Ngày 31/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 78-SL thành lập Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch Kiến thiết, tiền thân của cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư gồm ủy viên là tất cả các Bộ trưởng, Thứ trưởng, các Tiểu ban chuyên môn, đặt dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Chính phủ. Ngày 31/12 trở thành Ngày truyền thống của ngành kế hoạch và đầu tư.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, suốt 75 năm qua, các thế hệ cán bộ, công chức, người lao động ngành kế hoạch và đầu tư luôn thể hiện tinh thần tận tụy, trung thành, bản lĩnh vững vàng; là người lính xung kích trong đổi mới tư duy kinh tế, những người có tư duy nhạy bén, sắc sảo, nắm bắt nhanh các vấn đề mới; tiên phong trong đổi mới sáng tạo; là tổng tham mưu trưởng trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước..., hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.
Thủ tướng phát biểu: Ảnh: VGP |
Năm 2020, dù trải qua muôn vàn khó khăn nhưng đất nước ta đạt được những thành tích và dấu ấn đặc biệt. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không hề nhụt chí, lùi bước, mà càng đoàn kết hơn, quyết tâm hơn, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để có thành quả như ngày hôm nay. Thành quả đó tô điểm thêm cho tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, ý chí, khí chất của con người Việt Nam; nó chứng minh, không có khó khăn nào dân tộc ta không thể vượt qua, không thử thách nào nhân dân ta không dám đương đầu.
6 thành tích nổi bật của ngành kế hoạch và đầu tư
Nhân dịp này, Thủ tướng điểm lại 6 thành tích nổi bật của ngành kế hoạch và đầu tư. Đó là, được tin tưởng giao trọng trách chủ trì xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội qua các thời kỳ. Những chiến lược này là kim chỉ nam, định hướng phát triển, cụ thể hóa đường lối của Đảng trong phát triển đất nước từng chặng đường 10 năm trong thời kỳ Đổi mới. Mỗi kế hoạch 5 năm là bản lộ trình rõ ràng trong trung hạn, tạo ra bước tiến mới trong phát triển đất nước suốt thời kỳ Đổi mới.
Thứ hai, luôn nghiêm túc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với tư duy đổi mới, đột phá trong cải cách thể chế kinh tế phù hợp với các giai đoạn phát triển của đất nước.
Thứ ba, luôn là cơ quan được giao nhiều đề án quan trọng nghiên cứu các mô hình, định hướng phát triển đất nước với chất lượng được Đảng và Nhà nước đánh giá cao.
Đồng thời, Bộ cũng là một trong số các bộ, ngành luôn có số lượng đề án, báo cáo lớn nhất. Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn đi đầu trong nghiên cứu, triển khai các mô hình kinh tế mới, đột phá như: Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Đề án Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Đề án đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế.
Thứ tư, đã chủ động nghiên cứu, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều cơ chế, chính sách mang tính đột phá, cải cách trong quản lý nhà nước về đầu tư, đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư toàn xã hội; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi; phát triển doanh nghiệp.
Thứ năm, luôn đổi mới và đi tiên phong cả về tư duy và hành động, hành động trách nhiệm và hiệu quả để tham mưu, đề xuất những chính sách, giải pháp điều hành kinh tế-xã hội kịp thời cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Thủ tướng lấy ví dụ, năm 2020 này, dịch COVID-19 bùng phát với tốc độ lây lan nhanh và sự nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử đã gây ra cuộc khủng hoảng y tế và suy thoái kinh tế nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu.
Ngay từ thời điểm ban đầu và xuyên suốt quá trình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã luôn chủ động theo dõi, cập nhật sát tình hình dịch bệnh; đưa ra những đánh giá, dự báo về ảnh hưởng của đại dịch để kịp thời tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo, ban hành những định hướng, giải pháp chính xác, kịp thời nhằm hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của người dân.
Thủ tướng trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: TTXVN |
Thủ tướng cho rằng, “những kết quả đáng ghi nhận nêu trên đến từ tư duy của các đồng chí là cải cách phát triển và không ngừng đổi mới, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, không ngại khó, không ngại khổ, phát huy tinh thần trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và nhân dân”.
Thứ sáu, ngành thống kê đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin thống kê, thể hiện rõ "con số biết nói" thông qua phân tích, giải thích, trình bày và tổ chức dữ liệu thống kê để phục vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Với những thành tựu to lớn đạt được, ngành kế hoạch và đầu tư đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác qua các năm, xứng đáng với vai trò thuyền trưởng dẫn dắt con tàu kinh tế ra khơi thuận lợi và thành công.
9 thách thức trong thời gian tới
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, sau 35 năm đổi mới và 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020, nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, Thủ tướng khái quát hóa thành 9 thách thức chủ yếu của chúng ta trong thập niên tới.
Một là, bối cảnh thế giới tiếp tục bất định, nhất là tác động của đại dịch COVID-19 và những căng thẳng địa chính trị mà chúng ta phải đối đầu.
Thứ hai, cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra cơ hội lớn cho các nước đang phát triển có thể đuổi kịp nước giàu nhưng cũng đi kèm theo nhiều thách thức bị bỏ lại, hoặc lệ thuộc lớn hơn vào nước giàu.
