Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia đang tới gần, xã hội và phụ huynh vẫn chờ đợi vào một kỳ thi khách quan, trung thực và không tốn kém cho xã hội.
Để tạo bước đà đổi mới thi cử, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trò chuyện với Nhà giáo Ưu tú Lê Tiến Hưng – Nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An về việc có thể sẽ giao tổ chức thi tốt nghiệp THPT về các địa phương.
Thưa ông, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trong buổi làm việc với TP. HCM nhận định là có cơ sở khi giao việc thi hoặc xét tốt nghiệp THPT cho các địa phương, ông thấy ý kiến này như thế nào?
NGƯT Lê Tiến Hưng: Nếu Bộ quyết định chủ trương giao cho địa phương thi hoặc xét tốt nghiệp THPT, tôi cho đó là một chủ trương đúng, bởi phù hợp với tình hình thực tiễn, tôi nghĩ và tin rằng đội ngũ các thầy cô giáo, các nhà quản lí giáo dục và dư luận xã hội sẽ đồng tình và ủng hộ.
Tôi nghĩ và tin rằng việc tổ chức thi hay xét tốt nghiệp THPT, nếu Bộ giao cho địa phương thì công việc sẽ gọn và nhẹ nhàng hơn, đỡ tốn kém, đỡ cồng kềnh hơn. Với đích đạt tới là đánh giá một cách khách quan trình độ của học sinh phổ thông qua kỳ thi, đồng thời tạo động lực cho người dạy và người học.
Thí sinh chuẩn bị thi theo bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh minh họa Bùi Tuấn/VNU |
Bởi lẽ hơn ai hết từng nhà trường, tập thể thầy cô giáo là những người tiến hành giảng dạy, theo doi và đánh giá việc học tập và rèn luyện học sinh thì sẽ nắm chắc được trình độ học tập của các em. Nếu giao trách nhiệm cho họ thì họ sẽ làm tốt.
Việc giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương chúng ta đã nói nhiều, nhưng khi thực hiện thì nên làm như thế nào để đảm bảo tính khách quan, trung thực nhất cho kỳ thi, bởi khi đã về địa phương thì toàn quyền sẽ do địa phương quyết định?
NGƯT Lê Tiến Hưng: Nếu Bộ GD&ĐT quyết định giao kỳ thi này về cho địa phương, tôi tin rằng địa phương sẽ đón nhận và triển khai thực hiện tốt. Bộ GD&ĐT với chức năng quản lí nhà nước, Bộ sẽ ban hành quy chế thi và các văn bản hướng dẫn. Bộ tiến hành việc thanh tra, kiểm tra và giám sát kỳ thi, những nhiệm vụ này hết sức quan trọng, chứ không hẳn là khoán trắng về cho địa phương.
Để đảm bảo mặt bằng chung trong việc đánh giá chất lượng học sinh phổ thông trong cả nước thì Bộ vẫn nên làm nhiệm vụ ra đề thi. Các địa phương làm nhiệm vụ in sao đề, chuẩn bị các điều kiện, tổ chức coi thi và chấm thi.
Một bài học rút ra đó là để có kỳ thi tốt, chất lượng thì phải có cơ chế rõ ràng, giao trách nhiệm trực tiếp cho người đứng đầu từng cơ sở giáo dục? Vận dụng bài học này ông thấy nhấn mạnh nội dung gì?
NGƯT Lê Tiến Hưng: Nếu như chủ trương đó được thực hiện thì tôi nghĩ Bộ GD&ĐT sẽ ban hành quy chế thi. Trong quy chế này Bộ sẽ giao nhiệm vụ cho các địa phương, các Sở GD&ĐT, các nhà trường, các thành viên trong nhà trường, các cơ quan chức năng ở địa phương tham gia, tổ chức thực hiện theo quy chế của Bộ.
Giao địa phương xét tốt nghiệp, Bộ giáo dục chỉ kiểm tra, giám sát(GDVN) - Hai kỳ thi với tính chất khác nhau thì không thể nhập làm một, đó là quan điểm của nhiều nhà giáo về kỳ thi THPT quốc gia. |
Cá nhân tôi thiên về việc giao trách nhiệm tổ chức thi cho từng nhà trường THPT. Trong việc giao trách nhiệm cho từng trường THPT thì cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu (hiệu trưởng nhà trường) và phát huy dân chủ trong đội ngũ thầy cô giáo trong từng nhà trường.
Tôi tin việc tổ chức thi như vậy thì từ coi thi, chấm thi sẽ được nghiêm túc, gọn nhẹ hơn, khách quan, kết quản sẽ được phản ánh trung thực hơn.
Khi kỳ thi tốt nghiệp THPT được chuyển về các địa phương thì nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT sẽ là gì, thưa ông?
NGƯT Lê Tiến Hưng: Nhiệm vụ của Bộ lúc này vẫn sẽ là ban hành quy chế thi; Bộ chịu trách nhiệm ra đề thi; tổ chức thanh tra, kiểm tra và giám sát kỳ thi.
Việc thi cử đã bàn nhiều, đã có nhiều ý kiến tham gia từ nhiều năm nay, nhưng sau mỗi kỳ thi thì dư luận trong ngành và xã hội vẫn hết sức băn khoăn và từ đó cũng đã ảnh hướng đến niềm tin. Theo định hướng đổi mới của Bộ trưởng tôi tin dư luận trong ngành và xã hội sẽ hết sức đồng tình và sẽ quyết tâm thực hiện có hiệu quả chủ trương đổi mới của bộ.
Xin cảm ơn ông.