Tại cuộc Họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, vào ngày 20/10, nhiều phóng viên báo chí quan tâm đến vấn đề hạn chế báo chí đưa tin tại các phiên họp của Thường vụ Quốc hội.
Trong đó, những thắc mắc liên quan đến căn cứ pháp lý, cơ sở để xác định tôn chỉ mục đích của các báo.
Trên thực tế, trong thời gian qua nhiều phóng viên báo chỉ tỏ ra rất khó hiểu về việc Thường vụ Quốc hội áp dụng việc hạn chế báo chí khiến nhiều tờ báo không được dự đưa tin bất cứ một nội dung nào.
Chính vì vậy nhiều nhà báo và cơ quan báo chí tỏ ra khó hiểu về cách làm của Văn phòng Quốc hội.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14 (ảnh Trinh Phúc). |
Trước những thắc mắc, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết:
“Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội, cơ quan chuẩn bị nội dung cho các Kỳ họp Quốc hội vì thế các nội dung cần bàn sâu, nhiều vấn đề phải lật lên lật xuống trao đổi.
Công tác báo chí trong các phiên họp của Thường vụ Quốc hội văn phòng Quốc hội đã thận trọng xin ý kiến các lãnh đạo trên cơ sở Luật Báo chí.
Trong quy chế của Thường vụ Quốc hội, chúng tôi cho rằng, báo chí có quyền tham dự nhưng quyền này là quyền khi báo chí được mời chứ không phải báo chí có quyền bất cứ cái gì cũng tham gia”.
Đại biểu Quốc hội các khóa tiếc nuối vì Thường vụ hạn chế báo chí |
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết thêm: “Các nội dung khi trình lên Quốc hội đương nhiên báo chí được tham gia.
Thời gian qua, nhiều phóng viên báo chí nhầm lẫn công tác báo chí ở Quốc hội với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hoạt động của Quốc hội thì tuân theo Luật Báo chí là phải công khai”.
Thắc mắc về việc xác định tôn chỉ mục đích của các báo, một phóng viên Báo Công an nhân dân cho rằng:
“Văn phòng Quốc hội căn cứ vào tiêu chí nào để xác định đâu là tôn chỉ mục đích của các báo để mời tham dự đưa tin?.
Báo Công an nhân dân không được mời nên rất hoang mang về tôn chỉ mục đích của báo mình.
Ví dụ như Báo công an nhân dân không thể đưa tin về tình hình kinh tế xã hội, độc giả báo công an nhân dân có được biết về tình hình ngân sách hay không?
Hơn nữa Luật An ninh mạng do Bộ Công an trình thì báo Công an nhân dân không được mời”.
Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng: “Có nhiều tiêu chí để xác định, trong đó có tiêu chí tôn chỉ mục đích của tờ báo có phù hợp với nội dung. Có thể nhiều phóng viên không được mời do anh em sơ suất.
Luật An ninh mạng lần đầu tiên trình nên không mời. Trong nội dung trình lần đầu chúng tôi hạn chế việc này”.