Thứ ba, thế và lực của nước ta mặc dù đã mạnh hơn trước nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều nút thắt vẫn chưa được khơi thông.
Thứ tư, nguy cơ tụt hậu, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn rất lớn, nhất là một số nhóm yếu tố, nhóm dễ bị tổn thương trước các biến động kinh tế.
Thứ năm, cạnh tranh giữa các đô thị trong khu vực, kể cả trong nước, trong việc trở thành các trung tâm giao dịch, trung tâm tài chính, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ngày càng lớn.
Thứ sáu, nhiều vấn đề văn hóa, xã hội, an ninh, nhất là an ninh phi truyền thống, an ninh mạng nổi lên, có thể đặt ra nhiều thách thức hơn dự báo.
Thứ bảy, chênh lệch giàu nghèo có xu hướng tăng lên theo vùng miền và giữa các nhóm, đi cùng sự gia tăng nhanh của tầng lớp trung lưu và giới siêu giàu.
Thứ tám, vấn đề nhân khẩu học, già hóa dân số với tốc độ nhanh chóng tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội của nước ta.
Thứ chín, những thách thức về biến đổi khí hậu, môi trường, tài nguyên tăng lên.
Thủ tướng trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng nêu rõ, ngành kế hoạch và đầu tư vinh dự là một trong số ít ngành có bề dày lịch sử đi cùng với chiều dài lịch sử ra đời của nước Việt Nam ta. Năm 2045 cũng là thời điểm kỷ niệm 100 năm ngành kế hoạch và đầu tư. “Câu hỏi đặt ra là tầm nhìn của ngành kế hoạch và đầu tư như thế nào vào năm 2045, vai trò, chức năng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ như thế nào trong những thập niên tới?”.
Thủ tướng đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải có tầm nhìn xa hơn các bộ, ngành khác, phải là bộ đi đầu trong đổi mới tư duy và lan tỏa tư duy đổi mới sáng tạo sang các bộ, ngành khác và các địa phương trong cả nước.
Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, trong đó, định hướng thứ nhất là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế-chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Bộ nào sẽ tiên phong tham mưu cho Đảng và Chính phủ trong việc cụ thể hóa và thực hiện thành công định hướng này? Thủ tướng nêu câu hỏi và khẳng định, đó chắc chắn là Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải hiến kế để đạt được sự bứt phá cho các mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2021 cũng như những giai đoạn tiếp theo gắn với những mục tiêu và tầm nhìn mà Đại hội Đảng lần thứ XIII tới đây sẽ đặt ra. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh một số vấn đề trọng tâm mà ngành cần đặc biệt chú trọng.
Thứ nhất, thể chế là yếu tố quyết định sự tăng trưởng đột phá cho đất nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tham mưu để thể chế, pháp luật, chính sách trở thành đột phá cho các đột phá khác của Việt Nam hiện nay cũng như trong những năm tới.
Thứ hai, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hơn nữa, biến tài nguyên đổi mới sáng tạo trở thành một tài nguyên mới vô tận cho sự phát triển bền vững.
Thứ ba, làm sao để Việt Nam tránh các bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công giá trị thấp và thậm chí là bẫy rác thải công nghiệp.
Thứ tư, làm sao để không ai bị bỏ lại phía sau trên đường phát triển, tạo ra tăng trưởng bao trùm tốt hơn nữa.
Thứ năm, cụ thể hóa các nghị quyết của Đại hội Đảng, nghị quyết của Quốc hội một cách đầy đủ, kịp thời và xuyên suốt. Như làm sao để kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết 10 của Trung ương. Làm sao để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng theo tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị.
Thứ sáu, tận dụng được cơ cấu dân số vàng, để giàu trước khi già chứ không phải già trước khi giàu.
Thứ bảy, vừa phát triển mạnh mẽ tầng lớp trung lưu nhưng đồng thời cũng mang lại quyền lợi cho người lao động, cho nhân dân, không làm tăng sự phân hóa.
Thứ tám, đề xuất cơ chế phân cấp, phân quyền phù hợp, đồng thời gắn với cơ chế liên kết vùng, cơ chế tổ chức tài chính quản trị. Yêu cầu các vùng này không bị cát cứ như thời gian vừa qua, cát cứ nội vùng và liên vùng, không triệt tiêu động lực và lợi thế cạnh tranh của nhau, phát huy lợi thế kinh tế nhờ quy mô của toàn vùng.
Thứ chín, tận dụng được cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thực hiện quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số. Làm sao để cuộc cách mạng này lan tỏa rộng khắp trong nền kinh tế nước ta, phát huy hiệu quả tốt nhất ở nước ta.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tham mưu và chuẩn bị sẵn sàng các nền tảng để ngay sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, tinh thần các nghị quyết của Đại hội phải ngay lập tức đi vào thực hiện và cần phải tham mưu để đề xuất về mặt định hướng với sự kiên định và nhất quán về mục tiêu nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa ở nước ta dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trao các phần thưởng cao quý khác cho các tập thể, cá nhân thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.