Thưa ông, mục đích của phí bảo trì đường bộ là hướng tới việc toàn dân, đặc biệt là các chủ phương tiện, tham gia cùng Nhà nước nâng cấp, sửa chữa đường?
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Điều này đúng. Các nước khác hiện cũng đang áp dụng. Nhà nước phải phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu của người dân, thông qua nguồn thu nhập của quốc gia để đầu tư, phát triển. Điều này, có tính chất công ích nhiều.
Tuy nhiên, cũng giống như ngành nước hoặc y tế, Nhà nước chỉ có thể cung cấp ở mức độ hạn chế chứ không thể đầu tư tất cả. Nước ta không giàu, các nước đang phát triển cũng không phải giàu, nên phải có sự đóng góp của người dân, cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông
Cũng như khi dùng nước, chúng ta phải trả phí và ở đây, đường đã được nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng do ngân sách hạn hẹp, không có nhiều tiền để làm công tác duy tu, bảo dưỡng, nên phải thu phí để tạo ngân sách cho công tác bảo trì đường bộ. Dần dần, đường sẽ tốt lên, phục vụ việc đi lại thuận lợi hơn, chi phí vận tải nói chung có thể giảm đi.
Và ý thức của người dân, sau khi đóng góp, chắc chắn họ sẽ quan tâm đến đường có tốt hơn không. Ở đây có quan hệ hai chiều: Nhà nước có tiền giao cơ quan thực hiện và người dân được hưởng.
Người dân cho rằng, mức phí được đề nghị quá cao?
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Đây là mức phí đã so sánh với các nước trong khu vực, kể cả những nước có thu nhập bình quân đầu người GDP tương đồng Việt Nam. Theo đánh giá của chúng tôi, không phải cao.
Nếu bạn mua một thỏi son để làm đẹp, phải mấy trăm nghìn, nhưng bạn đóng phí bảo trì đường bộ cho một chiếc xe máy, chỉ phải mất 100 nghìn thôi. Thế thì làm đẹp có khi còn đắt hơn cả đóng phí cho bảo trì đường bộ.
Một số trạm thu phí sẽ dừng hoạt động khi Nghị định về thu phí bảo trì đường bộ có hiệu lực
Khi quyết định thu phí bảo trì đường bộ đi vào hoạt động, các trạm thu phí trên quốc lộ và tỉnh lộ có còn hoạt động nữa không?
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Theo đề án nghiên cứu đã trình các cơ quan liên quan và sau đó trình Chính phủ, quy định đối với các trạm thu phí nộp vào ngân sách nhà nước, sẽ bỏ các trạm đó. Với những trạm đang chuyển nhượng quyền thu phí trong thời gian ba, năm năm thì hết thời gian đó cũng sẽ dừng hoạt động.
Với các trạm thu phí hoạt động dưới hình thức Nhà nước huy động vốn để xây dựng và khai thác theo phương thức như BOT thì vẫn tiếp tục duy trì vì đó là kênh thu hút vốn.
Bộ giao thông vận tải chuẩn bị gì khi ngày 1/6 tới phí này sẽ chính thức có hiệu lực?
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Nghị định đã được Chính phủ ban hành. Dưới nghị định đã có những dự thảo, thông tư quy định về mức phí, về tổ chức thu phí như thế nào, về việc quản lý, sử dụng tiền thu phí đó, điều lệ của hội đồng quản lý qũy.
Những vấn đề này sẽ được trình lên trên trong thời gian rất sớm để kịp mùng 1 - 6 có hiệu lực thi hành.
Sau khi đã hoàn thành tất cả các văn bản pháp luật, sẽ triển khai ở các cơ quan thu phí, ví dụ như đơn vị đăng kiểm.... Khi đã có văn bản của Nhà nước, rất mong người dân ủng hộ và thực hiện.