LTS: Câu chuyện về việc điều chuyển giáo viên đang nóng lên tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Thầy giáo Nguyễn Văn Thọ chia sẻ bài viết về cách làm khác nhau giữa các trường trước chủ trương này của huyện.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Kể từ năm học 2014, Uỷ ban nhân dân huyện Yên Thành, Nghệ An thực hiện đề án thuyên chuyển giáo viên giữa trường thừa với trường thiếu, cấp Trung học cơ sở xuống dạy Tiểu học.
Thời gian thuyên chuyển là 2 năm.
Tuy nhiên Phòng giáo dục không đề ra tiêu chí cụ thể để ai chuyển đi, ai ở lại mà giao cho các trường.
Vậy nên mỗi trường làm một phách dẫn đến một số trường người đi, kẻ ở không mấy vui vẻ thậm chí tranh cãi, mất đoàn kết.
Có nhiều trường phải họp cả chục lần nhưng vẫn không thống nhất được ai đi, ai ở.
Việc điều chuyển giáo viên, mỗi trường làm một kiểu gây ra nhiều tranh cãi trong giáo viên. Ảnh mang tính minh hoạ, nguồn: TTXVN |
Đối với cấp Tiểu học thì lãnh đạo nhà trường đưa ra điều kiện rất đơn giản, đó là ai về trước thì thuyên chuyển trước.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Đường Xuân Tùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mã Thành, Yên Thành cho biết:
"Chúng tôi quy định như vậy ngay từ khi tiếp nhận đề án và lên danh sách thuyên chuyển cho cả trường ngay từ đầu năm nên các năm tiếp theo giáo viên cứ theo danh sách thực hiện".
Cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên tại trường này nằm trong diện thuyên chuyên bộc bạch:
"Chị không biết đi xe máy nhưng vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ, dù quãng đường cách 10km".
Hàng trăm thầy cô ở Nghệ An khóc ngất vì bị chuyển xuống dạy tiểu học! |
Chị cho biết thêm, việc thuyên chuyển này là nghĩa vụ không trốn tránh được, không đi trước thì đi sau thôi.
Tuy nhiên cũng có những trường bình xét giáo viên để thuyên chuyển, cộng xét thi đua 2, 3 năm, giáo viên nào có điểm thấp nhất thì phải đi.
Chính vì cách làm như thế nên nhiều giáo viên ra đi trong tâm trạng không vui, ấm ức thậm chí có giáo viên còn gọi điện hoặc đến Phòng giáo dục để “khiếu nại”.
Cô Trần Thị T., giáo viên Trường Trung học cơ sở Xuân Thành cho biết, trường em xét thi đua để thuyên chuyển, càng cống hiến nhiều, càng lắm thành tích thì sẽ được ở lại, còn những giáo viên ít thành tích hơn sẽ phải chuyển.
Cách làm như Trường Trung học cơ sở Xuân Thành là thiếu tính nhân văn, có nguy cơ dẫn đến mất công bằng vì chỉ tính thi đua trong một vài năm và tạo ức chế, áp lực cho giáo viên thuyên chuyển.
Riêng Trường Trung học cơ sở Mã Thành, Yên Thành lại thực hiện theo cách đơn giản mà rất hiệu quả.
Thầy Nguyễn Hữu Đức, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Mã Thành cho biết:
"Nói thật là chẳng ai muốn chuyển những giáo viên có năng lực tốt đi cả nhưng đây là nghĩa vụ chung, ai cũng sẽ đến lượt, làm căng quá sẽ mất đoàn kết thậm chí hận thù.
Làm sao để người ra đi thoải mái, vui vẻ mới là quan trọng".
Chuyển 7 giáo viên, phòng giáo dục ấp úng giải thích, huyện chỉ biết im lặng |
Trước hết, nhà trường làm công tác tư tưởng trước cho giáo viên sau đó kêu gọi tinh thần xung phong rồi xét đến ai về trường trước thì đi trước.
Đối với giáo viên 50 tuổi (nữ) và 55 tuổi (nam) thì miễn thực hiện đề án để đảm bảo sức khỏe cho họ.
Năm học 2016 trường có 2 giáo viên xung phong đi và năm 2018-2019 này cũng có 2 giáo viên xung phong đi.
Thiết nghĩ, khi việc thuyên chuyển giáo viên theo đề án là nghĩa vụ là sự chia sẻ với khó khăn chung giữ các trường, các cấp học thì trước hết nhà trường cần làm tốt công tác tư tưởng cho giáo viên để họ ra đi trong tâm thế vô tư, thoải mái.
Thứ hai, đối với trường hợp chuyển từ cấp Trung học cơ sở xuống dạy Tiểu học thì Phòng giáo dục nên định hướng cho lãnh đạo các trường tiểu học bố trí, sắp xếp chuyên môn theo hướng thuận lợi với chuyên môn của giáo viên.
Vì mỗi cấp học sẽ có đối tượng và phương pháp khác nhau. Dạy tốt ở cấp Trung học cơ sở chưa chắc đã dạy tốt ở cấp Tiểu học.