Tại sự kiện này, Đà Nẵng công bố 7 dự án động lực, trọng điểm kêu gọi đầu tư.
Các đại biểu chào đón Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng năm 2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cùng dự Diễn đàn có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Võ Minh Lương, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương, cơ quan đại diện các nước, tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế…
Phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh nhắc lại chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng cuối năm 2021: “Phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo. Phải vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình, không trông chờ, không ỷ lại, né tránh, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể, phấn đấu cao nhất để đạt được kết quả vượt trội, thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội thành phố giai đoạn 2021-2025”.
Theo ông Lê Trung Chinh, trong bối cảnh đầy khó khăn về sức ép lạm phát và đứt gãy chuỗi cung ứng, nền kinh tế thành phố Đà Nẵng vẫn có sự phục hồi từng bước, thoát khỏi mức tăng trưởng âm năm 2020 với quy mô mở rộng, tăng thêm gần 1.826 tỷ đồng trong năm 2021, dẫn đầu vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, chiếm gần 23% tổng GRDP toàn khu vực.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới tăng 16,3%, với 49 lượt nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị vốn góp cao gấp 2,24 lần so với năm 2020.
Đối với thu hút đầu tư trong nước, thành phố đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 27 dự án với tổng vốn đầu tư là 7.748 tỷ đồng, tăng 35% về số dự án.
Đà Nẵng tiếp tục nằm trong tốp các tỉnh, thành phố dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đứng thứ nhất cả nước về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, đứng thứ ba cả nước về Chỉ số cải cách hành chính.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh: Không thể có được những kết quả mới cao hơn, hiệu quả hơn từ những cách làm cũ, theo tư duy cũ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Năm 2022, thành phố xác định chủ đề là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”.
Với những cơ chế, định hướng lớn đối với sự phát triển thành phố từ Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 119 của Quốc hội và Nghị định số 34 của Chính phủ về triển khai mô hình chính quyền đô thị và sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh Quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045; cũng như sự kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, có thể nói đây là thời điểm thích hợp để Đà Nẵng hiện thực hóa, đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án và thu hút đầu tư mạnh mẽ.
Trong khuôn khổ của Diễn đàn, thành phố Đà Nẵng công khai thông tin về kế hoạch, tiến độ hoàn thành việc lập quy hoạch các phân khu chức năng theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thông tin quỹ đất kêu gọi đầu tư và các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư trên địa bàn thành phố để các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu và triển khai thực hiện; đồng thời sẽ thảo luận một số giải pháp trọng tâm đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư trong thời gian đến.
Lãnh đạo thành phố kỳ vọng Diễn đàn lần này sẽ thúc đẩy công tác thu hút đầu tư; tạo ra bước chuyển trong hiện thực hóa những dự án động lực, trọng điểm ấp ủ trong suốt thời gian qua của thành phố.
“Chúng tôi ý thức rằng, không thể có được những kết quả mới cao hơn, hiệu quả hơn từ những cách làm cũ, theo tư duy cũ.
Điều đó đòi hỏi từ lãnh đạo đến từng công chức của thành phố phải đổi mới tư duy, xác định những cách làm mới một cách cụ thể, phù hợp với quy định pháp lý và thực tiễn đặt ra; cũng như đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm của mỗi chính sách.
Cũng cần ý thức rằng, không phải cái mới nào cũng có thể dễ dàng tạo ra và được chấp nhận, triển khai có hiệu quả trong thời gian ngắn.
Do đó, rất cần sự bền bỉ, sáng tạo trong toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố; sự thấu hiểu, đồng thuận từ phía người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư; cũng như sự định hướng, chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ cùng các bộ ngành Trung ương”, ông Lê Trung Chinh phát biểu.
Tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng, chiều 1/12/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, Đà Nẵng phải đẩy mạnh việc nghiên cứu, tìm ra động lực mới cho phát triển - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
8 nhóm giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư
Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh cho biết, thành phố đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư đảm bảo phát triển hiệu quả và thực chất.
Cụ thể, Đà Nẵng chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2022/NĐ-CP ngày 20/6/2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng.
Thành phố tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông và đô thị trong đó đẩy nhanh khởi công, xây dựng cảng biển Liên Chiểu, mở rộng và nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng (mở rộng nhà ga hành khách T1 và xây mới ga hàng hóa) gắn với phát triển dịch vụ logistics và trung chuyển quốc tế, đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông đường bộ kết nối đường cao tốc, đường quốc lộ với ga đường sắt, cảng biển và cảng hàng không quốc tế.
Thành phố chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, công nghệ thông tin đón dòng vốn dịch chuyển quốc tế vào Việt Nam; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Khu công nghệ cao theo hướng đồng bộ, hiện đại; hoàn thành thủ tục thành lập, lựa chọn nhà đầu tư và hoàn thiện hạ tầng đưa vào sử dụng các cụm công nghiệp (Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam) và 3 khu công nghiệp (Hòa Cầm - giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh); sớm đưa Khu Công viên phần mềm số 2, Khu công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, Cụm Công nghiệp Cẩm Lệ vào khai thác.
