Dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS” nhằm thúc đẩy sự tham gia chủ động, tích cực, hiệu quả của các tổ chức xã hội, các tổ chức cộng đồng để ứng phó đối với đại dịch HIV/AIDS, góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia và các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Ngày 20/11, tại Hà Nội, Dự án Vusta – Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS – Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khởi động dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS”.
TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS phát biểu tại hội thảo. |
GS.TSKH Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS” sẽ thực hiện ở 15 tỉnh trong giai đoạn 2015-2017.
Dự án tập trung thực hiện 3 mục tiêu chính, bao gồm: Cung cấp các dịch vụ dự phòng HIV cho các nhóm chính; Củng cố hệ thống cộng đồng nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia một cách hiệu quả và bền vững vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; Tạo môi trường thuận lợi về mặt pháp lý cho các nhóm chính tiếp cận các dịch vụ y tế và đẩy mạnh sự tham gia của các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Để đạt được những mục tiêu trên, dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng tham gia hoạt động phòng chống HIV/AIDS được tiếp cận với nguồn ngân sách nhà nước, tạo điều kiện cho các nhóm chính tiếp cận các dịch vụ ý tế thông qua chính sách bảo hiểm y tế, nâng cao kiến thức về pháp lý và cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho các nhóm chính.
GS Đặng Vũ Minh hy vọng, dự án sẽ góp phần đạt được mục tiêu quốc gia 90-90-90 vào năm 2020 là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người được chuẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virut và 90 % người nhiễm HIV điều trị kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp, tiến tới chấm dứt dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.
Tại hội thảo, TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, từ nhiều năm nay, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan luôn đánh giá cao sự đóng góp có hiệu quả của các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng động trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, điều đó đã được thể hiện trong các báo cáo quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS. Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ hiệu quả cho dự án Vusta – Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS.
Bà Kristan Schoulz, Giám đốc Quốc gia UNAIDS (Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về phòng, chống HIV/AIDS) tại Việt Nam cho rằng, dự án mới rất phù hợp, có thế mạnh trong việc huy động các nhóm chính chịu ảnh hưởng bởi HIV và toàn xã hội cùng giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV.
Bà Đỗ Thị Vân, Giám đốc Dự án Vusta cho biết, trong giai đoạn 2015-2017, dự án sẽ thực hiện ở 15 tỉnh đó là: Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Bình, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa.
Dự kiến đến năm 2017 sẽ có 26.240 người quan hệ đồng tính nam, 44.892 người nghiện chích ma túy và 10.478 phụ nữ mại dâm được dự án tiếp cận và chăm sóc. Kế hoạch đến năm 2017 sẽ có 99 tổ chức cộng đồng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ dự phòng HIV/AIDS cho cộng đồng.
Theo bà Đỗ Thị Vân, để tạo môi trường thuận lợi về mặt pháp lý cho các nhóm chính tiếp cận các dịch vụ y tế và sự tham gia của các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, dự án sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động vận động chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng tham gia hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được thành lập, hoạt động và tiếp cận với nguồn ngân sách nhà nước.
Đồng thời, tạo điều kiện cho các nhóm chính tiếp cận các dịch vụ y tế thông qua chính sách bảo hiểm y tế; nâng cao kiến thức về pháp lý, cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho các nhóm chính.