Đến thời điểm này, giáo viên, nhân viên nhiều trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được tiền “thưởng” Tết Nguyên đán. Có trường tăng, trường giảm tiền Tết so với năm trước khiến giáo viên bàn tán thiệt hơn.
Trường tăng, trường giảm tiền Tết
Người viết tìm hiểu nhiều trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên ở Thành phố Hồ Chí Minh thì được biết, trung bình giáo viên, nhân viên ở các đơn vị này được nhận khoảng 10 triệu đồng tiền Tết.
Trong số những trường này, nhìn chung giáo viên được nhận tiền Tết đều giảm vài ba triệu đồng so với năm ngoái. Tuy vậy, cũng có một vài trường tăng mức chi khiến giáo viên trường bị giảm so đo.
Gọi là tiền “thưởng” Tết nhưng thực ra đây là khoản kết dư cuối năm vì ngành giáo dục không có quy định tháng lương 13 cho giáo viên, nhân viên.
Trường nào có nhiều khoản thu, chi tiết kiệm, hợp lí thì giáo viên được nhận nhiều, thường lên đến hàng chục triệu đồng. Ngược lại, có trường chi mạnh tay, hiệu trưởng lại mập mờ tài chính thì thầy cô chẳng còn lại bao nhiêu.
Giáo viên một trường phổ thông (xin không nêu tên giáo viên và đơn vị) ở quận Bình Tân cho biết, nhà trường chi 13,5 triệu đồng tiền Tết, nhiều hơn 3,5 triệu đồng so với năm ngoái.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: Vietnamnet.vn |
Còn giáo viên một trường trung học cơ sở ở quận Gò Vấp thông tin, năm nay thầy cô được nhận 10 triệu đồng, ít hơn 7 triệu đồng so với Tết năm ngoái.
Đa số giáo viên ở Sài Gòn đều được chi tiền Tết nhưng vẫn có những thầy cô tính toán thiệt hơn, bởi có trường hợp trong cùng một quận, hai trường có số lượng học sinh, giáo viên, nhân viên tương đương nhau nhưng mức chi lệch nhau vài ba triệu đồng là chưa thỏa đáng.
Một giáo viên ở quận Tân Bình chia sẻ với người viết rằng, trường không công khai tài chính theo quy định, hiệu trưởng lại lấy lí do năm nay dịch bệnh, không có nguồn thu nên mức chi tiền Tết cũng giảm theo.
“Mặc dù dịch bệnh nhưng trường không phải trả nhiều tiền điện, nước (như khi dạy trực tiếp), không chi các hoạt động dành cho học sinh, không chi tiền dạy học sinh giỏi cho giáo viên… đó là những khoản phúc lợi mà người lao động phải được hưởng”, giáo viên này không đồng tình với viện dẫn của hiệu trưởng.
Làm sao để minh bạch tiền thưởng Tết?
Điều 9 Thông tư số 145/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác quy định:
“Phân phối chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên, trích lập các quỹ và sử dụng các quỹ theo quy định tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định số 141/2016/NĐ-CP của Chính phủ và theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị”.
Hàng năm sau khi hạch toán đầy đủ các khoản chi phí nộp thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước (nếu có) theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên (nếu có) đơn vị được sử dụng để trích lập các quỹ theo quy định, trong đó có Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi.
Như thế, hiệu trưởng được lập quỹ phúc lợi ở trường học theo quy định. Còn tiền thưởng Tết cho giáo viên, nhân viên nhiều hay ít phụ thuộc hoàn toàn vào cái tài, cái tâm của hiệu trưởng mỗi trường.
Đa số trường học ở thành phố Hồ Chí Minh đều có khoản kết dư trong năm học, nếu hiệu trưởng biết tiết kiệm và công khai tài chính minh bạch thì giáo viên có cái Tết sung túc.
Có thể liệt kê những khoản có thể kết dư trong năm như: tiết kiệm điện, nước, văn phòng phẩm, giảm hợp đồng nhân viên (tăng thêm nhiệm vụ kiêm nhiệm cho giáo viên).
Chi các phong trào, hoạt động của học sinh, giáo viên một cách hợp lí, thiết thực, có hiệu quả (chứ không phải cắt xén nội dung hoạt động).
Tiền phần trăm (hoa hồng) từ đồng phục học sinh, tin nhắn SMS, bảo hiểm xã hội, hồ sơ tuyển sinh đầu cấp (lớp 6 và 10), hồ sơ thi tốt nghiệp (học sinh lớp 12), Anh văn bản ngữ; căn-tin, nhà xe…
Những khoản trên hiệu trưởng phải công khai theo Thông tư 11/2020/TT-BGDĐT ngày 19/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công lập, thì tiền thưởng Tết mới minh bạch.
Cụ thể, Khoản d Điều 9 quy định những việc hiệu trưởng phải công khai (trích): "Kinh phí hoạt động hằng năm, bao gồm các nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn tài chính khác; quyết toán kinh phí hằng năm; tài sản, trang thiết bị; kết quả kiểm toán của cơ sở giáo dục."
Được biết, ngoài các khoản kết dư ra, năm nay giáo viên trường công lập được Thành phố chăm lo Tết Nguyên đán 1,5 triệu đồng. Cùng với đó, viên chức giáo viên được nhận thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND ngày 16/3/2018 của Hội đồng nhân dân Thành phố.
Chẳng hạn, giáo viên trung học phổ thông có lương bậc 5, vừa nhận tiền thưởng Tết, vừa nhận thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 của Thành phố có thể có tổng thu nhập lên đến khoảng trên dưới 35 triệu đồng (tùy theo trường).
Tài liệu tham khảo:
https://baochinhphu.vn/trich-lap-quy-tu-nguon-thu-cua-don-vi-su-nghiep-cong-lap-the-nao-102285287.htm
https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-11-2020-tt-bgddt-huong-dan-thuc-hien-dan-chu-trong-hoat-dong-cua-co-so-giao-duc-183610-d1.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.