Trên cơ sở Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch phân khu, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2022 làm cơ sở để triển khai các dự án trọng điểm, kêu gọi đầu tư vào thành phố thời gian tới.
Thành phố cũng tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, nghiên cứu, triển khai xây dựng các cơ sở giáo dục mang đẳng cấp quốc tế.
Thành phố xác định khâu trọng tâm trong cải cách thủ tục hành chính thành phố là hoàn chỉnh, công khai quy trình chuẩn bị đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện ngoài các Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung và Cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, các tổ công tác liên ngành do lãnh đạo Uỷ ban nhân dân thành phố là tổ trưởng tiếp tục tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong thủ tục đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, công tác giải tỏa đền bù, bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai một số dự án trọng điểm có quy mô vốn đầu tư lớn…
Thành phố tăng cường chuyển đổi số, hoàn thiện mô hình Chính quyền điện tử theo hướng hiện đại; công khai, minh bạch các thông tin, dữ liệu phục vụ công tác quy hoạch, đầu tư, đất đai, đăng ký kinh doanh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và giải quyết các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, người dân.
Đồng thời, xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, năng động, lấy doanh nghiệp/nhà đầu tư là đối tượng để phục vụ; tăng cường trật tự kỷ cương trong quản lý hành chính; có cơ chế để khuyến khích sự năng động sáng tạo, bảo vệ tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ công chức, đồng thời có những chế tài rõ ràng, xử lý điều chuyển đối với những cán bộ, công chức trì trệ, nhũng nhiễu.
Theo ông Hồ Kỳ Minh, với quan điểm xuyên suốt trong điều hành nền kinh tế, thành phố xác định đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội; chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, gắn thu hút đầu tư với đảm bảo quốc phòng - an ninh; bảo vệ tài nguyên và môi trường; gia tăng số lượng dự án FDI có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và gắn kết với đầu tư trong nước nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Định hướng đến năm 2045, thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với 3 trung tâm chức năng chính gồm Trung tâm du lịch dịch vụ chất lượng cao, Trung tâm công nghệ thông tin, công nghệ cao và Trung tâm tài chính quốc tế.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Đồng sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần SOVICO chia sẻ một số suy nghĩ về định hướng đầu tư của doanh nghiệp tại Đà Nẵng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
7 dự án động lực, trọng điểm kêu gọi đầu tư
Để hiện thực hóa định hướng nêu trên, thành phố Đà Nẵng tập trung kêu gọi đầu tư một số dự án trọng điểm sau:
1. Dự án Cảng Liên Chiểu
Cảng biển Liên Chiểu là một trong 3 cảng biển nước sâu của Việt Nam, được quy hoạch là cảng đặc biệt với quy mô tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU.
Dự án gồm 2 hợp phần, hợp phần A với kinh phí đầu tư trên 3.400 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách trung ương và thành phố, dự kiến khởi công tháng 9/2022, hợp phần B (giai đoạn khởi động) với tổng diện tích 44 ha, quy mô 2 cầu cảng (750 m) được kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân.
Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
2. Dự án Khu phức hợp Trung tâm tài chính, thương mại, vui chơi giải trí, casino và chung cư cao cấp
Hiện nay, Đà Nẵng đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực.
3. Dự án Không gian sáng tạo Đà Nẵng
Khu đất phát triển Dự án nằm trong Khu dân cư thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ với tổng diện tích 17,26 ha. Khu đất đã được giải phóng mặt bằng và dự kiến sẽ hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất vào cuối năm 2022.
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trung Nam Group phát biểu ý kiến tại Diễn đàn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
4. Dự án Trung tâm thương mại quốc tế
Với định hướng đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn của cả nước với hạ tầng thương mại và hệ thống phân phối hiện đại và đồng bộ, là trung tâm phát luồng hàng hóa của khu vực và cả nước; thành phố tập trung kêu gọi đầu tư dự án Trung tâm thương mại quốc tế tại 3 vị trí.
5. Dự án bệnh viện quốc tế
Thành phố Đà Nẵng quy hoạch Khu đất tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà với diện tích gần 1 ha, cách trung tâm thành phố 4 km để phát triển cơ sở y tế chất lượng cao. Hiện nay, thành phố đang khẩn trương triển khai thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất và dự kiến tổ chức đấu giá cuối năm 2022.
6. Dự án Viện dưỡng lão
Thành phố Đà Nẵng kêu gọi đầu tư dự án Viện dưỡng lão tại khu đất thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ với diện tích khoảng 1,1 ha. Khu đất đã được giải phóng mặt bằng và phê duyệt phương án đấu giá. Hiện nay, các đơn vị đang tích cực triển khai thủ tục tiếp theo và dự kiến tổ chức đấu giá trong Quý III/2022.
7. Dự án Trường liên cấp quốc tế
Với định hướng tạo lập môi trường sống lý tưởng không chỉ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân thành phố mà còn phục vụ nhu cầu giáo dục chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế cho con em chuyên gia, nhà đầu tư tại Đà Nẵng, thành phố kêu gọi đầu tư dự án Trường liên cấp tại 2 vị trí.