriver xác nhận rằng, Washington đang tiến tới một "quan hệ bán hàng quân sự cho nước ngoài bình thường hơn" với Đài Loan.

Tháng 9 năm nay Tổng thống Donald Trump đã chấp nhận thỏa thuận trị giá 330 triệu USD bán phụ tùng và dịch vụ hậu cần khác cho một số máy bay quân sự của Đài Loan.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Newsweek
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Newsweek

Chưa đầy 1 năm trước, Lầu Năm Góc đã đồng ý bán tên lửa, ngư lôi và hệ thống cảnh báo sớm cho Đài Loan, trị giá 1,4 tỉ USD.

Trung Quốc luôn luôn phản đối mọi động thái liên quan đến việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, thái độ của Bắc Kinh khiến Washington rất thận trọng khi ra các quyết định này cho đến khi Donald Trump lên cầm quyền.

Các quan chức và nhà phân tích Đài Loan cho rằng, thỏa thuận mới nhất chứng minh Donald Trump sẵn sàng đáp ứng nhanh hơn nhu cầu mua vũ khí của Đài Loan để phát triển khả năng phòng thủ.

Tháng 4 vừa qua chính Tổng thống Donald Trump đã đồng ý cấp giấy phép cần thiết cho các nhà sản xuất vũ khí Mỹ bán cho Đài Loan các công nghệ cần thiết để họ tự chế tạo tàu ngầm.

Đây là dự án vốn được Tổng thống George W Bush chấp thuận từ năm 2001, nhưng bị đình trệ cho đến khi Donald Trump chuẩn thuận.

Một tháng sau, hàng trăm cựu quan chức quân đội Mỹ cùng các nhà sản xuất vũ khí Mỹ đã tới Đài Loan tham gia diễn đàn công nghiệp quốc phòng lần đầu tiên được tổ chức.

Kề từ tháng 7 năm nay, ít nhất 4 tàu chiến Mỹ đã cơ động qua eo biển Đài Loan để thách thức sự mở rộng các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, cũng như bành trướng trên Biển Đông.

Trong 2 lần chiến hạm Mỹ cơ động qua eo biển, ngày 7/7 và 22/10, Đài Loan đều ra tuyên bố, một động thái trước đây họ thường im lặng. [2]

Nguy cơ xung đột đối đầu Trung - Mỹ

Cá nhân người viết cho rằng, mặc dù cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang gia tăng trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế thương mại đến chính trị - quân sự, nhưng khả năng 2 siêu cường này tiến tới chiến tranh thời điểm hiện nay không cao.

Thông điệp của Trung Quốc với Đài Loan và "các lực lượng thân Mỹ" ảnh 4

Gọng kìm thương mại Donald Trump chống Trung Quốc độc chiếm Biển Đông

Cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn để xảy ra một cuộc chiến tranh hủy diệt, nhưng những ma sát giữa hai bên sẽ ngày càng gia tăng.

Đồng thời, các hoạt động của Trung Quốc, Hoa Kỳ nhằm lôi kéo các bên thứ ba về phía mình cũng sẽ ngày càng trở nên gay gắt.

Mỹ không sử dụng giải pháp quân sự để ngăn Trung Quốc bành trướng tiến tới độc chiếm Biển Đông, mà có hẳn một chiến lược dài hạn, trong đó Trung Quốc được xác định là đối thủ.

Biển Đông, Đài Loan, kinh tế thương mại sẽ vẫn là những mũi nhọn chiến lược để Mỹ kiềm chế tham vọng "chia đôi Thái Bình Dương" của Trung Quốc.

Nếu không có sự hiện diện của Hoa Kỳ và bây giờ có thêm nhiều đồng minh khác, thì Biển Đông sớm muộn cũng sẽ trở thành vùng biển "ổn định dưới sự kiểm soát phi pháp của Trung Quốc".

Nguồn:

[1]http://www.globaltimes.cn/content/1124831.shtml

[2]https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/2170449/us-taiwan-military-ties-closer-ever-donald-trump-challenges

Hồng Thủy