Tiến sĩ Lê Viết Khuyến đánh giá cao cải tiến kỳ tuyển sinh 2022 của Bộ Giáo dục

06/10/2021 06:40
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngành hot, ngành năng khiếu nên coi điểm thi tốt nghiệp là bước sơ tuyển, sàng lọc bước đầu để tạo điều kiện cho người học có cơ hội vào trường.

Ngày 5/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh năm 2022.

Nghiên cứu các điểm mới này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá cao nội dung “khuyến cáo những trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra.

Bởi đây chính là một trong những góp ý lâu nay của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Nhìn lại mùa tuyển sinh 2021 với tình huống “dở khóc dở cười” điểm cao chót mà trượt nguyện vọng 1 thì Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, hiện tượng này là minh chứng điển hình của sự rối loạn về phương thức tuyển sinh.

Trước đây, chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào điểm của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nên tương đối ổn định. Nhưng năm nay các trường thực hiện đa dạng các tiêu chí tuyển sinh cho nên không có chuẩn.

Nào là xét tuyển học bạ với nhiều kiểu: có trường dựa vào điểm trung bình 2 học kỳ của năm lớp 12, có trường dựa vào điểm trung bình của 3 học kỳ gần nhất, có trường lại dựa vào điểm trung bình của 5 học kỳ ở bậc trung học phổ thông;

Rồi có trường dựa vào điểm trung bình năm lớp 12 kết hợp với điểm trung bình tổ hợp 3 môn xét tuyển..; Chưa kể nhiều trường đưa ra tiêu chí phụ là bài đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy, điểm IELTS….

Chưa kể, ngay cả nhiều trường đại học danh giá thực hiện tuyển sinh nhiều phương thức, trong đó tiêu chí xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông chiếm tỉ lệ không cao, bị thu hẹp.

Thậm chí, có trường các phương thức xét tuyển khác chiếm đến 60 – 70%. Vì thế, cơ hội của học sinh có điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021 đã bị thu hẹp.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (ảnh: Xuân Trung)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (ảnh: Xuân Trung)

“Đề thi năm nay chỉ dễ hơn một ít so với các năm, chứ không có chuyện dễ để điểm thi thay đổi quá lớn. Năm học vừa qua do dịch COVID diễn biến phức tạp, học sinh phải học qua truyền hình, học online nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tinh giản chương trình dạy học, đề thi cắt đi những câu quá khó, có như vậy mới đảm bảo quyền lợi học sinh.

Tôi cho rằng những cải tiến về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong mấy năm gần đây của Bộ giáo dục và Đào tạo rất đúng với xu hướng của thế giới. Điểm tuyển sinh cao bất thường là hệ quả của việc quá đa dạng hóa về các tiêu chí tuyển sinh và phương thức tuyển sinh. Muốn khắc phục tình trạng này thì cần phải thay đổi cách thức tuyển sinh” – Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

Tiến sĩ Khuyến cho rằng, hiện nay nếu từng trường tổ chức thi riêng thì sẽ tốn kém, cồng kềnh mà không phải cơ sở giáo dục nào cũng có thể tổ chức kỳ thi riêng được, do đó việc dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn là phổ biến.

“Chỉ các ngành top dưới và top giữa sẽ rất thuận lợi khi sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển vì điểm thi có độ phân hóa khá cao.

Nhưng ngành hot, ngành năng khiếu nên coi điểm thi tốt nghiệp là bước sơ tuyển, sàng lọc bước đầu để tạo điều kiện cho người học có cơ hội vào trường.

Sau sơ tuyển, các trường đại học cần có kỳ trung tuyển. Ví dụ, chỉ tiêu của ngành A là 200 thì dựa vào kết quả thi tốt nghiệp tuyển 2.000 thí sinh sau đó thông qua bài test hoặc đánh giá năng lực để chọn ra 200. Như vậy chắc chắn sẽ chọn được người học vừa có năng lực, vừa phù hợp với ngành đào tạo ”, thầy Khuyến nói.

Đã có phần mềm lọc tỷ lệ thí sinh ảo xuống mức thấp nhất

Phóng viên đặt băn khoăn về khâu lọc ảo thì Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, tỷ lệ ảo chỉ thấp nhất khi các trường tham gia vào cùng một nhóm xét tuyển chung. Nhưng phần mềm lọc ảo của nhóm xét tuyển chỉ áp dụng với các trường tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp, vậy còn các trường có thêm hình thức xét tuyển khác (như bài test, đánh giá năng lực) thì sao?

Qua nghiên cứu thầy Khuyến phân tích, phần mềm xét tuyển dựa trên thuật toán “chấp nhận trì hoãn” của trường Đại học Thăng Long xây dựng năm 2016 hoàn toàn giúp thí sinh trúng tuyển tối đa một nguyện vọng và đó là nguyện vọng tốt nhất có thể được trong mối tương quan với các thí sinh khác.

Theo phần mềm này mỗi trường đều có được danh sách trúng tuyển tốt nhất có thể được trong khuôn khổ các nguyện vọng và kết quả của thí sinh. Các trường không bị hạn chế trong việc phân bổ chỉ tiêu cho các ngành hay nhóm ngành, không bị hạn chế về các tiêu chí xét tuyển (có thể sử dụng kết quả học phổ thông của thí sinh, xét học bạ …).

Cách tổ chức xét tuyển thì các trường xác định các “Mã xét tuyển” của trường. Mỗi trường có một số Mã xét tuyển, mã xét tuyển gồm các yếu tố: các ngành, tiêu chí đánh giá thí sinh, điều kiện tối thiểu và chỉ tiêu. Một Mã xét tuyển có thể gồm 1 hay nhiều ngành. Một ngành cũng có thể thuộc một số Mã xét tuyển.

Điều cốt yếu là thí sinh phải xếp thứ tự ưu tiên cho các nguyện vọng trong nhóm của bản thân. Phần mềm xét tuyển sẽ lần lượt xét các nguyện vọng của thí sinh theo thứ tự thí sinh đã đăng ký.

Khi một nguyện vọng đã trúng thì các nguyện vọng sau không được xét nữa. Thí sinh chỉ trúng tuyển không quá một nguyện vọng trong nhóm. Xử lí dữ liệu; Dữ liệu về các Mã xét tuyển của các trường trong nhóm: do các trường cung cấp; Kết quả học ở phổ thông (trường hợp xét học bạ): thí sinh nộp khi đăng ký; Kết quả sơ tuyển (nếu có yêu cầu): do trường cung cấp.

Do vậy, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng: “Nếu các trường chấp nhận sử dụng phần mềm do trường Đại học Thăng Long đề xuất thì quyền của các trường vẫn được đảm bảo, thí sinh vẫn được quyền lựa chọn nguyện vọng phù hợp nhất với mình.

Bởi lẽ, phần mềm này chấp nhận điều kiện tuyển sinh vào các trường hoàn toàn độc lập nên thí sinh không tốn công tốn sức mà tỷ lệ thí sinh ảo của các trường được giảm xuống tới mức thấp nhất. Bởi lãnh đạo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam từng chứng kiến phần mềm này chạy thử trên dữ liệu giả lập với 1 triệu thí sinh để lọc ra người trúng tuyển, chỉ mất chưa đầy 20 phút để hoàn thành trong điều kiện máy tính có cấu hình bình thường."

Thùy Linh