Thưa Bộ, Tiếng Việt 1 chương trình mới nặng ở khối lượng kiến thức trên một bài

29/10/2020 08:55
Thuận Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chương trình và sách giáo khoa lần này được nhiều giáo viên và phụ huynh đánh giá là quá nặng.

Bộ Giáo dục khẳng định chương trình mới tăng tiết với lớp 1, 2 là để giảm tải. Quả thật, nếu so sánh thời lượng học môn tiếng Việt cấp Tiểu học theo Chương trình 2018 với Chương trình 2000 thì tổng số tiết học môn tiếng Việt cho cả cấp tiểu học trong chương trình năm 2000 và chương trình năm 2018 không thay đổi.

Cuối năm, học sinh lớp 1 đã phải đọc một văn bản dài mà trước đây yêu cầu này phải học sinh lớp 2 mới đọc được (Ảnh Thuận Phương)

Cuối năm, học sinh lớp 1 đã phải đọc một văn bản dài mà trước đây yêu cầu này phải học sinh lớp 2 mới đọc được (Ảnh Thuận Phương)

Đặc biệt, số tiết cho lớp 1 và lớp 2 trong chương trình 2018 lại tăng (2 tiết/tuần cho lớp 1 và 1 tiết/tuần cho lớp 2) so với chương trình 2000;

Bộ Giáo dục và Đào tạo còn nhấn mạnh: "Để hoàn thành nhiệm vụ này trước đây chương trình năm 2000 chỉ được thực hiện trong phạm vi 350 tiết một năm, tính trung bình 10 tiết 1 tuần; còn chương trình năm 2018 được thực hiện đến 420 tiết một năm, tăng thêm 2 tiết để giáo viên, học sinh dạy học đỡ vất vả hơn".

Việc tăng số tiết cho lớp 1 và 2 (các lớp đầu cấp tiểu học) nhằm giúp học sinh phát triển kĩ năng đọc, viết, nói và nghe tiếng Việt, nhờ đó có được công cụ để học tốt các môn học khác.

Như vậy, về nội dung kiến thức, chương trình 2018 có phần giảm nhẹ hơn so với chương trình năm 2000, tăng tiết đối với lớp 1, lớp 2 là để giảm tải, chứ không phải tăng tải, giúp các em học sinh học đủ 29 chữ cái và khoảng 140 vần mới biết đọc, biết viết.[1]

Thưa Bộ, 1 tiết bây giờ chúng tôi phải dạy từ 60 đến 70 phút mới xong bài

Chỉ nhìn vào việc một tuần tăng 2 tiết tiếng Việt (lớp 1) và tăng 1 tiết tiếng Việt của lớp 2 để khẳng định là đã giảm tải giúp giáo viên, học sinh dạy học đỡ vất vả hơn e rằng không thực tế.

Bởi, thời lượng dạy học tăng (1 đến 2 tiết) nhưng lượng kiến thức, mục tiêu cần đạt trong một tiết lại tăng lên rất nhiều.

Chia sẻ về vấn đề này, một số giáo viên lớp 1 cho biết, tăng thời lượng gọi là giảm tải chỉ là cách giải thích bề ngoài. Còn nặng ở đây là trong từng bài học. Mỗi bài học có nội dung rất dài...dạy mãi không hết bài.

Yêu cầu là 35 phút/ tiết, nhưng thật ra để dạy học sinh biết đọc hết nội dung bài có khi phải đến 50 đến 60 thậm chí 70 phút.

Tại sao lại bắt trẻ học nhanh, nhồi nhét để làm gì? Trong khi ngày xưa học chậm mà chắc. Giờ học nhanh nhưng toàn học vẹt, toàn nhìn tranh nghĩ chữ, đâu có phải đọc chữ?

Thầy T. Q. thì cho rằng, giảm hay tăng, nặng hay nhẹ không thể căn cứ vào số tiết học. Cái cốt lõi là tiết học phải nhẹ nhàng, thầy trò phải hào hứng và chất lượng học được nâng lên rõ ràng.

Trong thực tế thì không phải như vậy, một bài phải kéo dài thành 2 tiết, thầy trò gần như là phải đánh vật, ra khỏi trường là đến giờ đi học thêm thì phỏng có là nhẹ. Ngày xưa học có một buổi, không biết học thêm là gì.

Nếu Chương trình năm 2000 một tiết dạy chỉ 2 âm hoặc vần thì Chương trình giáo dục năm 2018 có tiết học tới 4 âm vần và đọc cả đoạn văn bản dài.

Hay như, cuối năm học lớp 1, cũng chỉ yêu cầu học sinh tập chép bài thơ, đoạn văn ngắn. Thế nhưng sách giáo khoa hiện nay tuần 15 học sinh đã phải viết chính tả.

Vì thế, trong thực tế dù quy định thời lượng một tiết dạy 35 đến 40 phút nhưng giáo viên chúng tôi đang phải dạy ít nhất là 50 phút/tiết có khi 60 phút và thậm chí 70 phút học sinh mới nắm được bài.

Các trường hiện tăng thời lượng học tiếng Việt một tuần thêm khoảng 5 đến 6 tiết nữa

Những trường dạy 2 buổi/ngày, 10 buổi/tuần thì thời lượng học tiếng Việt của học sinh đã tăng lên đáng kể. Gần như toàn bộ các tiết bổ sung buổi chiều đều dành cho việc ôn luyện môn tiếng Việt.

Thế nên, một ngày có 7 tiết học nhưng có khi các em phải học từ 4 đến 5 tiết tiếng Việt. Và, một tuần các em phải học gần 20 tiết tiếng Việt. Dù học nhiều như thế nhưng tối về học sinh không ôn luyện thêm thì ngày mai đến lớp hơn một nửa lớp kiến thức lại như mới.

Chương trình và sách giáo khoa lần này được nhiều giáo viên và phụ huynh đánh giá là quá nặng.

Thế nên, bằng những phản ánh thực tế của giáo viên ở nhiều trường học, Bộ Giáo dục cũng cần phải lưu ý chứ cứ khẳng định rằng tăng thời lượng (chỉ một đến 2 tiết) là đang giảm tải, giảm áp lực cho giáo viên và học sinh thì e rằng việc thay chương trình và sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 sang năm cũng không khác gì lớp 1 năm nay thì buồn lắm thay.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-giao-duc-khang-dinh-chuong-trinh-moi-tang-tiet-voi-lop-1-2-la-de-giam-tai-post213194.gd[1]

Thuận Phương