Tiết chế bản thân để phù hợp với quân đội
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Lê Viết Thành (sinh năm 1999, Thái Nguyên) cho biết 4 năm trước anh chọn thi Hậu cần vì niềm đam mê với màu xanh áo lính. Có ông nội và bố từng tham gia quân ngũ, Thành như được tiếp thêm động lực và thi đỗ Học viện Hậu cần với 28 điểm tròn trĩnh.
Sau nhiều nỗ lực học tập và rèn luyện nghiêm túc, Viết Thành được trường giữ lại làm giảng viên, công tác tại khoa Chỉ huy vận tải. (Ảnh: NVCC) |
“Mặc dù rất thích công nghệ thông tin và từng đạt giải học sinh giỏi quốc gia, huy chương bạc tin học, nhưng tôi vẫn quyết tâm ôn luyện thật chăm chỉ để viết tiếp ước mơ của bố, được khoác lên mình bộ quân phục và trở thành niềm tự hào của gia đình”, Viết Thành cho biết.
Nam thủ khoa tâm sự, dù từ nhỏ đã được gia đình rèn giũa tác phong, nề nếp sinh hoạt giống như trong quân đội nhưng khi chính thức bước vào ngôi trường “kỷ luật thép”, Thành mất khá nhiều thời gian để thích nghi.
Thành tự nhận, anh là người năng nổ, hoạt bát và có phần cá tính. Chính vì vậy, để việc học, rèn luyện hiệu quả, anh đã phải tiết chế bản thân, học và chơi hết mình nhưng không xa rời kỷ luật trong quân đội.
Nói về ngành học của mình, Viết Thành cho hay, sau 6 tháng đào tạo nguồn, Học viện tổ chức phân công ngành học cho từng học viên. Mặc dù không được chọn ngành theo nguyện vọng cá nhân, nhưng Thành luôn cảm thấy may mắn vì được trường phân đúng chuyên ngành yêu thích.
“Chỉ huy vận tải là ngành chỉ huy trong khối hậu cần. Trong quân đội, thời chiến lẫn thời bình, vận tải luôn đóng vai trò rất quan trọng, là cầu nối đảm bảo vận chuyển một khối lượng rất lớn về người, hàng hóa và vũ khí trang bị”, Thành nói.
“Tự hào - Hãnh diện - Quyết thắng”
Thành chia sẻ bản thân không có “bí quyết” gì đặc biệt để đạt được kết quả học tập cao. Ngay từ những học kỳ đầu tiên, Thành luôn chọn ngồi bàn đầu, chú ý lắng nghe thầy, cô giảng bài. Ngoài ra, Thành thường cùng bạn bè trong lớp tổ chức học nhóm, cùng nhau giải đáp những khúc mắc trong các môn học.
“Tôi thường dành 2-3 tiếng buổi tối để xem lại bài cũ, như vậy sẽ ghi nhớ kiến thức lâu hơn. Ngoài ra, tôi cũng tranh thủ làm đề cương trước ngày thi vài tuần, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, bị “ngợp” trong khối kiến thức quá lớn”, Viết Thành cho hay.
Lê Viết Thành (bên trái ảnh) đã nỗ lực rất nhiều trong quá trình học tập. Ảnh: NVCC |
Theo nam thủ khoa, việc học trong khối ngành quân đội không chỉ nặng lý thuyết mà còn nặng cả về chương trình rèn luyện thể lực.
“Khi mới vào trường, tôi rất sợ các giờ huấn luyện thể lực, đúng là thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu. Có những hôm phải tập luyện cường độ cao dưới cái nắng 40 độ, tay bỏng rát, khắp người đau mỏi, tôi còn không ăn nổi cơm”, Thành kể.
Để cải thiện vấn đề thể lực, thời gian rảnh Viết Thành thường tranh thủ tập luyện và chạy bộ. Ngày trước, Thành chạy 1km đã thấm mệt, muốn bỏ cuộc. Nhưng hiện tại, Thành có thể tự tin chạy 5km trong vòng 15 phút và dễ dàng vượt qua nhiều bài kiểm tra thể lực khác.
Khi được hỏi về trải nghiệm đáng nhớ nhất trong Học viện Hậu cần, Thành nhắc ngay đến lần đầu tiên học lái ô tô quân sự hạng C.
Thành cho biết, lái ô tô quân sự khó hơn so với ô tô thường. Các học viên sẽ phải điều khiển xe trên địa hình có yếu tố quân sự như vượt qua hầm ngầm, pháo đài...
“Lần đầu tập lái còn chưa vững tay, giao thông lại phức tạp, tôi run lắm. Tuy nhiên, thời gian này cũng tương đối thoải mái vì chúng tôi chỉ tập trung học lái xe mà không phải học lý thuyết các môn khác. Vừa học vừa trải nghiệm nên chỉ mất vài hôm tôi đã điều khiển xe thành thạo, vượt qua kỳ sát hạch và được cấp bằng lái xe”, nam thủ khoa tâm sự.
Đối với Viết Thành, môi trường trong quân đội rất nghiêm khắc, kỷ luật. Tuy nhiên, đây cũng là nơi giúp anh trưởng thành, mạnh mẽ và rắn rỏi hơn.
Sau nhiều nỗ lực, Thành đã gặt hái được nhiều thành tích nổi bật như 4 năm liền kết quả học tập đạt loại giỏi, là thủ khoa đầu ra; 3 năm liền là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; Chiến sĩ thi đua toàn quân năm 2021; nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng năm 2019; đạt danh hiệu “Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân năm 2020”.
Là thủ khoa đầu ra của trường, Lê Viết Thành được Học viện Hậu cần giữ lại làm giảng viên, công tác tại khoa Chỉ huy vận tải.
Khi được yêu cầu dùng 3 từ để mô tả về công việc của mình, nam thủ khoa không ngần ngại chọn: “Tự hào - Hãnh diện - Quyết thắng”.
“Được giữ lại làm giảng viên của trường là động lực giúp tôi gắn bó hơn với màu áo xanh, bản thân cũng cần cố gắng hơn nữa để xứng đáng với vinh dự mình được nhận. Tôi muốn cống hiến, truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức cho các thế hệ học viên, quan trọng hơn cả là truyền niềm yêu nghề đến với các em”, Thành chia sẻ.
Dự định sắp tới của Viết Thành là tiếp tục nghiên cứu khoa học và bổ sung kiến thức ngoại ngữ cũng như chuyên môn để hoàn thành tốt công tác giảng dạy tại Học viện Hậu cần. Với Thành, những thành tích chỉ là khởi đầu cho chặng đường sau này. Anh khẳng định bản thân phải nỗ lực và cố gắng nhiều hơn nữa.