Thủ khoa Học viện Ngoại giao chia sẻ bí quyết săn học bổng

17/06/2020 06:07
Thùy Linh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Phương Mai, khi đã nộp học bổng thì không nên “bỏ trứng vào cùng một giỏ” nhưng cũng không phải nộp càng nhiều càng tốt, chỉ cần làm vừa đủ nhưng mà “chất".

Trần Phương Mai- sinh viên thủ khoa đầu ra ngành Quan hệ Quốc tế, Học viện Ngoại giao năm 2019 với vẻ ngoài thân thiện, gương mặt sáng, thông minh vừa nhận được kết quả là một trong số ít người Việt Nam giành được đồng thời 3/3 học bổng Erasmus Mundus của Liên minh châu Âu.

Học bổng Erasmus Mundus trực thuộc Ủy ban châu Âu, tài trợ toàn bộ học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên theo học thạc sĩ tại ít nhất 2 quốc gia châu Âu. Nhiều người coi đây là học bổng danh giá nhất châu Âu.

Mục tiêu của chương trình này là giúp các sinh viên xuất sắc theo học khóa Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ Erasmus Mundus hợp tác tại hai hay nhiều hơn hai trường đại học ở châu Âu.

Chuyện học mỗi học kỳ ở một nước khác nhau, bảo vệ tốt nghiệp lại ở một nước khác đã trở thành đặc điểm của sinh viên nhận học bổng này.

Tại Việt Nam, số lượng sinh viên và người đi làm quan tâm đến học bổng này rất lớn.

Đây là học bổng có tính cạnh tranh toàn cầu chứ không đơn thuần là cạnh tranh trong khu vực, mặc dù có 128 ngành đào tạo, mỗi khóa học chỉ trao tối đa 20-22 suất học bổng Erasmus Mundus chính vì vậy “tỷ lệ chọi” rất cao. Bởi lẽ có những năm số thí sinh đăng ký lên tới 700 hồ sơ.

Ngay sau khi Phương Mai nhận học bổng Erasmus Mundus, phóng viên Giáo dục Việt Nam có cuộc gặp gỡ và được cô nàng 9X này chia sẻ về kinh nghiệm “săn” học bổng toàn phần.

Trần Phương Mai, ảnh do nhân vật cung cấp.

Trần Phương Mai, ảnh do nhân vật cung cấp.

Tính đến nay, cô nàng thủ khoa Học viện Ngoại giao năm 2019 đã tốt nghiệp được 1 năm, đặt mục tiêu đi du học trong năm nay nên vừa đi làm Mai vừa “săn” nộp học bổng đúng đợt Covid-19 diễn biến phức tạp chính vì vậy áp lực tương đối lớn, bởi cô không muốn mất thêm thời gian nữa.

Khi biết thông tin mình đã trúng đồng thời 3/3 học bổng, Phương Mai cảm thấy lúc đó thật tuyệt vời ngoài sức tưởng tượng.

Chia sẻ về “chiêu” giành học bổng danh tiếng này, Mai tâm sự, học bổng thì có nhiều loại nhưng về cơ bản thì cũng đều yêu cầu năng lực học thuật cao hoặc khả năng lãnh đạo… Vì vậy, chúng ta không thể nào chỉ mọt sách, cứ lao đầu vào học là có thể “trúng” học bổng.

“Đòi hỏi phải dung hòa giữa học tập và các hoạt động ngoại khóa bởi học tập giúp trau dồi kiến thức còn hoạt động ngoại khóa cho chúng ta trải nghiệm, kỹ năng xử lý tình huống cũng như tạo dựng nhiều mối quan hệ”, Phương Mai chia sẻ.

Phương Mai được tham dự Hội nghị Model ASEM tại Ulaanbaatar Mông Cổ từ khi là sinh viên năm nhất

Phương Mai được tham dự Hội nghị Model ASEM tại Ulaanbaatar Mông Cổ từ khi là sinh viên năm nhất

Đặc biệt, theo Phương Mai, khi đã nộp học bổng thì không nên “bỏ trứng vào cùng một giỏ” nhưng cũng không phải nộp càng nhiều càng tốt, chỉ cần làm vừa đủ nhưng mà “chất”, đã làm hồ sơ là phải thực sự nghiêm túc bởi lẽ đôi khi học bổng mình ưu tiên nhất thì chưa chắc đỗ, học bổng nghĩ nộp phụ thì lại thành cái chính.

Chính vì vậy, theo Phương Mai, trước khi nộp hồ sơ phải nghiên cứu thật kỹ đó là học bổng có tính cạnh tranh trong nước, khu vực hay toàn cầu, đặc biệt xem bản thân có phù hợp không, mình có chấp nhận được tính cạnh tranh của học bổng đó hay không.

Phương Mai chia sẻ rằng, mỗi người nên nộp tối đa 4-6 chương trình để đảm bảo làm tốt nhất, tối ưu nhất.

Nhìn nhận thấy tình trạng ở Việt Nam thần thánh hóa IELTS, TOEFL bởi nhiều người cho rằng trình độ IELTS, TOEFL càng cao thì khả năng giành học bổng càng lớn, tuy nhiên từ kinh nghiệm “săn” học bổng của mình, Phương Mai cho rằng đó chỉ là điều kiện cần.

Khoảng từ 7.0-7.5 IELTS tuỳ ngành là đủ xin học bổng rồi. Do đó thay vì chỉ "cắm đầu cắm cổ" luyện tiếng Anh, nếu có thời gian thì nên học thêm 1-2 thứ tiếng khác.

Cô nàng 9X chia sẻ, trong cả bộ hồ sơ thì bài luận là quan trọng nhất, bởi đó là cơ hội để mình trực tiếp thuyết phục hội đồng xét tuyển rằng mình là người phù hợp và xứng đáng.

Để có được bài luận ấn tượng, cách duy nhất là phải hiểu cho rõ: Mình có những gì, và học bổng này, chương trình này cần một ứng viên như thế nào. Một số câu hỏi cần được trả lời rành mạch như:

Tại sao tôi chọn học bổng này, chương trình này?

Học bổng, chương trình học sẽ giúp tôi hiện thực hóa muc tiêu sự nghiệp của mình như thế nào?

Tại sao tôi xứng đáng nhận học bổng?

Thế mạnh nổi bật của tôi là gì?

Tôi đã nỗ lực như thế nào trong thời gian qua?

Tôi có thể đóng góp được gì cho quỹ học bổng và cho khóa học?

Điểm yếu của tôi là gì? Tôi sẽ khắc phục nó thông qua chương trình như thế nào?...

Riêng đối với bài luận của mình, Mai chỉnh chu tới mức “em sửa trên dưới 50 lần, đến mức cảm giác thêm 1 từ cũng thừa và thiếu đi 1 từ sẽ thiếu”.

Khi là sinh viên năm 2, Phương Mai (ngoài cùng bên trái, hàng thứ 2) tham gia chương trình ASEAN Youth Volunteer Program tại Indonesia

Khi là sinh viên năm 2, Phương Mai (ngoài cùng bên trái, hàng thứ 2) tham gia chương trình ASEAN Youth Volunteer Program tại Indonesia

Nhiều người cho rằng bài luận thì có thể “thuê” viết tuy nhiên Mai cho rằng, một bộ hồ sơ gồm rất nhiều giấy tờ thậm chí lên tới 70-80 trang giấy (kể cả CV - Curriculum Vitae, các giấy tờ bằng cấp, dịch thuật, chứng nhận…) nếu nhờ viết thì không thể có được sự mạch lạc, kết nối của bộ hồ sơ.

Ví như điểm IELTS, TOEFL rất cao nhưng bài luận lại không tương xứng hoặc CV không có gì quá nổi bật nhưng bài luận lại quá xuất sắc…thì chắc chắn hội đồng học bổng sẽ đặt nghi vấn, đặt câu hỏi.

“Chúng ta không thể tiểu xảo để qua mắt hội đồng xét tuyển được bởi họ được đào tạo chuyên nghiệp, từng đọc cả trăm, ngàn hồ sơ do đó điều quan trọng nhất là chúng ta phải TRUNG THỰC”, Phương Mai nhấn mạnh.

Trong một bộ hồ sơ có quá nhiều thứ nếu không nhận được sự giúp đỡ của bạn bè, thầy cô, thậm chí sếp cũ, anh chị đã từng đạt học bổng này và sự động viên của bố mẹ thì Mai thừa nhận mình không thể làm được như ngày hôm nay.

Chính nhờ có sự hỗ trợ đó nên khi nộp 6 học bổng, Mai đã trúng cả 6. Đặc biệt đối với học bổng Erasmus Mundus thì Mai đã nộp 3 chương trình đào tạo và trúng cả 3.

Phương Mai (cầm mic) từng tham dự sáng kiến tài năng lãnh đạo trẻ Hitachi diễn ra tại Singapore, ảnh do nhân vật cung cấp.

Phương Mai (cầm mic) từng tham dự sáng kiến tài năng lãnh đạo trẻ Hitachi diễn ra tại Singapore, ảnh do nhân vật cung cấp.

Bên cạnh học bổng Erasmus, em cũng giành được 3 học bổng toàn phần khác. Trong đó có học bổng từ đại học Bắc Kinh và Thanh Hoa- Trung Quốc (top 1, 2 trường đại học ở châu Á theo bảng xếp hạng mới nhất của Asia Univeristy Ranking) và 1 học bổng tại Hà Lan.

Khi nói về lý do đỗ cả 6 nhưng “chốt” học bổng Erasmus Mundus bởi khi còn là sinh viên Phương Mai đã từng đi học hè ở cả Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh, do đó phần nào em mường tượng được mô hình giáo dục của họ, còn học bổng ở Hà Lan thời gian học chỉ 1 năm vừa học vừa làm luận văn thì Mai sợ thời gian hơi ít.

Từ nhỏ đã thích nói trước đám đông, thích diễn thuyết nên khi học trung học phổ thông các bạn cân đo đong đếm nên học luật hay kinh tế, báo chí… thì Mai vẫn không hề lung lay gì với quyết tâm theo đuổi con đường ngoại giao.

Chính vì vậy giờ có đi du học thì Mai vẫn dự định sau khi tốt nghiệp sẽ trở về Việt Nam làm một nhà ngoại giao hoặc làm trong ngạch đối ngoại của bộ ngành nào đó.

Trần Phương Mai- thủ khoa ngành quan hệ quốc tế, Học viện ngoại giao năm 2019.

Tốt nghiệp với tổng điểm toàn khóa 3.78/4.

- Học bổng toàn phần Liên minh châu Âu Erasmus Mundus – Euroculture: tại Hà Lan, Đức

- Học bổng toàn phần Liên minh châu Âu Erasmus Mundus – Global Studies: tại Đức, Ba Lan

- Học bổng toàn phần Liên minh châu Âu Erasmus Mundus – European Politics and Society: tại Séc, Hà Lan, Tây Ban Nha

- Học bổng Thạc sĩ Toàn phần Yenching Academy, Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc

Thùy Linh (thực hiện)